+
Aa
-
like
comment

Ác mộng của hàng triệu trẻ em và phụ huynh tại Mỹ

Bảo Trâm - 05/10/2023 14:09

Bạo lực súng đạn đã vượt qua tai nạn ô tô và ung thư để trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ.

Ba trẻ em và ba người lớn đã bị sát hại trong vụ xả súng tại trường học ở thành phố Nashville hồi tháng 3/2023 (Ảnh: ABC News)

Theo New Weeks, số liệu mới nhất được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố gần đây cho thấy, bạo lực súng đạn đã vượt qua tai nạn ô tô và ung thư để trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ.

Cụ thể, trong năm 2021, có 2.279 trẻ em và thanh thiếu niên đã thiệt mạng trong các vụ án liên quan đến súng ở Mỹ, cao gấp đôi so với 10 năm trước. Dữ liệu này tăng 50% trong khoảng thời gian 3 năm từ 2019 đến 2021.

Trong số đó, số vụ tự tử liên quan đến súng ở trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ đã tăng 11% kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong năm 2021, khoảng 19% nguyên nhân tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên tại Mỹ có liên quan đến bạo lực súng đạn. Theo đó, bạo lực súng đạn đã vượt qua tai nạn ô tô và ung thư để trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ.

Cũng theo báo cáo của CDC Mỹ, trẻ em và thanh thiếu niên người Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng tử vong vì bạo lực súng đạn hơn người da trắng. Trong năm 2021, cứ 100.000 trẻ em Mỹ thì có 17 trẻ gốc Phi bị giết bằng súng, so với 3 trẻ da trắng.

Những năm gần đây, số vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ liên tục tăng. Ảnh minh họa: Vox

Mặc dù có rất nhiều lời kêu gọi kiểm soát súng đạn ở Mỹ nhưng do các yếu tố như sự phân cực chính trị, các tổ chức ủng hộ súng, các nhà sản xuất súng và sự bắt tay của các chính trị gia, Mỹ khó đưa ra các biện pháp kiểm soát súng hiệu quả và vấn đề bạo lực súng đạn ngày càng trầm trọng.

Gần đây nhất, một vụ nổ súng xảy ra vào tối 03/10 trong khuôn viên Đại học Bang Morgan ở Baltimore, Mỹ, làm ít nhất năm người bị thương. Nghi phạm đã lẩn trốn.

Theo cảnh sát địa phương, vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 21h30 giờ địa phương. 5 nạn nhân, từ 18 đến 22 tuổi đã bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Vụ việc này xảy ra sau khi sinh viên trường Morgan mừng lễ trao giải thường niên “Hoa khôi và Hoa vương ĐH công Morgan” vào lúc 6h30’ tối (giờ địa phương). Sự kiện trao giải được tổ chức tại Trung tâm Mỹ thuật Murphy ở trong trường, và đây cũng là nơi mà nhà trường yêu cầu sinh viên tránh xa kể từ khi có tiếng súng. Hiện chưa rõ vụ xả súng có liên quan gì đến địa điểm này, hoặc sự kiện trao giải nói trên.

Học sinh của trường trung học Oxford và các trường khác ở Clarkston, Michigan, cùng với các thành viên cộng đồng, tập hợp để cầu nguyện tại Nhà thờ Bridgewood, một ngày sau vụ xả súng chết người tại ngôi trường này vào ngày 1/12/2021. Ảnh: Reuters

Theo thống kê từ trang web Gun Violence Archive, trang lưu trữ trực tuyến chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ, tính đến ngày 2/10, có 32.566 người đã thiệt mạng vì bạo lực súng đạn ở Mỹ trong năm nay, trong đó có hơn 1.300 trẻ em và thanh thiếu niên.

Mỹ là quốc gia có số dân thường sở hữu súng nhiều nhất thế giới, số lượng súng nhiều hơn cả dân số, cứ 100 người thì có khoảng 120 khẩu súng. Bạo lực súng đạn đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Nhà văn Mỹ Janice Ellis bình luận, ở Mỹ, dù là ở cửa hàng tạp hóa, trung tâm mua sắm hay trường học, người ta đều có khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực súng đạn. Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực súng đạn.

Động cơ xả súng cũng rất đa dạng: Thù hận, bệnh tâm thần, băng đảng trả thù, mâu thuẫn gia đình v.v… thậm chí cãi vã trong nhà hàng đồ ăn nhanh hay tức giận khi bị vượt xe đều có thể dẫn đến xả súng. Kaiser Family Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, công bố một báo cáo cho biết hơn một nửa số người Mỹ trưởng thành được khảo sát cho biết họ hoặc người thân từng một lần gặp phải vụ việc liên quan đến súng. So với người da trắng, con số này ở những người da màu như người Mỹ gốc Phi còn cao hơn nhiều.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa tỷ lệ sở hữu súng và bạo lực súng đạn ở Mỹ. Một nghiên cứu của Đại học Boston cho thấy cứ mỗi điểm phần trăm gia tăng sở hữu súng trong gia đình, thì tỷ lệ mưu sát bằng súng ở Mỹ tăng 0,9%. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng trong những năm gần đây, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Mỹ tiếp tục gia tăng, việc cắt giảm nhân viên, doanh nghiệp đóng cửa, kinh tế suy thoái… dẫn đến xã hội ngày càng phân hóa, kéo theo tâm lý cực đoan. Bạo lực súng đạn gia tăng cũng khiến nhiều người muốn sở hữu súng để tự vệ.

Theo Vox News, “tự vệ” đã trở thành lý do quan trọng nhất để người Mỹ sở hữu súng, nhiều hơn cả lý do săn bắn, giải trí, sưu tập, công việc. Tờ The Hill đưa tin, từ năm 2020 đến năm 2022, người Mỹ mua gần 60 triệu khẩu súng, khoảng 1/5 số hộ gia đình Mỹ đã mua súng và doanh số bán súng hàng năm cao gấp đôi so với 15 hoặc 20 năm trước. Tự do sở hữu súng đã thúc đẩy bạo lực xã hội, ngược lại, bạo lực thúc đẩy việc sản xuất và mua bán súng.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều