+
Aa
-
like
comment

9,2 triệu dân Anh đối mặt với “nghèo đói” và giá rét khi bị cúp điện

Bảo Trâm - 14/08/2022 09:50

Theo kịch bản đen tối nhất có thể xảy ra, 9,2 triệu gia đình Anh đối mặt nghèo đói và bị cắt điện cùng lúc nếu nước Anh rơi vào tình trạng thiếu hụt công suất điện với tổng công suất khoảng 1/6 nhu cầu giờ cao điểm ngay cả khi các nhà máy nhiệt điện than khẩn cấp hoạt động liên tục.

Người vô gia cư ở Anh tăng đột biến sau Covid và khủng hoảng

Theo “kịch bản xấu nhất nhưng có căn cứ” của chính phủ, nhiệt độ dưới mức trung bình và lượng điện nhập khẩu suy giảm từ Na Uy và Pháp có thể khiến Anh có 4 ngày thiếu điện trong tháng 1-2023 trong bối cảnh Anh thực hiện các biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm khí đốt.

Nếu kịch bản trên diễn ra, việc cúp điện sẽ xảy ra ngay cả khi người Anh phải chi trả hóa đơn tiền điện, gas trung bình hằng năm cao hơn, với mức tăng trên 4.200 bảng Anh (khoảng 5.000 USD) vào tháng 1-2023 từ mức chỉ dưới 2.000 bảng Anh hiện tại.

Trong trường hợp mùa đông đặc biệt lạnh giá, Anh có thể sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào các chuyến hàng khí đốt từ châu Âu – nơi nguồn cung vốn đã suy giảm do Nga hạn chế dòng chảy khí đốt đến lục địa già. Điều đó đặt ra một tình thế khó xử đối với Anh, quốc gia có rất ít khả năng dự trữ trong nước.

Chính phủ Anh dự đoán kịch bản nước Anh sẽ phải chịu giá rét vì thiếu nguồn cung năng lượng

Theo Bloomberg, Anh đã vận chuyển lượng khí đốt kỷ lục tới lục địa già và muốn được đáp lại khi nhiệt độ giảm xuống. Biện pháp dự phòng chính của Anh là khôi phục địa điểm lưu trữ khí đốt tự nhiên Rough lớn nhất của nước này.

Trong khi đó, Na Uy thông báo dự kiến sẽ hạn chế xuất khẩu điện sang châu Âu nếu mực nước tại các nhà máy thuỷ điện của nước này tiếp tục giữ ở mức thấp. Thông tin này như một đòn giáng vào hy vọng rằng quốc gia vùng Bắc Âu này có thể giúp hỗ trợ các nước giềng giải quyết một phần vấn đề năng lượng trong mùa đông được dự báo là sẽ nhiều khó khăn sắp tới.

Na Uy là một trong những nước xuất khẩu điện lớn nhất ở châu Âu, thường bán điện qua đường cáp cho các nước Anh, Đức, Hà Lan và Đan Mạch.

Không dừng lại, giá trần năng lượng và tiền thuê nhà tăng vọt là hai yếu tố góp phần vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng ở Anh.

Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của các gia đình sau khi trả hóa đơn năng lượng giảm xuống dưới ngưỡng nghèo. Tổ chức chống đói nghèo do tác động của giá xăng dầu (EFPC) dự báo 9,2 triệu hộ gia đình ở Anh, chiếm khoảng 28,4%, sẽ rơi vào cảnh nghèo khó vì giá nhiên liệu cao từ ngày 1-10.

Con số này sẽ tăng lên 10,5 triệu người, chiếm khoảng 32,6% từ ngày 1-1-2023. Một hộ gia đình ở Anh bị xem là nghèo nếu thu nhập của hộ đó thấp hơn 60% so với mức trung bình toàn quốc. Thống kê chính thức cho thấy trong năm 2021, thu nhập trung bình toàn quốc của hộ gia đình ở Anh là 31.000 bảng Anh, tương đương 37.500 USD.

Dựa theo phân tích của Công ty Cornwall Insight, kể từ tháng 10, hóa đơn năng lượng bình quân của một hộ gia đình ở Anh vào khoảng 3.582 bảng Anh, tương đương 4.335 USD trong 1 năm. Con số này sẽ tăng lên mức 4.266 bảng Anh, khoảng 5.163 USD từ tháng 1-2023, tương đương 355 bảng Anh (430 USD)/tháng. Trong khi đó, giá thuê nhà ở Anh đã tăng 11% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoài, riêng giá thuê nhà ở thủ đô London đã tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng cũng đã gây sức ép lên hai ứng viên tranh chức thủ tướng gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss. Hồi tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài do giá năng lượng tăng cao chưa từng thấy đẩy tỉ lệ lạm phát có thể lên tới 13%.

Bảo Trâm (Theo Bloomberg)

Bài mới
Đọc nhiều