90% gia đình Việt có thu nhập bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19
Có đến 90% người Việt được hỏi cho biết thu nhập bị ảnh hưởng tiêu cực, 41% thu nhập hộ gia đình giảm hơn 20% vì dịch COVID-19. Dịch cũng làm thay đổi hành vi thanh toán của người dùng, giảm xài tiền mặt, ưu tiên ví điện tử, thanh toán online.
Theo khảo sát vừa được công ty nghiên cứu thị trường Ipsos (Pháp) công bố ngày 17-7, tác động dịch COVID-19 lên những gia đình có thu nhập trung bình – thấp của Việt Nam là khá nặng nề, so với nhóm thu nhập cao.
Khảo sát cho biết chỉ có 10% số người tham gia khảo sát nói gia đình họ không bị ảnh hưởng về mặt tài chính. Các hộ gia đình trong nhóm thu nhập thấp là người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, 17% trong số họ phải chịu cắt giảm tài chính hơn 50%, 41% có thu nhập gia đình giảm hơn 20% vì dịch COVID-19.
30% người tiêu dùng chưa nghĩ thu nhập sẽ được cải thiện, có thể chưa quay trở lại với các thói quen chi tiêu như trước COVID-19. Ước tính 23% người Việt vẫn chưa có dự định tham gia trở lại các hoạt động tại nơi công cộng, đông người, được hiểu là các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí bên ngoài.
Tuy vậy, với tình hình kiểm soát dịch bệnh thành công của Việt Nam lúc này, bức tranh về mức thu nhập hộ gia đình trong tương lai có dấu hiệu tích cực hơn, 67% dự đoán sẽ được cải thiện, trong khi 12% được dự đoán sẽ còn tiếp tục tệ đi.
Phần lớn người tiêu dùng đã bị giảm thu nhập đáng kể bởi ảnh hưởng từ COVID-19, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến việc họ chi tiêu cho nhiều sản phẩm khác nhau. Người tiêu dùng đã chuyển hướng qua những lựa chọn một cách cân nhắc hơn, giảm hẳn những khoản chi tiêu không cần thiết.
Người tiêu dùng cũng thận trọng và cân nhắc hơn khi lựa chọn nhãn hiệu. Đa số người tiêu dùng sẽ tìm kiếm và lựa chọn các nhãn hiệu mang đến cho họ cảm giác được quan tâm.
“Kết quả này không có sự khác biệt lớn ở tất cả các phân khúc thu nhập khác nhau, điều đó bắt buộc các doanh nghiệp cần phải thực sự gắn kết tốt hơn với người tiêu dùng, thận trọng trong chiến lược về giá và luôn sẵn sàng có các giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối sản phẩm”, báo cáo kết luận.
Đáng chú ý, những người khảo sát đã ghi nhận được điểm thú vị trong thay đổi đáng kể trong cách người tiêu dùng thanh toán khi mua sắm. Gần một nửa người tiêu dùng cho rằng họ sẽ giảm việc thanh toán bằng tiền mặt và kể cả bằng thẻ thanh toán khi mua hàng, trong khi ví điện tử và hình thức thanh toán online sẽ tăng một cách đáng kể.
N.BÌNH/TT