+
Aa
-
like
comment

9 vấn đề định hình nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024

Bích Ngân - 27/12/2023 16:16

Các nhà kinh tế đang kỳ vọng 2024 sẽ là một năm tương đối yên bình hoặc “nhàm chán”.

Vào cuối năm 2022, nhiều nhà kinh tế và ngân hàng đã dự đoán kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể, tăng trưởng việc làm ổn định và đầu tư sản xuất tăng đột biến. Ngoài ra, khoảng cách tiền lương cũng như mức độ giàu có bị thu hẹp và chi tiêu tiêu dùng vẫn ở mức cao.

Mặt khác, lãi suất thế chấp vẫn tăng, các khoản vay nợ sinh viên trở lại và lạm phát vẫn ở mức cao đối với những khoản chi tiêu hàng ngày như thực phẩm, nhà ở và giải trí.

Nhà kinh tế Shannon Seery Grein tại Wells Fargo dự đoán nền kinh tế sẽ suy thoái nhẹ vào năm 2024, nhưng sẽ không quá nghiêm trọng. Các nhà kinh tế đang kỳ vọng 2024 sẽ là một năm tương đối yên bình hoặc “nhàm chán”.

Dưới đây là 9 vấn đề được cho sẽ định hình nền kinh tế Mỹ khi bước sang năm 2024.

Lạm phát giảm tốc nhanh chóng

Trong năm 2023, lạm phát đã chậm lại đáng kể. Thước đo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 6,3% tháng 1 xuống còn 3,1% trong tháng 11.

Trong năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 4 lần và giữ ổn định kể từ tháng 7. Lãi suất chuẩn hiện trong khoảng 5,25% – 5,5%. FED cho biết sẽ có 3 lần cắt giảm vào năm 2024 với kỳ vọng đưa lãi suất quỹ liên bang xuống 2% – 2,25% vào năm 2026.

Mặc dù lãi suất quỹ liên bang của FED có thể đã đạt đỉnh, nó vẫn ảnh hưởng đến các lãi suất khác như lãi suất thẻ tín dụng, lãi suất thế chấp. Theo Bankrate, lãi suất thẻ tín dụng đang ở mức cao kỷ lục 20,7%, còn lãi suất thế chấp 30 năm ở mức gần 7,5%. Điều này cho thấy việc mua nhà đang vô cùng đắt đỏ.

Các thành viên Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) không đồng tình về số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Một số quan chức dự đoán không cắt giảm, số khác lại dự đoán 4 đợt hạ lãi suất.

Lãi suất quỹ liên bang

 

Thị trường việc làm giảm nhiệt nhẹ

Năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng việc làm bền vững nhưng với tốc độ chậm hơn so với hai năm trước. Năm nay, nền kinh tế Mỹ tạo thêm bình quân 232.200 việc làm mới mỗi tháng, tăng khoảng 55.000 việc làm so với năm 2018, 2019. Những công việc này bao gồm chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ xã hội, giải trí, khách sạn và việc làm nhà nước.

Kể từ đầu năm 2022, ngay cả khi lãi suất tăng, tỷ lệ thất nghiệp duy trì tương đối ổn định trong khoảng từ 3% đến 4%. Trong năm tới, theo cơ quan CBO, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng nhẹ lên 4,4% trong quý 4, vẫn thấp hơn so với mức tiêu chuẩn trước nay.

Tăng trưởng kinh tế có thể vượt kỳ vọng nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư sản xuất

Tăng trưởng GDP năm 2023 một phần xuất phát từ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, bất chấp lạm phát hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ở mức cao. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vào tháng 11/2023 cao hơn 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2023, sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng đều có dấu hiệu tích cực qua các tháng, ngoại trừ tháng 3. Tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư sản xuất, với đầu tư xây dựng đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1958 đến nay.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2024. Các ngân hàng và các nhà kinh tế hàng đầu dự đoán tăng trưởng GDP năm tới từ 0,5% đến 2%. J.P. Morgan dự báo thận trọng ở mức 0,7%, Conference Board đưa ra ước tính là 0,9%. CBO dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở mức 1,5%.

Ông Seery Grein cho biết: “Niềm tin của chúng tôi về suy thoái kinh tế không còn cao như trước đây. Điều chúng tôi thấy rõ nhất là năm 2024 sẽ là một năm tăng trưởng chậm chạp”.

Người dân Mỹ nhận ra nền kinh tế đang hoạt động tốt bất chấp lạm phát

Theo khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan và Khảo sát niềm tin người tiêu dùng của Conference Board, tâm lý người tiêu dùng đang phục hồi. Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng của Đại học Michigan tháng 12 đã tăng 13,7% so với tháng trước và tăng 16,6% trong 12 tháng qua.

Chuyên gia kinh tế Dana Peterson cho biết niềm tin người tiêu dùng tăng lên phản ánh những đánh giá tích cực về điều kiện kinh doanh hiện tại và tình hình cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ vẫn lo lắng về những yếu tố tác động nhiều đến họ, chẳng hạn như giá hàng hoá hoặc tiền thuê nhà vẫn tăng cao.

Gánh nặng nợ sinh viên trở lại và các khoản lãi vay khác

Sau 3 năm tạm hoãn, lãi suất vay sinh viên liên bang đã được khôi phục vào ngày 1/9. Tính đến tháng 6/2023, khoản nợ vay sinh viên liên bang là tổng cộng 1,64 nghìn tỷ USD, trung bình mỗi người vay khoảng 38.000 USD.

Việc nợ sinh viên quay trở lại đồng nghĩa nhiều người phải trích thêm tiền để trả nợ. Hàng triệu người đã chứng kiến nguồn tự trữ tài chính của họ bị hao hụt trong trường hợp khẩn cấp.

Nền kinh tế Mỹ vượt trội hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới

Mỹ đang vượt xa phần lớn các nước G7 cả về lạm phát lẫn GDP. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ xếp thứ 3 trong G7, sau Italy và Canada.

Trong quý 3, Mỹ có mức tăng trưởng GDP cao nhất cho đến nay, ở mức 1,2% so với quý trước. Xếp sau là Pháp với mức tăng 0,1%. Các quốc gia còn lại không ghi nhận mức tăng trưởng, thậm chí là sụt giảm.

Bất bình đẳng kinh tế được xoa dịu, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm

Khi tiền lương thực tế tăng lên, chênh lệch thu nhập dần được thu hẹp. Một phần nguyên do là nhờ nỗ lực của công đoàn và tình trạng thiếu lao động trong các ngành lương thấp như khách sạn.

Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế, năm 2023 cũng là năm kỷ lục về tỷ lệ việc làm của người Mỹ da đen so với người Mỹ da trắng. Song, vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa các chủng tộc. Dữ liệu điều tra dân số tiết lộ vào năm 2022, thu nhập bình quân hộ gia đình người Mỹ da trắng là khoảng 81.000 USD, trong khi của hộ gia đình người Mỹ da đen là 53.000 USD và gia đình gốc Tây Ban Nha là 62.800 USD.

TikTok, Taylor Swift và Chat GPT

Chuyến lưu diễn Eras Tour của Taylor Swift đã dạy cho người dân Mỹ vài điều về nền kinh tế. Nhiều người đã chi hàng nghìn USD để xem hoà nhạc, du lịch tham gia các sự kiện. Điều này khiến giá vé xem phim, xem ca nhạc tăng 4,4% so với năm trước.

TikTok cũng là trung tâm của một số xu hướng kinh tế, chẳng hạn như việc tiết kiệm thực phẩm trong khi giá cả tăng cao.

Chat GPT cũng gây chú ý vì không những hỗ trợ con người, nó còn đang đe doạ để một số việc làm. Nhiều nhà kinh tế vẫn chưa khẳng định trí tuệ nhân tạo có ảnh hưởng đến thị trường việc làm. Nhưng một số khác tin rằng AI có thể giúp các công ty tăng năng suất và doanh thu.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều