+
Aa
-
like
comment

8900 tỷ được thu hồi từ AVG đang ở đâu?

03/01/2020 20:23

Năm 2019 khép lại với sự hồ hởi của dư luận và niềm tin của người dân nâng cao khi thương vụ AVG – Mobifone được đưa ra xét xử. Lần đầu tiên thu về được 100% số tiền tham nhũng; Những quan chức cấp cao đứng trước vành móng ngựa với tội danh “Nhận hối lộ” mà không phải là “Thiếu trách nhiệm trong điều hành gây hậu quả nghiêm trọng” quen thuộc… Đáng tiếc là những sự cố gắng ấy lại bị một số đối tượng xuyên tạc rằng, việc xử lý tham nhũng này là để “chi tiêu và góp phần trả nợ cho ngân sách nhà nước”.

Cần phải khẳng định rõ ràng rằng, thương vụ tiến hành mua 95% cổ phần của AVG là dùng 8900 tỷ của Tổng công ty Viễn thông MobiFone để mua chứ không phải là lấy trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Và Phạm Nhật Vũ khắc phục hậu quả bằng số tiền 8900 tỷ này (gồm cả gốc lẫn lời) là trả lại cho Mobifone chứ không phải trả cho ngân sách nhà nước.

Mặc dù, MobiFone do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, tuy nhiên bản chất của nó là một doanh nghiệp và chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Thông tin và truyền thông. Mobifone ra đời với sứ mệnh chống độc quyền và giữ cho thị trường khỏi rơi vào tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thế nên nó hoạt động như một bất cứ một doanh nghiệp trong nước. Có nghĩa là mỗi năm Mobifone đều phải đóng thuế bên cạnh đó nó phải chia một phần lợi nhuận cho ngân sách nhà nước, phần còn lại tiếp tục để tái vốn kinh doanh cho năm sau.

Điều này cũng có nghĩa là 8900 tỷ đồng này sẽ nằm trong tổng vốn của Tổng công ty Viễn thông MobiFone và nó sẽ được phân bổ để tái kinh doanh. Ngân sách nhà nước chỉ hưởng được một phần trong số 8900 tỷ đó sau khi Mobifone tổng kết doanh thu cuối năm. Chính vì vậy, luận điệu xuyên tạc rằng việc xử lý thương vụ tham nhũng này là “để chi tiêu và góp phần trả nợ cho ngân sách nhà nước” là hoàn toàn sai trái và thể hiện sự thiếu hiểu biết về kinh tế.

Hơn nữa, cần phải hiểu rằng, việc doanh nghiệp như Mobifone thu hồi được 8900 tỷ này, là do Phạm Nhật Vũ tự nguyện, chủ động khắc phục hậu quả để giảm nhẹ trách nhiệm, chứ không phải bất cứ đại án kinh tế nào cũng thu hồi dễ dàng như vậy. Hiện nay, có rất nhiều vụ án như Trần Bắc Hà và BIDV, Đinh La Thăng và PVN, Trịnh Xuân Thanh và PPC, Hà Văn Thắm và Ocean Bank, Trần Phương Bình và DAB, Phạm Công Danh và VNCB… với con số thất thoát mỗi vụ lên đến hàng nghìn tỷ của nhà nước nhưng vẫn không thu hồi được. Theo thông tin từ Ban nội chính Trung ương, từ năm 2013 đến tháng 9/2018, tổng số tiền các tổ chức tín dụng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là trên 62 nghìn tỷ đồng, 18,52 triệu USD nhưng mới chỉ thu hồi được hơn 10 nghìn tỷ và 10 triệu USD. Vậy mới thấy việc thu hồi này khó khăn đến mức nào.

Mặc dù người dân ai cũng mong mỏi thu hồi tiền ngân sách nhà nước từ hàng lọa vụ thất thoát nghìn tỷ này nhưng nó không phải là mục đích chính của chiếc lò chống tham nhũng đang hừng hực “cháy”. Cái lớn nhất chúng ta đạt được sau khi xử lý hàng loạt các vụ tham nhũng này là quy trách nhiệm được đối với những lãnh đạo đã và đang quản lý lĩnh vực đó vì khiến ngân sách nhà nước bị thiệt hại nặng nề này. Tránh tình trạng hạ cánh an toàn hoặc cha chung không ai khóc. Bên cạnh đó, là việc sàng lọc cải tổ loại bỏ những con sâu ra khỏi bộ máy nhà nước. Thứ nữa, là lấy lại niềm tin rất lớn của nhân dân trong công cuộc phòng và chống tham nhũng này.

Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, “Tiếp tới đây sẽ xử lý các vụ án tham nhũng, các đồng chí cứ chờ xem”, tin chắc rằng năm 2020 sẽ có hàng loạt vụ án sẽ được đưa ra xét xử.

Thu An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều