+
Aa
-
like
comment

8 tháng tại Hội đồng Bảo an: Dấu ấn Việt Nam

18/09/2020 16:27

Việt Nam nhất quán theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Là bạn và đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; mong muốn xây dựng quan hệ chặt chẽ, đa dạng với các nước trên thế giới và đóng vai trò tích cực trên trường quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: UN)

Trong 8 tháng đầu năm 2020, sự tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp, đóng góp tích cực của bộ, ban, ngành hữu quan. Nhờ đó, Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng:

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020: Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động và đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực và quốc tế và báo giới. Việt Nam cũng đã để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện là: Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên của HĐBA về tuân thủ Hiến chương LHQ; và Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN lần đầu tiên tại HĐBA. Cả hai sáng kiến trên còn được dư luận đánh giá là “đúng, trúng và kịp thời” trong tháng đầu tiên của năm 2020 – dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ và ký kết Hiến chương LHQ – đáp ứng nguyện vọng chung của các nước thành viên là đề cao Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, vai trò của các tổ chức khu vực (trong đó có ASEAN) khi môi trường quốc tế diễn biến phức tạp, một số nước lớn có chiều hướng chính sách, hành động đi ngược lại các nguyên tắc cốt lõi này.

Trong vai trò Uỷ viên không thường trực HĐBA: Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực. Đối với các vấn đề phức tạp có mâu thuẫn quan điểm, tranh chấp lợi ích giữa các nước, Việt Nam đã xử lý khéo léo, thỏa đáng, tránh bị cuốn vào sự đối đầu, chính trị hóa giữa các nước lớn. Việc Việt Nam tích cực đóng góp, đề xuất các sáng kiến và phấn đấu thể hiện vai trò cầu nối trên một số vấn đề, vừa nhằm phát huy vai trò “trung gian, hòa giải” và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban theo dõi thực hiện các Nghị quyết về Nam Sudan: (nơi Việt Nam đang triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2), Việt Nam đã phát huy vai trò trung gian góp phần thu hẹp khác biệt giữa các nước, có nhiều đóng góp về nội dung được phản ánh vào Nghị quyết gia hạn cơ chế trừng phạt đối với Nam Sudan; được các nước châu Phi và Mỹ (nước chủ trì dự thảo) ghi nhận tích cực.

Trong vai trò Chủ tịch Nhóm làm việc không chính thức của HĐBA về các tòa án quốc tế: Việt Nam đã soạn thảo và chủ trì thương lượng thông qua Nghị quyết của HĐBA về rà soát hoạt động năm 2018-2019 của Cơ chế giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của các tòa án hình sự quốc tế và bổ nhiệm Công tố viên cho Cơ chế, trên cơ sở dung hòa quan điểm giữa các bên (NQ 2529) được thông qua với 14 phiếu thuận.

Lực lượng GGHB Việt Nam tại Bentiu, Nam Sudan .(Ảnh: CGGHBVN)

Khi đảm nhiệm Điều phối viên Nhóm các nước Uỷ viên không thường trực (E10) tại HĐBA trong tháng 5/2020, Việt Nam thể hiện vai trò tích cực, nhất là việc chủ động nối lại cuộc gặp trực tuyến giữa E10 và Tổng Thư ký LHQ (gần đây không tổ chức được do dịch COVID-19), chủ trì xây dựng phát biểu chung của E10 tại phiên họp mở về phương pháp làm việc…

Tận dụng tốt “vai trò kép” là Uỷ viên không thường trực HĐBA và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tổ chức tốt phiên họp của HĐBA về hợp tác LHQ – ASEAN, thường xuyên đề cao vai trò của các tổ chức khu vực trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề của các khu vực. Ta cũng đã tăng cường phối hợp lập trường với Indonesia, góp phần thúc đẩy đoàn kết, vai trò và hiện diện của ASEAN tại HĐBA LHQ (trong 6 tháng đầu năm 2020, ta và Indonesia đã có 03 lần phát biểu chung tại HĐBA, là hình thức phối hợp mới so với năm 2008 khi hai nước cùng đảm nhận cương vị UVKTT HĐBA).

Việt Nam cũng tập trung ưu tiên thúc đẩy một số vấn đề chủ đề được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nước thành viên để phát huy vai trò và đóng góp của mình tại HĐBA, gồm: Khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ tái thiết hậu xung đột; Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang; An ninh và biến đổi khí hậu; Phụ nữ, hòa bình và an ninh; Hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực; Trẻ em và xung đột vũ trang và Hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, HĐBA được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm hàng đầu về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và tất cả các nước thành viên LHQ đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của HĐB. Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các Chính phủ của các quốc gia thành viên, các quyết định và nghị quyết của HĐBA theo chương VII Hiến chương, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

HĐBA gồm 15 thành viên: 5 Ủy viên thường trực (UVTT – Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và 10 Ủy viên không thường trực (UVKTT – có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ bầu, phân bổ theo khu vực địa lý). Mỗi UVTT và UVKTT có một lá phiếu. Theo Thủ tục hoạt động tạm thời của HĐBA, các quyết định về các vấn đề mang tính thủ tục cần đạt tối thiểu 9/15 phiếu ủng hộ; các quyết định về các vấn đề thực chất cần đạt tối thiểu 9 phiếu ủng hộ và không bị bất kỳ UVTT nào chống (quyền phủ quyết của UVTT đối với một quyết định mang tính thực chất của HĐBA).

Để hoàn thành thành trách nhiệm chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chức năng, nhiệm vụ và biện pháp triển khai của HĐBA được quy định chi tiết tại các Chương VI, VII, VIII của Hiến chương LHQ như sau:

– Kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình (Điều 33); đưa ra các khuyến nghị cách thức giải quyết nếu các bên đồng ý (Điều 38).

– Điều tra các tranh chấp, tình huống để xác định có đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế hay không (Điều 34); xác định các mối đe dọa hòa bình, phá vỡ hòa bình và hành động xâm lược (Điều 39); đưa ra các biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn tình hình diễn biến xấu đi (Điều 40).

– Trong trường hợp có đe dọa, xâm phạm hòa bình hay hành động xâm lược, HĐBA có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế (lệnh trừng phạt hoặc hành động quân sự) nhằm duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế (Điều 41). Nếu các biện pháp hòa giải và trừng phạt không thành công, HĐBA có thể áp dụng hành động quân sự theo Chương VII. Hành động quân sự được chia thành 2 loại chính: đầu tiên là các hoạt động gìn giữ hòa bình do LHQ triển khai; loại thứ hai là các hoạt động quân sự được LHQ cho phép và được triển khai bởi bên thứ ba.

– Quyết định triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, tuy không được quy định trong Hiến chương LHQ.

– Điều phối các hoạt động duy trì hòa bình thông qua các dàn xếp khu vực và hợp tác với các tổ chức khu vực (Chương 8 Hiến chương LHQ).

– Khuyến nghị Đại hội đồng LHQ về việc bầu Tổng thư ký LHQ, Thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và xem xét đơn xin gia nhập LHQ của các nước.

Bài mới
Đọc nhiều