8 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ sau kiện toàn
Trong phiên họp đầu tiên triển khai công việc sau khi kiện toàn nhân sự, Chính phủ xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thời gian tới.
Phiên họp diễn ra ngày 15/4 và sau đó Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành nghị quyết nêu một số quan điểm, định hướng trong chỉ đạo, điều hành và các nhiệm vụ trọng tâm.
Nhiệm vụ đầu tiên là về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về dự thảo chương trình hành động của Chính phủ lưu ý rà soát, đề xuất các nhiệm vụ, đề án lớn cần triển khai thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, nhất là đối với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 22/4 để tổng hợp, hoàn thiện.
Thứ hai, về tổng kết Quy chế làm việc của Chính phủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ thống nhất cần đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện Quy chế này để sớm sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn; kế thừa những ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế, phát huy những bài học kinh nghiệm quý trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trước mắt, các thành viên Chính phủ được yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, minh bạch trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước. Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng “chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền; không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương”.
Chính phủ cũng xác định tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, cơ quan, địa phương xử lý công việc; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; cá thể hóa hơn nữa trách nhiệm cá nhân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các bộ, cơ quan ngang bộ được yêu cầu tăng cường phân cấp cho cấp dưới trực tiếp, cho địa phương xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính.
Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc khi được Thủ tướng ủy quyền, phân công, giao nhiệm vụ; không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp Chính phủ; tham gia họp Thường trực Chính phủ khi được mời đích danh theo chỉ đạo của Thủ tướng; trường hợp cử cấp Thứ trưởng dự thay phải được sự đồng ý của Thủ tướng.
Thứ ba, tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, theo dõi, tổ chức thực hiện để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp trên.
Từ cơ sở kết quả ban đầu đã rà soát và thống nhất giữa các bộ, ngành, Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc việc gửi báo cáo trước ngày 15/5 để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo quyết định và danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới với tiến độ và nội dung cụ thể; trình Thủ tướng ban hành vào cuối tháng 5. Đây là cơ sở để Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo.
Chính phủ yêu cầu bộ, ngành bám sát chương trình toàn khóa của Trung ương, chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh liên quan; báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi trình Chính phủ, nhất là dự án Luật đất đai (sửa đổi), các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quy hoạch và các nghị định liên quan…
Thứ tư, về phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo phân công, bảo đảm dân chủ, công khai theo quy định của pháp luật và đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra; chọn được những người xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Thứ năm, về phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm phòng vaccine, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghị quyết số 21 của Chính phủ nhằm có vaccine sớm nhất; hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” đối với từng loại đối tượng, từng nước, góp phần thực hiện mục tiêu kép; đồng thời, có phương án cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.
Hai nhiệm vụ tiếp theo là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021; sơ kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gói 62.000 tỷ đồng), báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15/5.
Cuối cùng, về tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, trực tiếp các khâu: đề thi, tổ chức chấm thi, thanh tra, kiểm tra; tiếp tục hoàn thiện quy chế thi bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Nhìn nhận các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên từ góc độ đại biểu Quốc hội, ông Bùi Sĩ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, nói đây là những công việc được tiếp tục từ Chính phủ trước khi kiện toàn, và cũng là trọng điểm cần khẩn trương xử lý, giải quyết để bảo đảm sự liên tục, thông suốt nền hành chính quốc gia.
Theo ông Lợi, cả 8 nhiệm vụ đều phải triển khai đồng bộ, tuy nhiên, vẫn phải ưu tiên thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế ngay từ những quý đầu năm.
Ngoài ra, ông Lợi cho rằng hai nhiệm vụ cần ưu tiên khác là tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, “vì đây là những việc sẽ giải quyết nốt thắt, mở đường cho sự phát triển toàn diện và bền vững”.
Vị đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và tăng cường phân cấp, trao quyền để các địa phương chủ động triển khai thực hiện, trên cơ sở kiểm tra giám sát và xử lý kịp thời các vướng mắc của các ngành các cấp. “Đây chính là cơ sở để cải thiện sức ì của cả hệ thống”, ông nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng cho rằng Chính phủ cần tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, nhất là với các công trình trọng điểm quốc gia; thực hiện tốt ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
Theo ông Kiên, Luật Đầu tư công ra đời năm 2019 góp phần giúp Chính phủ quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu ngân sách đầu tư, đảm bảo phòng chống tham nhũng, minh bạch trong điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân là cán bộ, công chức trong một số bộ, ngành, địa phương không thay đổi tư duy kịp thời, vẫn làm theo phương thức cũ, nên không hiệu quả. “Vì vậy mới có tình trạng địa phương, bộ ngành này giải ngân hết vốn, nhưng nơi khác lại không giải ngân được, xin trả lại”, ông Kiên nói.
Viết Tuân