790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã đem đi đâu mà xin giải cứu?
Nợ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2023-2024 là 790.000 tỷ đồng, chính vì vậy Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị Chính phủ giải cứu. Đại diện HorREA cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rất cần cơ chế, chính sách của nhà nước để thị trường bất động sản vận hành thông suốt. Điều này khiến dư luận thắc mắc, các doanh nghiệp bất động sản đã sử dụng tiền bán trái phiếu vào mục đích gì mà không còn để trả lúc đáo hạn?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ TPDN nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng, lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm. Trong nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua, có nhiều “ông lớn” như: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas…. Nhóm 5 doanh nghiệp này trong năm 2021 đã huy động gần 7.000 tỉ đồng nợ vay TPDN để làm dự án bất động sản.
Và cũng chính 2021, dù tài sản nhỏ, vốn điều lệ ít ỏi nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) liên tục phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành để thu về hàng chục ngàn tỷ đồng. Đơn cử như công ty Mediterranena Revival Villas có vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng TPDN, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần. Công ty Osaka Garden phát hành 7.700 tỷ đồng TPDN, gấp 28,5 lần so với vốn chủ sở hữu 270 tỷ đồng. Công ty cổ phần Kinh doanh Nhà Sunshine gấp 7,3 lần. Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence đều phát hành gấp 6 lần vốn chủ sở hữu. Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần… Điều này khiến các cơ quan quản lý lo ngại về trái phiếu bất động sản là doanh nghiệp sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, dẫn đến rủi ro cho trái chủ; doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thông tin tới trái chủ không đầy đủ và minh bạch…
Bộ Tài Chính đã chỉ rõ để chào mời TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán đã “lách luật” để “hô biến” nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian 2-4 ngày. Tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân không trực tiếp đứng tên mua TPDN riêng lẻ mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đứng ra mua hộ.
Có tình trạng doanh nghiệp này phát hành TPDN để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, lấy tiền cho doanh nghiệp khác vay, hoặc phát hành TPDN để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của các ngân hàng với một khách hàng, nhóm khách hàng.
Để chấn chỉnh thị trường TPDN, trong năm 2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã hủy 9 đợt phát hành TPDN của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đồng thời, tổ chức kiểm tra 9 công ty chứng khoán, 2 doanh nghiệp bất động sản. Qua đó, ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính với Công ty CP Tập đoàn Vset Group, Công ty CP Tập đoàn APEC Group, mỗi doanh nghiệp bị phạt 600 triệu đồng về hành vi bán TPDN ra công chứng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với ủy ban. Và phạt Công ty CP Chứng khoán quốc tế Việt Nam 250 triệu đồng về hành vi chào bán, chuyển nhượng TPDN nhưng chưa được cấp phép. Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ sai phạm của Công ty CP Vset Group.
Tất nhiên, để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và tránh hiệu ứng “bond run” trên thị trường bất động sản, Chính phủ chắc chắc sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trước khi có một chính sách phù hợp, Chính phủ đang phải điều tra số tiền ấy đang dùng làm gì? Tiêu biểu nhất là việc bắt giữ Chủ tịch Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát vừa qua.
Hạ Băng