+
Aa
-
like
comment

760 triệu đồng được ‘chia chác’ tại Trung tâm bảo trợ Thị Nghè là gạo, mì tôm

13/05/2020 15:31

Số tiền 760 triệu đồng trong kết luận thanh tra là lương thực, hàng hóa như gạo, mì tôm… do các nhà hảo tâm hỗ trợ không dùng hết được chia cho người lao động trong trung tâm và được quy thành tiền.

760 triệu đồng được chia chác tại Trung tâm bảo trợ Thị Nghè là gạo, mì tôm - Ảnh 1.
Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè – Ảnh: T.L.

Trao đổi với báo chí sáng 13-5, ông Lê Minh Tấn – giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM – cho biết gạo, sữa, mì tôm được các nhà hảo tâm mang đến đóng góp cho trung tâm để chăm lo, nuôi dưỡng cho các em nhưng do “dùng không hết, hạn sử dụng không còn lâu” nên trung tâm tự ý chia ra hỗ trợ cho các nhân viên.

Ông Tấn cho rằng việc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè tự ý xử lý số hàng hóa, hiện vật được các nhà hảo tâm đóng góp cho trung tâm là sai quy định.

Ngày 11-5, Thanh tra TP.HCM thông báo kết luận thanh tra các nội dung tố cáo liên quan đến Sở LĐ-TB&XH cùng một số đơn vị trực thuộc sở.

Theo đó, từ năm 2018 đến hết tháng 4-2019, cơ quan thanh tra phát hiện Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đã để ngoài sổ sách tiền, hiện vật nhận từ thiện quy giá trị hơn 1,1 tỉ đồng. Trong đó hơn 760 triệu đồng đã được chia chác cho cán bộ, nhân viên của trung tâm.

Trung tâm không cung cấp đầy đủ phiếu kê hàng hóa, sổ kế toán, hạch toán không trung thực, có dấu hiệu che giấu hành vi vi phạm, có chủ trương của lãnh đạo trung tâm qua nhiều thời kỳ…

Theo ông Tấn, lẽ ra khi hàng hóa tiếp nhận dư thừa, lãnh đạo trung tâm phải báo cáo sở để điều chuyển sang các trung tâm bảo trợ khác do sở quản lý.

“Đây là sự việc đáng buồn và sở sẽ không bao che, giấu diếm cho những việc làm sai quy định”, ông chia sẻ.

Ông Tấn cũng nói thêm trong số hai nguồn hỗ trợ, hỗ trợ bằng tiền và hỗ trợ bằng hiện vật thì hỗ trợ bằng tiền ở các trung tâm trong đó có Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè chủ yếu là từ các tổ chức phi chính phủ và phải có văn bản chấp thuận từ UBND TP mới được tiếp nhận.

Đồng thời từ khi ông về phụ trách, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã chấn chỉnh hoạt động tiếp nhận của các trung tâm, trong đó phải thành lập tổ tiếp nhận với quy định cụ thể. Do đó, sự việc nêu trong kết luận thanh tra là của nhiều năm trước dồn lại, còn trong những năm gần đây không còn hiện tượng như vậy.

VŨ THỦY/TT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều