+
Aa
-
like
comment

4 điểm nổi bật trong chặng đường 75 năm của lực lượng Công an Việt Nam

19/08/2020 10:50

Trong không khí hào hùng của những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử, không ít cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân trên cả nước cũng đang phấn khởi, tự hào hướng về Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2020). Nhân một ngày đặc biệt này, BBT Cánh Cò xin nói về sự thay đổi đáng kinh ngạc của ngành Công an trong thời gian qua:

Tổ quốc Việt Nam thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và phát triển như ngày hôm nay, không thể không nói đến một phần đóng góp của lực lượng Công an nhân dân (CAND) gắn bó máu thịt với nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các cấp, các ngành, làm tốt vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự. Nhắc lại một chút về lịch sử, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lực lượng An ninh đã sớm được hình thành và không ngừng củng cố, phát triển, đã kiên cường bám đất, bám dân, diệt ác, phá kìm, tổ chức công tác điệp báo, tình báo, đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp, các hoạt động “bình định”, “chiêu hồi” của địch; bảo vệ các phong trào quần chúng, căn cứ địa kháng chiến, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo; chiếm lĩnh, tiếp quản các cơ quan tình báo, cảnh sát của địch; triệt phá các tổ chức địch “cài cắm” vào nội bộ ta, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, làm nên những chiến thắng vang dội mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ chiến tranh mà hun đúc nên bản lĩnh, phẩm chất kiên cường, bất khuất, tinh thần quyết chiến quyết thắng và một truyền thống yêu nước, tuyệt đối trung thành có trong lực lượng CAND ngày nay.

Tiên phong thực hiện cuộc cách mạng cải tổ bộ máy 

Nếu như trong quá khứ, CAND chỉ tập trung phối hợp tiêu diệt địch thì ngày nay lực lượng phải thực hiện đa nhiệm vụ mà đất nước và nhân dân giao phó. Mỗi giai đoạn có những nhiệm vụ và trọng trách khác nhau, nhưng tất cả đều có cùng một tôn chỉ hành động Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Thời gian qua, lực lượng CAND đã có sự thay đổi rất lớn cả về lượng lẫn về chất dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tô Lâm. Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Tô Lâm đã đưa Bộ Công an trở thành một trong những bộ gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện nghị quyết TƯ 6 và 7 khóa 12. Đó là sớm nghiên cứu, xây dựng, thực hiện Đề án 106 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và chính là đơn vị đi đầu trong việc tinh gọn, giảm biên chế.

Nói đến tinh gọn bộ máy là “cắt ghế, giảm người”, cụ thể ở đây là bỏ 6 Tổng cục, không còn 6 Tổng cục trưởng và mấy chục Tổng cục phó nữa. Theo sau đó còn cắt giảm gần 60 đơn vị cấp cục, gần 300 đơn vị cấp phòng. Ở công an địa phương, sau khi sát nhập cảnh sát PCCC và tổ chức lại, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội. Một công việc rất khó khăn, thậm chí tưởng chừng như không thể bởi lẽ cắt giảm là đụng chạm đến lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, với quyết tâm làm tới cùng, không ngại va chạm của người đứng đầu ngành cũng như hành động kêu gọi các cán bộ chiến sỹ hy sinh một phần lợi ích cá nhân vì lợi ích chung nên kết quả gặt hái được vô cùng thuyết phục. Bản thân mỗi chúng ta, nếu không phải là người trong ngành, có lẽ sẽ không nhìn thấy sự thay đổi cơ cấu bộ máy rõ ràng cũng như hiệu quả của nó nhưng kỳ thực từ việc thống kê, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Tuấn Anh đã đánh giá rằng: “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở Bộ Công an đã giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng”. Hơn thế nữa, song song với công tác tinh giản, ngành Công an cũng xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, số lượng quân ít lại nhưng chất lượng được nâng cao nhiều hơn. Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã từng nhắc đến chữ “êm” để nhấn mạnh hiệu quả sắp xếp lại bộ máy ngành Công an: “Bỏ 6 tổng cục mà vẫn rất êm. Cả một bộ máy lớn, đụng đến hàng nghìn cán bộ nhưng vẫn ổn thoả, êm thấm. Đây là bài học quý trong công tác tổ chức cán bộ. Nếu bộ ngành nào cũng làm mạnh mà ổn như Công an thì đất nước này sẽ tốt lên”.

Những hình ảnh đẹp khi đang giúp đỡ người dân và làm nhiệm vụ của các chiến sỹ CAND.

Thực tế, những năm vừa qua, nhân dân cả nước cũng đã chứng kiến hàng loạt đường dây đánh bạc lên đến chục ngàn tỷ đồng bị cắt gọn, công an vào tận hang ổ của các ông trùm bà trùm đường dây ma túy để đánh án. Đích thân Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác lập chuyên án, phối hợp cùng cơ quan chức năng của Trung Quốc, bóc gỡ triệt để đường dây sản xuất ma túy cực lớn do người Trung Quốc điều hành trên đất nước Việt Nam. Đồng thời, có hàng nghìn các cuộc trinh sát chặn đứng các đối tượng vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam. Chưa kể các vụ án hình sự trong nước khác khi có dấu hiệu phạm tội, ngành Công an cũng đã vào cuộc khẩn trương, thể hiện quyết tâm tìm ra người phạm tội, “chân rết” phía sau (nếu có) giúp cơ quan tư pháp nhanh chóng thực thi pháp luật, giải tỏa khúc mắc trong lòng công chúng và quan trọng nhất là trả lại sự công bằng cho người bị hại. Có thể kể đến vụ án sát hại nữ sinh giao gà ở Điện Biên, vụ truy bắt Tuấn “khỉ” – Kẻ thua bạc giết người ở Củ Chi, vụ Nhật Cường Mobile sai phạm kinh tế ở TP. Hà Nội, vụ dẹp bỏ băng nhóm xã hội đen Đường Nhuệ ở TP. Thái Bình,…. Đó là hiệu quả hoạt động của bộ máy ngành Công an tinh gọn, một thanh bảo kiếm sắc bén mới, vung lên tới đâu là cắt bỏ ung nhọt chỗ đó, không có cách nào chống đỡ.

Tiên phong làm lực lượng nòng cốt chống tiêu cực, tham nhũng

Vốn sẵn truyền thống nằm lòng tiêu diệt địch, ngày nay CAND cũng là lực lượng nòng cốt tiêu diệt “giặc nội xâm”, đó là chống tiêu cực, chống tham nhũng ngay trong chính bộ máy nhà nước ta. Chỉ riêng năm 2019, cơ quan điều tra Bộ Công an đã thụ lý điều tra 420 vụ án với 876 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can. Không thể không nhắc tới những vụ án điển hình như Đại án trong ngành Dầu khí với những cái tên “tai to mặt lớn” Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng,… làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách; tiếp đến là vụ Mobifone mua lại AVG làm thất thoát ngân sách gần 9000 nghìn tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã xác định cú bắt tay “thế kỷ” trị giá 3 triệu USD với ông Nguyễn Bắc Sơn và 200.000 USD với ông Trương Minh Tuấn, buộc hai cựu Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông đứng trước “vành móng ngựa”. Đình đám không kém là vụ án thâu tóm đất đai ở Đà Nẵng của Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) dưới sự giúp sức của hai cựu Chủ tịch TP là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Nếu không phải công an là lực lượng đầu tiên tiếp cận, mở rộng điều tra, tìm kiếm đủ bằng chứng thì có lẽ công cuộc chống tham nhũng sẽ khó lòng mà thực hiện triệt để được.

Từ trái qua là các ông: Phan Văn Vĩnh, Huỳnh Tiến Mạnh, Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân.

Điều đáng nói ở đây, ngành Công an không chỉ góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước chung mà chính bản thân ngành cũng tiên phong trong công cuộc chống tham nhũng, chúng ta vẫn hay nhắc đến cụm từ “làm trong sạch lực lượng”. Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành bị khởi tố để điều tra về những sai phạm trong quá trình công tác có liên quan Vũ “nhôm”, riêng trong ngành hai ông cũng phải chịu hình thức xử lý cao nhất là cách hết mọi chức vụ trong Đảng; Hai tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá “bảo kê” cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Nguyễn Văn Dương cầm đầu cũng lần lượt nhận mức án tù 9 năm và 10 năm. Giữa tháng 9/2019, Bộ trưởng Công an cũng ra quyết định cách chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, xóa mọi chức vụ trong Đảng đối với đại tá Huỳnh Tiến Mạnh liên quan đến nhiều vụ bê bối ở địa phương. Cấp tướng sai còn mạnh tay xử lý được thì các cấp dưới sai cũng chẳng có gì phải đắn đo. Đơn cử như hành vi gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 8/2019 của Đại úy Lê Thị Hiền, rồi hành vi ném xúc xích vào mặt nhân viên bán hàng, không đúng chuẩn mực, tác phong chiến sỹ công an nhân dân của thượng úy Nguyễn Xô Việt. Tất cả đều bị xuất ngũ. Đó chỉ là một vài ví dụ nổi cộm, ngoài ra, trong 5 năm qua, có hàng nghìn sỹ quan cao cấp lẫn bình thường thuộc lực lượng công an đã bị Đảng ủy Công an TƯ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các đơn vị lãnh đạo trực tiếp kỷ luật và đề nghị kỷ luật. Bất kỳ cá nhân nào có sai phạm, to nhỏ lớn bé không quan trọng, đã sai, đã “nhúng chàm” cũng đều bị xử lý nghiêm khắc… đây là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phòng chống tham nhũng” của toàn ngành Công an mà đứng đầu là quyết tâm chính trị cứng rắn của Bộ trưởng Tô Lâm. Đến cả Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng phải thừa nhận rằng: “Bộ Công an đã chỉ đạo các Công an địa phương xảy ra những cán bộ vi phạm vừa qua rất kịp thời, đúng mực, rất nghiêm túc và cương quyết, thể hiện quyết tâm rất cao để xây dựng lực lượng công an của chúng ta trong sạch, vững mạnh”.

Nỗ lực hết mình phụng sự nhân dân

Trong bài trả lời phỏng vấn báo CAND mới đây, Bộ trưởng Tô Lâm đã nói lên điều cốt lõi trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đó là xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh. Bởi Bác Hồ từng căn dặn: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được”. Thực tế công tác chứng minh rằng, khi ta biết dựa vào nhân dân, được nhân dân giúp đỡ thì khó khăn mấy cũng thành công. Nhưng để dân tin, dân yêu và dân giúp đỡ thì trước tiên, bất kể một việc gì, ngành Công an nói chung và các chiến sỹ CAND nói riêng cũng phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Tô Lâm đã đưa 25.000 công an chính quy về cấp xã, thay thế cho gần 14.000 phó trưởng công an xã, thị trấn và 113.000 công an viên. Sự điều động này giúp lực lượng CAND có cơ hội gần dân nhiều hơn, phục vụ nhân dân ở tất cả các địa phương trên cả nước tốt hơn rất nhiều so với trước. Có lẽ, chưa bao giờ công an mang lại cảm giác an tâm cho người dân đến vậy, dân gọi là các chiến sỹ có mặt, dốc lòng giúp sức, người dân cũng không phải chờ đợi hoặc đi xa mới có thể trình báo sự việc như trước đây. Cũng chính mong muốn phụng sự nhân dân tốt hơn nữa nên trước nghị trường Quốc hội, người đứng đầu ngành Công an đã sốt ruột đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để lực lượng an ninh địa phương làm tốt hơn công tác nắm tình hình, giải quyết kịp thời và hiệu quả các vấn đề an ninh trật tự. Nói chính xác hơn là tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho lực lượng an ninh địa phương để bảo đảm chu toàn quyền lợi của người dân, góp phần kích thích hơn nữa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Các chiến sỹ công an là những người đứng ở tuyến đầu chống dịch.

Cũng chính tâm thế làm việc luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết nên trước nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cũng không ngần ngại đề nghị sớm bỏ hộ khẩu giấy trong dự thảo sửa đổi Luật Cư trú thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân. Dù chưa được cấp chi phí thực hiện nhưng người đứng đầu ngành Công an vẫn cam kết hoàn thành việc cấp căn cước công dân trong một năm nữa, trước khi Luật có hiệu lực. Đây có thể xem là nỗ lực rất lớn của Bộ Công an về việc tiến tới xoá bỏ sổ hộ khẩu trong những năm qua. Mục đích không có gì khác ngoài việc góp phần làm giảm đi phiền phức của công dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến hộ khẩu.

Nói như Bộ trưởng Tô Lâm “Có những công việc lớn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức nhưng cũng có những việc bình dị, đời thường mà thể hiện tình cảm, tính nhân văn sâu sắc”. Sau lời kêu gọi “Toàn dân hiến máu tình nguyện” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Tô Lâm cũng có thư gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ về việc tình nguyện tham gia hiến máu cứu người. Hưởng ứng lời kêu gọi, các chiến sỹ công an còn hiến tặng hơn 40.000 đơn vị máu, góp phần rất lớn trong công tác cứu người và phòng, chống dịch Covid-19. Hơn nữa, đã xuất hiện nhiều tấm gương xúc động như Thượng úy Nguyễn Thành Công thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk đã hơn 30 lần hiến máu tình nguyện, trong đó có nhiều lần đến bệnh viện hiến máu, kịp thời cứu sống người bệnh đang cấp cứu cần truyền máu hiếm. Đó là dẫn chứng sinh động trong hàng nghìn, hàng vạn trái tim nhân ái trong lực lượng CAND. Giọt máu cho đi không chỉ là hành động cứu người mà còn lan tỏa tinh thần nhân đạo, tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ công an vì nhân dân phục vụ.

Không chỉ vậy, trên tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”, đồng thời phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, ngành Công an đã thực hiện chủ trương hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ dân nghèo tại các huyện đặc biệt khó khăn ở Điện Biên, Sơn La. Đặc biệt chú ý đến các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, song song với công tác sửa nhà là phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thông qua đó góp phần tích cực để ổn định, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho người dân.

Dù đứng một mình trong đêm thì các anh vẫn tập trung canh giữ khu vực cách ly.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, cùng với các lực lượng y tế và quân đội, lực lượng CAND đóng vai trò là một trong những lực lượng tuyến đầu tuyệt đối nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cán bộ, chiến sĩ công an đã không quản khó khăn, gian khổ trên tuyến đầu chống dịch với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đến từng địa bàn, khu dân cư, tổ dân phố, ngõ, xóm, thôn, bản để rà soát, xác minh, khoanh vùng cách ly. Dưới cái nắng gắt chói chang của mùa hè, các chiến sỹ vẫn miệt mài đứng trên đường quốc lộ, ngoài chợ, khu vực công cộng để tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch bệnh và vận động người có nguy cơ lây nhiễm đi cách ly. Thậm chí là túc trực thâu đêm suốt sáng ở các địa điểm cách ly và chốt chặn kiểm tra dịch tễ. Hình ảnh các chiến sỹ “cơm bưng nước rót” cho người dân bên trong khu vực cách ly, rồi nằm dài tạm nghỉ bên hành lang, khuôn viên bệnh viện sau chuỗi thời gian chống dịch mệt nhoài không khỏi khiến mọi người động tâm. Khi các chiến sỹ “cho đi” cũng chính là lúc họ “nhận lại” tình cảm của nhân dân; nhân dân luôn bên cạnh, đồng hành, giúp đỡ lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ. Biết bao nhiêu vụ án, các chiến sỹ được người dân chỉ điểm, truy bắt hung thủ như vụ sát hại nữ sinh giao gà ở Điện Biên, vụ giết người ở Bình Định,… Trong dịch Covid-19, người dân cũng mang cơm mang nước đến tiếp ứng, động viên các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ, tình quân dân gắn bó. Và đúng như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: “Chúng ta có thể khẳng định rằng trong thời gian qua, hình ảnh chiến sỹ công an ngày càng thân thương, gần gũi với người dân, được nhân dân quý mến, trân trọng”.

Những chiến sỹ quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân

Sự ra đi của các chiến sỹ để lại nỗi đau, niềm tiếc thương vô hạn đối với người thân, gia đình, đồng chí, đồng đội.

Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, không thể tránh khỏi được khó khăn, thách thức. Đất nước bình yên được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, nước mắt của các chiến sỹ trên khắp mọi miền. Có người không do dự xả thân cứu người dân trong mưa lũ, có người hy sinh bản thân để hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ riêng trong năm 2019 thôi, đã có 9 chiến sỹ CAND hy sinh. Không ai biết trước mình sẽ hy sinh nên thường sự ra đi không hề để lại một lời nhắn gửi, bỏ lại phía sau là gia đình, bố mẹ già, vợ trẻ con thơ, đồng chí, đồng đội, là sự mất mát, đau thương không thể nào bù đắp được.

Sự phát triển của đất nước ngày nay không thể thiếu vai trò đóng góp của lực lượng CAND.

Có lẽ, không một người dân Việt Nam yêu nước chân chính nào có thể phủ nhận vai trò của lực lượng CAND đối với đất nước và cuộc sống của mình, cũng giống như việc lực lượng CAND tồn tại đến tận ngày nay, không ngừng thay đổi, hoàn thiện mình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực liên tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành Đại hội 13 của Đảng thì nhiệm vụ đặt lên vai các chiến sỹ CAND ngày nặng nề. Đó chưa kể còn nhiệm vụ đảm bảo sự bình yên đất nước để hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội. Nhưng tin rằng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, truyền thống lực lượng kiên cường, rắn rỏi, một ý chí quyết chiến quyết thắng thì CAND sẽ hoàn thành tốt trọng trách của toàn Đảng, toàn dân giao phó, đúng nghĩa bốn chữ “Công an nhân dân”.

BBT 

Bài mới
Đọc nhiều