+
Aa
-
like
comment

7 ngày đặc biệt trong lễ tang Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Hạnh Nhân - 22/01/2022 08:24

Sáng 22/1, một số người dân, phật tử đã đến chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế) sau khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Các phật tử trong chùa đang chuẩn bị cho tang lễ thiền sư.

Nơi thiền sư Thích Nhật Hạnh sinh sống khi về Huế. Ảnh: NGUYỄN DO

Theo thông tin từ Làng Mai thì lễ nhập kim quan sẽ diễn ra vào sáng 23/1.Sau lễ nhập kim quan, tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. “Trong suốt thời gian đó, kính xin quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi – tâm niệm cúng dường – để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng”- theo Làng Mai.

Thông tin từ chùa Từ Hiếu nơi lo tang cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh rất rõ ràng: “Hình thức đơn giản, nhẹ nhàng nhưng rất trang nghiêm, đẹp, thanh thoát và trang nhã.Nội dung sâu sắc, thanh tịnh, im lặng và yên tĩnh, đầy nét thiền vị giải thoát. Sẽ không có Ban Lễ Tang, vì tang lễ sẽ được tổ chức do con cháu Tổ Đình đảm trách, do đó chỉ có cáo phó của con cháu dưới hình thức thông cáo báo chí quốc tế (International Press Release) và qua các trang nhà của các trung tâm của Đạo Tràng Mai Thôn. Thiền sư Thích Nhất Hạnh ăn mặc bình thường để đầu trần như trong giấc ngủ. Lễ tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được gọi là Tâm tang“.

Phật tử đang chuẩn bị cho chương trình tang lễ. Ảnh: NGUYỄN DO

Ngay thời khắc giao thời giữa đêm 21 và ngày 22/01/2022, tức 0 giờ, tại Huế, tiếng chuông Tổ đình Từ Hiếu bất ngờ ngân vang loan báo: Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về cõi hư không. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu. Ông dặn các đệ tử của mình: “Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung”.

Trong một bức thư từ đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì ông đã căn dặn rằng, “Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?

Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy!

Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.”

Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”.

Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.”

Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.”

Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình. Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy..

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong ngày mồng 1 Tết năm Canh Tý.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới.Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Đạt Lai Lạt Ma là 2 người có ảnh hưởng mạnh nhất đối với tín đồ Phật giáo phương Tây.

Hạnh Nhân

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều