+
Aa
-
like
comment

7 ngày công du “mở khóa vàng” thần kỳ của Thủ tướng

Thái Thanh - 05/11/2021 21:10

Chuyến công du thăm châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đang diễn ra trong 7 ngày nay thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt, hào hứng với cả người dân trong và ngoài nước. Chỉ trong 7 ngày, hình ảnh một Việt Nam trên trường quốc tế đã rất khác, đầy uy tín, tự tin, bản lĩnh ghi lại nhiều dấu ấn đậm nét, không chỉ là góp tiếng nói tại Hội nghị COP26 mà còn ở động thái chủ động tăng cường sự giao lưu hợp tác, mở ra và đem về cho Việt Nam cơ hội vàng phát triển kinh tế.

Trong ngày đầu tiên đến Anh, người dân vỡ òa hạnh phúc khi phái đoàn của Việt Nam đã ký 26 văn kiện, trong đó hàng loạt các hợp đồng hợp tác kinh tế đáng kể từ hàng không, giáo dục, cho đến y tế. Đặc biệt, tại sự kiện này, Việt Nam đã ký kết mua thêm 25 triệu liều vaccine Astrazenica và được Tập đoàn AstraZeneca chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Cam kết: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng” và thông điệp: “Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính phát đi tại Hội nghị COP26 nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều quốc gia. Thông điệp ấy không chỉ là lời cam kết mà còn nói lên chiến lược, đường hướng phát triển bền vững của Việt Nam của hiện tại và hướng đến tương lai.

Cũng từ Hội nghị COP26 này, không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD, đích thân Tổng Giám đốc điều hành WB – ông Axel Van Trotsenburg ủng hộ Việt Nam hoãn trả nợ để dành nguồn lực cho phòng chống dịch. Càng không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered – ông Jose Vinals nhận định: “Việt Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư”.

Từ những tường thuật chưa đầy đủ, nhưng bất kỳ ai cũng thấy, các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thái tử kế vị Vương quốc Anh Charles, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Ireland Micheal Martin, Thủ tướng Kuwait – Hoàng tử Sabah Al-Khaled Al-Hamad Al-Sabah, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry, tiếp Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)… đã mở ra cho Việt Nam nhiều tín hiệu tốt lành.

Trong thời gian tham dự COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tận dụng mọi thời gian để giao lưu với doanh nghiệp. Sự chủ động chia sẻ thông tin và chính sách, quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong quá trình đón tiếp các doanh nhân, chính khách đã mở ra một loạt cánh cửa tiềm năng, hứa hẹn sẽ đem về thêm cho Việt Nam nhiều luồng gió mới trong thời gian ngắn tới đây.

Đặc biệt, kết quả được thấy rõ nét khi ông Nobel Kinder thông báo với Thủ tướng Phạm Minh Chính toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương bị đứt gãy do COVID-19 đã quay lại sản xuất và cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Với lý do đơn giản: Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh để Nike phục hồi phát triển.

Nếu như Anh là thị trường độc lập lớn nhất tại châu Âu, sau khi Anh rời Brexit mà Việt Nam có được. Thì Pháp chính là thị trường lớn bậc nhất trong khối EU, là quốc gia có tác động quan trọng tới EVFTA, hay còn gọi là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Cả hai thị trường lớn này, Việt Nam ngày càng chinh phục và thu hút đầu tư đặc biệt.

Trước khi phái đoàn Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery nhận định: “Các nhà lãnh đạo Pháp trông đợi chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm qua khiến các chuyến thăm cấp cao chưa được thực hiện”.

Kết quả cho sự “trông đợi” ấy, ngay khi đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Jean Castex đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp đầu tư cũng như thực hiện các dự án hợp tác tại Việt Nam.Tổng thống Macron cho biết Pháp sẵn sàng tăng cường hợp tác phát triển kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là ngành thủy sản và hứa sẽ xem xét thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.

Vỏn vẹn 3 ngày tại Pháp, Thủ tướng đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp, nhiều hợp tác kinh tế đã được ký kết, không chỉ ở lĩnh vực hàng không mà đặc biệt, chương trình kết nối doanh nghiệp tại Cộng hòa Pháp qua cánh cửa thông thương đặc biệt của ngành kinh tế mới.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (SGP) đã ký kết và trao Thỏa thuận Khung Hợp tác với hãng tàu MSC và TIL trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics. Đây được xem là một trong những “cửa ngõ” quan trọng trong tiến trình giao thương, tác động trực tiếp đến vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế của đất nước.

Việc hợp tác với hãng tàu container lớn thứ hai trên thế giới với sự bảo đảm về sản lượng hàng hóa sẽ là cơ sở để VIMC và Cảng Sài Gòn đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển đặc biệt là các cảng nước sâu, cảng trung chuyển, trung tâm logistics tại Việt Nam. Nhiều cơ hội phát triển kinh tế được mở ra sau đó, không chỉ là vận chuyển hàng hóa.

Có thể thấy trong chuyến công du thăm Pháp lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông đã không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để tăng cường thêm sự gắn kết, đẩy mạnh phát triển. Thị trường châu Âu thu hút Việt Nam và ngược lại, nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam cũng trở thành điểm thu hút mạnh mẽ với nhiều đối tác chất lượng cao. Thủ tướng Pháp nhất trí cùng Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ để làm cơ sở đưa quan hệ Việt – Pháp phát triển lên tầm cao mới.

Để có cái nhìn sâu sắc nhất về chuyến công du của Thủ tướng xin được trích lời nhận định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Chuyến thăm chính thức Pháp lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước”. Đánh giá này cũng có thể là một phần thước đo cho giá trị và ý nghĩa của chuyến công du đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, mở thêm nhiều cánh cửa phát triển kinh tế ở trời Âu.

Những tín hiệu tốt lành này cũng đã cho thấy rõ nét về sắc màu kinh tế của Việt Nam: Mùa xuân đang về và trời đã hửng sáng!

Thái Thanh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều