+
Aa
-
like
comment

7 loại thuốc ‘có vấn đề’ của VN Pharma đã dùng hết cho người bệnh

27/09/2019 10:36

Trong phiên xét xử ngày 26-9, thuốc trị ung thư H-Capita mà VN Pharma nhập khẩu về VN là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng tiếp tục được mổ xẻ. 

Tuy nhiên, đã có những bằng chứng cho thấy VN Pharma còn nhập về nhiều thuốc “có vấn đề” tương tự H-Capita. Và điều nguy hại hơn nữa là các thuốc này đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện trung ương, địa phương với trị giá hàng hóa nhiều triệu đôla và người bệnh đã sử dụng hết!

7 loại thuốc có vấn đề của VN Pharma đã dùng hết cho người bệnh - Ảnh 1.
Chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản xét hỏi bị cáo Võ Mạnh Cường trong phiên tòa ngày 26-9 – Ảnh: Q.ĐỊNH

“Ẩn số” Health 2000

Từ khi lãnh đạo VN Pharma bị bắt và đưa ra xét xử, dư luận chú ý tới công ty này qua nhóm 10 sản phẩm (thực chất là 11 sản phẩm) mang nhãn nhà sản xuất “ma” Helix Canada mà Cục Quản lý dược đã cấp số đăng ký và giấy phép nhập chuyến cho VN Pharma.

Trên thực tế, VN Pharma còn nhập khẩu thuốc từ một nhà sản xuất “có vết” khác, cơ quan chức năng đã biết và đã có động thái ngăn chặn, nhưng cuối cùng nó vẫn lọt vào bệnh viện.

Cụ thể, trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính ngày 13-11-2014, Cục Quản lý dược cho biết từ 27-8-2014 đã có văn thư gửi Tổng lãnh sự quán Canada tại VN đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến việc thành lập và hoạt động tại Canada của Công ty Health 2000 Inc, trụ sở ở 70 Beaver Creak Road #30, Richmond Hill, Ontario, Canada (theo hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại VN).

Trong thời gian chờ ý kiến chính thức, Cục Quản lý dược thông báo tạm dừng nhập khẩu tất cả các thuốc do Health 2000 Inc sản xuất hoặc cung cấp vào VN.

Tiếp theo công văn này, ngày 1-12-2014 Tổng cục Hải quan có văn bản gửi hải quan các tỉnh thành, thông báo rõ quyết định của Cục Quản lý dược việc tạm ngưng nhập khẩu tất cả các thuốc do Health 2000 Inc sản xuất/cung cấp vào VN.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao một lượng thuốc rất lớn do Health 2000 Inc cung cấp, VN Pharma nhập khẩu vẫn vào VN và trúng thầu vào bệnh viện các tuyến. Trong đó, chỉ khảo sát từ năm 2011-2014, VN Pharma và một vài công ty con/đối tác ủy thác đã nhập khẩu 47 lô thuốc do Health 2000 sản xuất/cung cấp, trị giá hơn 4,3 triệu USD.

Các thuốc này bao gồm: H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100ml, H2K Ciprofloxacin Infusion, Kaderox 250, MGP Moxinase 625, Kafotax 1000… Tổng số có 7 thuốc từ Health 2000 Inc mà VN Pharma đã nhập khẩu vào VN.

Điều này cho thấy không chỉ nhập thuốc từ Công ty ma Helix, VN Pharma còn nhập thuốc từ Health 2000 Inc và công ty này cũng “có vấn đề” tương tự Helix, dẫn đến việc Cục Quản lý dược buộc phải yêu cầu ngưng nhập khẩu.

7 loại thuốc có vấn đề của VN Pharma đã dùng hết cho người bệnh - Ảnh 2.
Quyết định 4346 ngày 20-9 của Bộ Y tế về việc giải mật các tài liệu

Trên ngưng, dưới vẫn nhập

Mặc dù từ tháng 8-2014 Cục Quản lý dược đã phát hiện Health 2000 “có vấn đề” nên tháng 11 đã yêu cầu ngưng nhập khẩu, nhưng điều kỳ lạ là thuốc Health 2000 vẫn vào bệnh viện.

Như ở Cà Mau, đến tận 28-11-2014 vẫn công bố kết quả có 3 loại thuốc kháng sinh (hoạt chất Amoxicilin 500 125 mg, Ciprofloxacin 200mg và Levofloxacin 500mg) của Health 2000 được trúng thầu vào bệnh viện, với tổng trị giá hơn 2,2 tỉ đồng.

Tương tự, tại tỉnh Gia Lai, đến cuối tháng 8-2014 cũng có 2 loại thuốc được thông báo trúng thầu vào bệnh viện tỉnh, với tổng trị giá gói thầu gần 1,1 tỉ đồng.

Tổng hợp kết quả trúng thầu từ năm 2011, sản phẩm Health 2000 cung ứng/sản xuất đã trúng thầu vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện K, Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu T.Ư, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Thái Nguyên… Toàn bộ đã được sử dụng hết tại các bệnh viện.

Bộ Y tế “giải mật” nhiều văn bản

Ngày 24-9, Bộ Y tế đã có công văn gửi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an giải mật một số tài liệu liên quan vụ VN Pharma.

Về việc cấp phép hoạt động cho Công ty Helix Canada, Bộ Y tế giải thích văn bản quy phạm pháp luật không quy định khi cấp phép phải sang nước ngoài kiểm tra thực tế công ty. Pháp luật chỉ quy định việc xác minh căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ đã được đại sứ quán VN tại nước sở tại hợp pháp lãnh sự và cơ quan công chứng VN chứng thực để cấp phép.

Thực tế tài liệu pháp lý là giấy FSC và giấy GMP nộp trong hồ sơ đề nghị cấp phép của Công ty Helix đã đảm bảo các điều kiện này. Do vậy Bộ Y tế nhận định việc truy xuất nguồn gốc, sự tồn tại hợp pháp của công ty cũng như thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho công ty này là “đúng quy định pháp luật”.

Trước đó, kết quả xác minh của Cơ quan an ninh điều tra cho thấy không có Công ty Helix Pharmaceuticals và nội dung hợp pháp hóa lãnh sự trên giấy tờ của công ty này là giả mạo. Helix thực chất là công ty ma, được “vẽ” ra để hợp thức hóa việc thuốc Ấn Độ “đội lốt” Canada. Các giấy tờ, tài liệu bị làm giả đã “lọt lưới” tổ thẩm định của Bộ Y tế.

Văn bản do ông Trương Quốc Cường (thứ trưởng Bộ Y tế) ký còn nhận định bản chất của vụ việc là các đối tượng đã làm giả rất tinh vi các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động với Helix; cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita và cấp số đăng ký lưu hành cho 7 thuốc.

“Hành vi làm giả này rất tinh vi, không thể phát hiện bằng mắt thường, ngay cả Phòng tư pháp Q.10, TP.HCM vẫn chứng thực nên tổ chuyên gia thẩm định hồ sơ không thể phát hiện giấy tờ đó là giả” – Bộ Y tế lý giải.

Như vậy, việc để thuốc của Công ty ma Helix lọt cửa thẩm định, và giờ đây có thêm 7 loại thuốc cũng “có vấn đề” của Health 2000 thì trách nhiệm của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đến đâu? Ẩn số Health 2000 sẽ được làm rõ như thế nào, bởi khác với thuốc giả H-Capita nhập về chưa dùng, các thuốc nhập từ Health 2000 đều đã dùng hết cho người bệnh.

Không chỉ lô thuốc H-Capita, theo tài liệu của chúng tôi, có đến 7 loại thuốc khác gồm: H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100ml, H2K Ciprofloxacin Infusion, Kaderox 250, MGP Moxinase 625, Kafotax 1000… mà VN Pharma nhập khẩu vào VN cũng “có vấn đề”.

Nguy hiểm hơn, nếu như H-Capita nhập về chưa dùng thì 7 loại thuốc nhập từ Health 2000 đều đã dùng hết cho người bệnh.

Lan Anh/ Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều