7 hiến kế để giữ “lò” chống tham nhũng luôn hừng hực cháy
Thế là cuối cùng, ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa cũng bị khởi tố sau những thắc mắc của người dân về kiểu “hạ cánh an toàn” ở một số cán bộ. Không chỉ có vậy, ông Trương Vĩnh Tuyến Phó chủ tịch UBND TP.HCM và ông Trần Trọng Tuấn Phó chánh văn phòng Thành ủy cùng một số cán bộ cấp sở ngành của thành phố cũng bị khởi tố.
Khởi tố ông Hoàng, bà Thoa, ông Tuyến và một số cán bộ đương chức ở TP.HCM vì hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” có thể chỉ là bước khởi đầu trong quá trình truy tận cùng những vi phạm. Bởi không thể ngẫu nhiên mà bao nhiêu cán bộ trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều chức vụ, được đào tạo bài bản, có học hàm học vị hẳn hoi lại “vô tư” đem đất vàng bán rẻ cho người khác.
Quyền lực nếu không được kiểm soát, sẽ dễ bị tha hóa. Cán bộ đảng viên nếu không biết tự tu dưỡng, tự răn mình, không biết sợ pháp luật, tự tung tự tác, xem của công là miếng bánh ngon dễ dàng xà xẻo, vun vén cho riêng mình thì dù có giỏi che đậy đến mấy, dưới con mắt giám sát của dân, của báo chí, sự đấu tranh quyết liệt của những cán bộ, đảng viên trung kiên, cái kim trong bọc, ắt sẽ lộ ra. Nhất là khi ước nguyện của nhân dân về một đảng cầm quyền trong sạch, một nhà nước vì dân được động viên, cổ vũ bởi những kết quả cụ thể, sống động của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo mấy năm qua.
Thế nhưng, “lò” đã nóng lên, tuy nhiên, làm sao để “lò” luôn nóng và ngày càng nóng hơn, để sức nóng của nó có thể thiêu đốt mọi ý đồ tham nhũng của những kẻ bất lương, trước khi chúng hành động. Bởi vì “lò” đã nóng không có nghĩa là tự nó cứ nóng đều, nóng mãi, mà phải không ngừng tiếp củi lửa, nguyên nhiên liệu. “Nguyên, nhiên liệu” cho “lò” chống tham nhũng nói gọn lại đó là ý chí, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tất cả phải cùng vào cuộc. Muốn sức mạnh ấy phát huy hơn nữa thì:
Một là, những nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn gần đây, không được “để trong ngăn kéo” mà phải được vận dụng.
Hai là, người dân, những cá nhân không có chức quyền – là đối tượng bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng không thể thờ ơ đứng ngoài cuộc mà cần phải cùng vào cuộc chống tham nhũng. Như Tổng Bí thư nói, những năm trước, nạn tham nhũng, kẻ tham nhũng nhởn nhơ trước pháp luật, người dân bi quan, “chống ai, ai chống, bây giờ chống ai” thì nay “lò” đã nóng, “cá nhân nào muốn đứng ngoài cuộc cũng không thể được”.
Ba là, cần có các biện pháp, hình thức cổ vũ, động viên, khuyến khích thi đua chống tham nhũng. Cần có những cơ chế, quy định cụ thể để mọi công dân hăng hái tham gia tố cáo tham nhũng: tố cáo thế nào (có mẫu đơn hướng dẫn), gửi đến cơ quan nào, ai tiếp nhận và phản hồi ra sao… Thực tế hiện nay, người dân thấy tham nhũng, bị tham nhũng nhưng không biết làm thế nào, tố cáo thế nào, với ai? Tâm lý sợ sệt, e dè còn phổ biến. Nếu không gỡ được mối lo này thì chống tham nhũng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả.
Bốn là, quy trình xử lý tham nhũng hiện nay quá rườm rà, thời gian quá dài, tội phạm thừa thời gian để đối phó, tẩu tán chứng cứ, tang vật, tài sản. Do vậy, đoàn Kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hay Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khi tiến hành công việc, nên hội tụ đủ các thành phần liên quan (nhất là Viện Kiểm sát, Công an, Điều tra hình sự, Quân đội); phát hiện sai phạm nhỏ thì nhắc nhở, phê bình; sai phạm nặng, có dấu hiệu tham nhũng thì tiến hành bắt tạm giam, điều tra hình sự, phong tỏa tài sản một cách khẩn trương, nhanh chóng để kẻ tham nhũng không thể trốn chạy, hay tẩu tán tài sản. Quá trình điều tra, nếu đúng là tham nhũng thì đưa ra tòa, không mắc tội tham nhũng thì tuyên bố kết luận không tham nhũng và trả lại mọi danh dự, quyền lợi, chức vụ.
Năm là, bổ sung thêm tội danh “tham nhũng chính trị”, “tham nhũng quyền lực” (mua bán chức tước, địa vị, quyền lực; khai man hồ sơ để “chui sâu, leo cao”; phong cấp bậc, chức tước quá quy định, không đúng tiêu chuẩn) và đây phải được coi là một trong những tội nặng nhất, đúng tính chất là “giặc nội xâm”. Gia tăng khung hình phạt cho các tội danh tham nhũng, nhất là tham nhũng chính trị, tham nhũng quyền lực.
Sáu là, bổ sung vào Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự: Người có hành vi hối lộ (để giải quyết công việc riêng, hay mua nghề nghiệp, chức quyền, gọi là bên mua) mà tố cáo kẻ nhận hối lộ, tham nhũng, không những được trả lại tiền đã hối lộ, mà còn được xem xét đáp ứng nguyện vọng nếu xứng đáng, đủ tiêu chuẩn. Hơn nữa, còn được bảo vệ cả danh dự và an toàn cho bản thân, gia đình (có cơ chế bảo đảm). Giải pháp mạnh dạn này nhất định mang lại hiệu quả cao. Bởi vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị lộ, tăng nỗi sợ hãi, tăng áp lực với kẻ tham nhũng quyền lực, khiến họ không dám làm. Nó cũng là sự khuyến khích mạnh mẽ việc tố cáo tội tham nhũng. Và người có hành vi hối lộ không thể coi đây là hành vi “bất tín” với người đã “giúp mình”. Nếu gọi là “bất tín”, không trung thực với “giặc nội xâm” thì chỉ có lợi cho nhân dân, cho đất nước.
Bảy là, công khai, minh bạch nhiệm vụ, chức trách và chế độ đãi ngộ (lương, phụ cấp, các chế độ đãi ngộ khác…) của mọi cán bộ, công chức Nhà nước từ Trung ương xuống cơ sở, từ những người lãnh đạo cao nhất xuống công chức cơ sở, xã, phường… Công khai trên báo chí, ở các công sở cho toàn dân đều biết để kiểm tra, giám sát. Các công chức ở các cơ quan công quyền phục vụ nhân dân đều phải mặc đồng phục, có thẻ ghi tên trong khi thi hành công vụ.
Chống tham nhũng – chống “giặc nội xâm” – cũng là cuộc chiến không khoan nhượng. Có tiêu diệt được nạn tham nhũng mới bảo vệ được cuộc sống yên lành của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử và thực tế hiện nay cho thấy, không một thứ “giặc” nào lại dễ dàng bị đánh bại. Chống tham nhũng ngày nay là cuộc chiến không kém phần cam go, lâu dài, quyết liệt. Hành vi tham nhũng ngày càng gian manh, xảo quyệt; thủ đoạn tham nhũng cũng như thủ đoạn ẩn nấp, giấu mình, chống trả ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến cho việc phát hiện, xử lý tham nhũng ngày càng khó khăn. Hơn nữa, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh một mất, một còn nhưng lại diễn ra ngay trong nội bộ bộ máy chính quyền, và trong từng cá nhân có chức, có quyền. Vượt qua chính mình, thắng được chính mình, đó là điều khó khăn nhất.
Thu An (TH)