Nghị quyết số 128/NQ-CP cùng với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân đã giúp Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn có những điểm nghẽn cần nỗ lực khơi thông để kinh tế Việt Nam phục hồi với mục tiêu kỳ vọng tăng GDP từ 6% cho đến 6,5 % trong năm 2022.
Nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam có thể nhận thấy, Việt Nam bước vào năm 2021 với những nền tảng kinh tế và chính sách vững chắc. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021, với GDP trong quý II tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 với biến thể Delta đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh. GDP đã giảm 6,17% trong quý IV năm nay. Đó là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm trong một quý kể từ năm 2000. Bước sang quý IV, tốc độ tăng trưởng GDP với nhiều chỉ số kinh tế khả quan. Các hoạt động kinh tế được khởi động lại trong nhiều lĩnh vực khác nhau, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất cho những tháng cuối năm.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2020, đây là một thành công lớn của toàn nền kinh tế. Trong đó, nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020. Ngoài ra, bất chấp đại dịch, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ghi nhận mức ấn tượng, với 677,3 triệu USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra nhộn nhịp, góp phần đưa kim ngạch thương mại vượt trên 668,5 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19 % so với năm 2020. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu tới 4 tỷ USD, một thành tích đáng nể trong bối cảnh dịch bệnh. Đầu tư nước ngoài mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong khi đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô chính về tài khóa, tiền tệ như lạm phát, lãi suất, tỷ giá giữ ở mức ổn định và nằm trong tầm kiểm soát. Sản xuất kinh doanh dần phục hồi, giúp thu ngân sách cả năm ước đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán. Chi ngân sách nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đó là những điểm sáng ấn tượng mang tới những tín hiệu lạc quan, tin tưởng vào tiến trình phục hồi kinh tế nước nhà năm 2022. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kỳ vọng, với tốc độ tăng GDP từ 6% đến 6,5 % mà Quốc hội, Chính phủ đề ra, các chuyên gia khẳng định cần lưu ý khá nhiều điểm nghẽn, bất cập, tồn tại và sớm khơi thông. Điển hình là:
1. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và dòng chảy các nguồn lực không dễ khắc phục ngay trong thời gian ngắn. Điều này, chắc chắn dẫn các nhà đầu tư và các nhà làm chính sách đến chỗ phải suy nghĩ lại về cách thức tổ chức các hoạt động kinh tế trong thời gian tới.
2. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung về nhiều loại sản phẩm hàng hóa toàn cầu (lương thực-thực phẩm, năng lượng, nguyên vật liệu…), dẫn đến tình trạng tăng giá một số mặt hàng chiến lược.
3. Dịch bệnh Covid-19 được dự báo là còn diễn biến phức tạp, sẽ gia tăng áp lực lạm phát, các vấn đề nợ công và nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị tác động. Bên cạnh đó, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế và an sinh xã hội là rất lớn, cũng sẽ ảnh hưởng khả năng chống chịu của toàn nền kinh tế.
4. Với chính sách tài khoá, hầu hết là các gói hỗ trợ mang tính gián tiếp giãn, hoãn thuế… với tổng giá trị quy đổi 3% GDP. Như vậy, chúng ta vẫn còn chậm trong việc đưa ra các gói kích thích kinh tế hiện nay.
5. Càng về những tháng cuối năm 2021, những vấn đề của nền kinh tế càng bộc lộ rõ. Bên cạnh việc giải ngân đầu tư công không đạt được như kế hoạch đã đặt ra, thì sự phục hồi của doanh nghiệp cũng chưa được như mong muốn, và sự phát triển “nóng” của một số thị trường (như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…) cũng khiến nền kinh kế đứng trước những rủi ro tiềm ẩn.
Năm 2022, Việt Nam và thế giới vẫn đang đứng trước thách thức lớn và khó lường của dịch bệnh. Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 được Quốc hội thông qua. Trong đó: GDP tăng từ 6,0-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,0%… Đứng trước bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, trong năm 2022, chúng ta cần:
1. Cần khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để 2 khu vực sản xuất này sớm quay lại sản xuất kinh doanh.
2. Sớm ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm mục đích kích thích và tạo sự đột phá, giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn cũng như không để lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế của thế giới.
3. Kết hợp hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ. Chú trọng đến chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý. Không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi do cho hệ thống ngân hàng.
4. Tiếp tục phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, không chỉ là bài học từ thực tiễn những năm vừa qua mà đây chính là nhân tố quyết định, là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong năm 2022, thị trường nội địa vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng, khi tiêu dùng nội địa (đóng góp khoảng 68-70% GDP) được phục hồi và phát triển, các khoản chi tiêu của Chính phủ (đầu tư công, hỗ trợ danh nghiệp và người lao động) sẽ kích thích chi tiêu trong nước, khích thích tăng trưởng.
5. Tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, thông qua các hình thức khuyến khích đầu tư vào khu công nghệ cao, vườn ươm sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
6. Cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp một cách tối đa ở các khía cạnh như cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và nguồn lực, nhất là vốn với việc thực thi các gói tín dụng lãi suất thấp cùng với kéo dài thêm các giải pháp giãn, hoãn và điều chỉnh nợ đồng thời mở rộng thêm thị trường cho doanh nghiệp.
7. Cần phát huy sự đồng lòng vào cuộc của người dân, của doanh nghiệp, của cả hệ thống chính trị. Làm tốt được điều đó thì chúng ta sẽ vững vàng với một kì vọng kinh tế sẽ phục hồi, tăng trưởng tốt.
Nói tóm lại, đại dịch vẫn chưa kết thúc, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tốt hơn và chứng tỏ được khả năng thích ứng với những biến động của thị trường và các yếu tố khó lường từ bên ngoài. Việt Nam đã thực hiện những bước đi quyết liệt để hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sức khỏe của người dân. Những biện pháp ngăn chặn đại dịch quyết liệt và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đã giúp Việt Nam bắt đầu đã phục hồi kinh tế. Điều này đã củng cố tâm lý cho các chuyên gia và nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn rằng: Việt Nam sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch và tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuối cung ứng toàn cầu. Khi năm 2021 đã khép lại, cũng là lúc các chuyên gia tin rằng: Điều tồi tệ nhất đang ở phía sau chúng ta và Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi trở lại vào năm 2022.
Người Thực Hiện: Diệu Hương
Đồ họa: M.N