+
Aa
-
like
comment

6 tháng khốc liệt nhất lịch sử và những bài học kinh nghiệm trong chống dịch ở TP.HCM

31/10/2021 08:31

Giám đốc Sở Y tế TP HCM nhìn nhận gần 6 tháng chống dịch Covid-19, nhân viên ngành y tế đã trải qua những thời khắc cam go, khốc liệt nhất trong lịch sử ngành y tế thành phố. 

Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế thành phố, chiều 30/10, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết trong thời gian qua, hơn 80.000 cán bộ nhân viên y tế đã cùng chung tay trong cuộc chiến khốc liệt nhất. Trong đó, gần 25.000 nhân viên y tế từ khắp nơi cả nước đã đến hỗ trợ thành phố, là sự huy động lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Thượng dẫn lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trong cuộc gặp gỡ và cảm ơn Bộ Y tế mới đây, rằng thành phố đã gặp những đau thương, mất mát rất lớn, chưa từng có trong lịch sử. Thành phố đã trải qua những giờ phút không thể nào quên.

TPHCM đã cơ bản được kiểm soát, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm.

Dịch bệnh bắt đầu có những chuyển biến tích cực kể từ tháng 1/10, số tử vong đã giảm dần. “Ở thời khắc đỉnh điểm, số bệnh nhân tử vong lên đến 340 ca một ngày, vào ngày 23/8”, ông Thượng nói. Sau đó, số tử vong giảm xuống 200, rồi 100 và hôm nay chỉ còn khoảng 30 trường hợp.

Tương ứng số tử vong giảm, số ca mắc mới giảm dần, đặc biệt số ca nặng phải thở máy, thở oxy giảm. Số ra viện mỗi ngày cao hơn số nhập viện. Hiện, TP HCM còn khoảng 38.000 F0. Trong đó, số F0 đang điều trị tại tầng 2, 3 chiếm 30%, F0 cách ly ở nhà 60%, F0 cách ly ở cơ sở 10%.

“Thành phố đã vượt qua đỉnh dịch, theo tính toán đỉnh dịch kéo dài hơn hai tháng, rất nặng nề”, ông Thượng nhấn mạnh. Công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho việc kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tiếp theo, sớm đưa thành phố về trạng thái bình thường mới.

Theo ông Thượng, thành quả đạt được là sự đồng lòng, đóng góp của người dân thành phố, sâu sát của lãnh đạo thành phố, của Bộ Y tế khi liên tục huy động nguồn lực kịp thời hỗ trợ ngành y tế. Thành phố lập 16 bệnh viện dã chiến với 37.000 giường bệnh, chiếm hơn 57% tổng số giường điều trị Covid-19; đã tiếp nhận hơn 180.000 bệnh nhân, đến nay số lượng người khỏi bệnh, ra viện hơn 177.000 người. Việc đầu tư bệnh viện dã chiến trong thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, thành phố trang bị oxy tại các bệnh viện, từ 2.000 giường có oxy tăng lên 13.000 giường có oxy, bổ sung hàng loạt trang thiết bị, vật tư y tế.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng. Ảnh: Hữu Công.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng.

Đặc biệt, ông Thượng nhấn mạnh đến sự hỗ trợ kịp thời, chi viện lớn chưa từng có của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Gần 25.000 chiến sĩ áo trắng từ nhiều chuyên ngành khác nhau ở khắp miền đã kịp thời đến TP HCM cùng sống, cùng làm việc, cùng chiến đấu hết mình. Bên cạnh đó, rất nhiều sự hỗ trợ đến từ các tổ chức, cá nhân thiện nguyện đã sức hỗ trợ thành phố.

“Hiện, dịch bệnh tương đối ổn, chính quyền thành phố và người dân gửi lời tri ân sâu sắc đến lực lượng y tế cả nước đã chi viện, hỗ trợ, bảo vệ sức khoẻ người dân”, ông Thượng nói, đồng thời “gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình của nhân viên y tế, các đồng nghiệp của chúng tôi đã hy sinh trong đợt dịch vừa qua”.

Lãnh đạo ngành y tế TP HCM nhận định với những bài học kinh nghiệm vừa qua, TP HCM có thêm sự tự tin để tiếp tục củng cố năng lực ứng phó Covid-19 trong thời gian tới, triển khai xét nghiệm giám sát có trọng tâm trọng điểm, đẩy mạnh tiêm vacine…, đảm bảo phòng chống dịch trong các lĩnh vực hoạt động theo bộ tiêu chí an toàn trước dịch Covid-19.

Sở Y tế bước đầu đã đúc kết các vấn đề liên quan trong cuộc chiến chống dịch và rút ra 10 bài học kinh nghiệm để giúp Thành phố chống dịch tốt hơn thời gian tới.

Một là, Thành phố đã thực hiện phương châm mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Trong đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và phường, xã, thị trấn đóng vai trò quan trọng.

Hai là, xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, cảnh báo dịch. Triển khai xét nghiệm theo hướng trọng tâm, sử dụng kỹ thuật PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để dập dịch.

Vắc xin đang được xem là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân

Ba là, cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Phát triển các khu cách ly tập trung quy mô nhỏ gắn liền với địa bàn.

Bốn là, chiến lược chăm sóc F0 theo 2 trụ cột, dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Phát triển các mô hình chăm sóc F0 tại nhà, bệnh viện 3 tầng.

Năm là, huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác phòng, chống dịch. Phối hợp Đông Tây y trong điều trị cho người bệnh. Mỗi quận huyện chủ động nhân lực, vật lực tại chỗ. Thành phố sẵn sàng chi viện khi các quận, huyện gặp khó khăn.

Sáu là, phát huy phối hợp với lực lượng công an, quân đội và ngành y.

Bảy là, củng cố và kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế cơ sở, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực cho trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Tám là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, sàng lọc, thu thập dữ liệu về dịch bệnh.

Chín là, lấy vắc xin làm chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh.

Mười là, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.

Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam từ ngày 27/4 đến nay, ban đầu từ các tỉnh phía Bắc, lan rộng các tỉnh, cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 9 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP HCM. Đến ngày 30/10, cả nước ghi nhận hơn 900.000 ca nhiễm trong 6 tháng qua, riêng TP HCM hơn 430.000 ca; hơn 21.000 người đã chết do Covid-19. Từ ngày 1/10, cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng với cuộc sống “bình thường mới”, tăng cường bao phủ vaccine, áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt với tâm thế sống chung với Covid.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều