+
Aa
-
like
comment

6 năm Việt Nam tham gia lực lượng ‘mũ nồi xanh’

22/12/2020 07:02

Hai bệnh viện dã chiến cấp 2 và hàng chục sĩ quan làm nhiệm vụ cá nhân đã được Quân đội nhân dân Việt Nam cử tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong 6 năm qua. 

Những ngày cuối năm, 31 bộ bàn ghế và 100 bộ chữ cái do các bác sĩ bệnh viện dã chiến 2.2 của Việt Nam đóng mới, cắt gọt được gửi tặng học sinh của trường Bentiu B, Nam Sudan. Những túi quà với sách, vở, bút và một tờ giấy nhỏ giới thiệu về Việt Nam cũng được chuyển tận tay các em học sinh.

“Khi đọc tờ giấy này, các em sẽ thấy Việt Nam là một đất nước nằm bên bờ Thái Bình Dương, có diện tích chỉ bằng một nửa Nam Sudan và hai nước cách xa nhau hơn 10.000 km”, trung tá Võ Văn Hiển, Giám đốc bệnh viện dã chiến 2.2 tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS), phát biểu trong buổi trao tặng quà cho các học sinh.

Anh chia sẻ “khoảng cách địa lý giữa hai nước rất xa, nhưng chúng tôi hi vọng được rút ngắn bởi những kiến thức trong các cuốn sách được đọc trên các bộ bàn ghế mới, ghi chép lại bằng những cuốn sổ các em vừa nhận”.

“Khi có kiến thức, các em sẽ có thể giúp cho gia đình và xây dựng lại đất nước Nam Sudan. Chúng tôi tin rằng một ngày nào đó sẽ được chào đón các em tới thăm Việt Nam!”. Đáp lại lời anh, những tràng pháo tay của 40 học sinh vang lên giòn giã.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện với các em học sinh, cùng quà tặng và bàn ghế mới. Ảnh: BVDC2.2
Các em học sinh Nam Sudan cùng quà tặng và bàn ghế mới của Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam.

Đây là hoạt động điều phối Quân sự – Dân sự (gọi tắt là CIMIC, Civilian – Military Coordination) của sĩ quan Việt Nam, tổ chức bên ngoài lớp học, với sự tham gia của phái viên trưởng văn phòng đại diện phái bộ UNMISS tại địa bàn, quyền tư lệnh quân sự phân khu Unity, trưởng ban giáo dục của UNICEF tại Bentiu, giám đốc Sở giáo dục – Bình đẳng giới và phúc lợi xã hội bang Bentiu; Trung tá Nguyễn Bá Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy, phó Cục trưởng, Quan sát viên Quân sự Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan…

Để có những bộ bàn ghế gỗ chắc chắn, những chữ cái sắc nét tặng học sinh, các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam đã vào vai thợ mộc sau mỗi ca trực, ròng rã suốt 12 tháng qua. Thu thập gỗ từ các thùng hàng thuốc men, vỏ các chai nhựa đã qua sử dụng, các bác sĩ đã cho chúng có một “đời sống mới”.

“Xin cho chúng con được sống trong hòa bình và tình thương yêu. Xin cho chúng con được quên những điều đã qua” là dòng chữ đập vào mắt các bác sĩ quân y Việt Nam khi đến thăm trường Tiểu học Bentiu B cách đây nhiều tháng.

“Đó là những chữ ám ảnh chúng tôi. Nó thể hiện nỗi khát khao và niềm hi vọng của trẻ em Nam Sudan là được sinh sống trong một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển”, trung úy Từ Quang, bác sĩ bệnh viện dã chiến 2.2 chia sẻ.

Do những xung đột triền miên kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 2011, nhiều trẻ em ở Nam Sudan không còn, hoặc còn rất ít cơ hội được tiếp cận với giáo dục một cách đầy đủ. Hơn 1.600 học sinh của trường Bentiu B chỉ có 3 khối nhà để học tập, trong đó hai khối tường gạch nứt toác, mái tôn thủng lỗ chỗ. Còn khối nhà tranh thì mái che mục nát, vách đất xiêu vẹo sau 6 tháng mùa mưa. Trong lớp, bàn ghế ngổn ngang, chỉ còn trơ khung sắt.

“Sinh ra ở một đất nước từng đi qua chiến tranh, chúng tôi hiểu rõ giá trị của hòa bình. Vì vậy, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khám, chữa bệnh cho hơn 1.500 lượt bệnh nhân, chúng tôi còn thực hiện được 5 hoạt động điều phối Quân sự – Dân sự”, bác sĩ Từ Quang nói.

Theo đó, ngoài hỗ trợ bàn học, dụng cụ học tập cho học sinh, các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam còn tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho người dân trong trại bảo vệ thường dân POC (Protection of civilian) nhân ngày AIDS thế giới cuối năm 2019 và 2020; hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, cách sử dụng các máy gây mê cho bệnh viện bang Unity khi họ tiếp nhận viện trợ từ các tổ chức quốc tế vào tháng 5; hỗ trợ thuốc, vật tư phòng dịch cho một số đơn vị vũ trang địa phương hồi tháng 4.

Bác sĩ Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc HIV tại chỗ cho người dân địa phương. Ảnh: BVDC2.2
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc HIV tại chỗ cho người dân địa phương.

“Trong nhiệm kỳ kéo dài từ 2019 đến 2021 đầy khó khăn, thách thức, bệnh viện dã chiến 2.2 đã làm tròn nhiệm vụ, là “ngôi sao tỏa sáng” trong Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan”, Giám đốc bệnh viện, trung tá Võ Văn Hiển dẫn lời bác sĩ Jegde Lewin, Chỉ huy Y tế lực lượng Phái bộ UNMISS.

Trước bệnh viện 2.2, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (2.1) của Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại phái bộ UMISS. Sang Nam Sudan từ tháng 10/2018 và hoàn thành nhiệm vụ về nước ngày 21/11, Bệnh viện dã chiến 2.1 Việt Nam khám, điều trị hơn 2.000 lượt bệnh nhân. Số lượng này cao hơn rất nhiều so với định mức bình quân của Liên Hợp Quốc đề ra cho các bệnh viện dã chiến cấp 2. Các y bác sĩ Việt Nam đã thực hiện 62 ca phẫu thuật, vận chuyển thành công bằng đường hàng không 7 trường hợp lên bệnh viện tuyến trên. Các bệnh nhân đến khám đều đảm bảo về chất lượng điều trị, không xảy ra tai biến, tai nạn.

Bắt đầu gửi quân tham gia Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2014 với hai sỹ quan đầu tiên đến Nam Sudan là Mạc Đức Trọng và Trần Nam Ngạn, đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hoà bình tại trụ sở Liên Hợp Quốc.

Trong đó, 46 lượt cán bộ theo hình thức cá nhân; 126 lượt cán bộ, nhân viên theo hình thức đơn vị (2 Bệnh viện dã chiến).

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc với quân số khoảng 320 người.

Đến nay, hai lần Liên Hợp Quốc gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam; 29 lượt cá nhân được Liên Hợp Quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 31%, trong khi tỷ lệ trung bình của các nước là 2%.

Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương là nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam ở Phái bộ Nam Sudan. Ảnh: Gia Chính
Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương là nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam ở Phái bộ Nam Sudan.

Tỷ lệ nữ sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu khi nữ quân nhân ở cấp đơn vị chiếm gần 16%, cao hơn mức kêu gọi của Liên Hợp Quốc.

Còn với hình thức cá nhân, Việt Nam đang duy trì 3 nữ sĩ quan tham gia trên tổng số 16 người làm việc tại các phái bộ, chiếm gần 19%. Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến cho biết, các nữ quân nhân của Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và là điểm sáng trong nhiều hoạt động của Liên Hợp Quốc tại các phái bộ thực địa, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân.

Theo ông, việc nữ quân nhân ứng tuyển vào làm việc tại các vị trí cao hơn tại trụ sở Liên Hợp Quốc và sở chỉ huy phái bộ sẽ được quan tâm trong thời gian tới. Bộ Quốc phòng chỉ đạo bảo đảm tốt hơn các chính sách đãi ngộ, trọng dụng, hỗ trợ để phụ nữ yên tâm tham gia, hiệu quả công việc ngày càng chất lượng hơn.

Còn Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho hay, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình, trong đó có việc mở rộng lĩnh vực. “Hiện chúng ta có sĩ quan tham mưu, Quân y, sắp tới có công binh và cân nhắc một số lĩnh vực khác như trực thăng, kiểm soát quân sự trong nội bộ khu phái bộ. Chúng ta cũng sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia để quảng bá hình ảnh đất nước”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Trước đó, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp hồi tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã và đang thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước. Việt Nam đã ký 9 Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc với Australia, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, New Zealand, Liên bang Nga.

“Hoạt động của lực lượng cũng góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.

Hoàng Thùy/ VNE

Bài mới
Đọc nhiều