+
Aa
-
like
comment

6 mẫu gộp dương tính thành âm tính ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Sơn Ca - 30/06/2021 11:45

Sau khi phát hiện 6 mẫu gộp dương tính, Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã gửi kết quả xét nghiệm lại tất cả các mẫu này đều âm tính SARS-Cov-2.

Giải 6 mẫu gộp dương tính với COVID-19 tại Bệnh viện Ung bướu, tất cả đều âm tính - Ảnh 1.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1) – Ảnh: CẨM NƯƠNG

Thông tin này vừa được bác sĩ Diệp Bảo Tuấn – phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết sáng 29-6. “Trong 6 mẫu gộp dương tính này có 27 người, tiếp tục được xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR và tất cả đều cho kết quả âm tính” – bác sĩ Tuấn nói.

Tất cả 27 trường hợp này tiếp tục được lưu giữ lại bệnh viện 7 ngày để làm xét nghiệm COVID-19 lần 2.

Theo bác sĩ Tuấn ngay khi có kết quả xét nghiệm âm tính, một số khu vực, bao gồm toàn bộ khu B; khoa xạ trị phụ khoa tầng 2 khu E; khoa ngoại đầu cổ, tai mũi họng và khoa ngoại tuyến giáp của tầng 3 khu C… đều được giải tỏa đón tiếp thăm khám cho bệnh nhân bình thường.

“Tuy vậy bệnh viện sẽ có các giải pháp siết chặt hơn trong chỉ định, test nhanh sàng lọc trước khi vào bệnh viện khám; trong phòng hạn chế số người, kéo giãn khoảng cách và một số trường hợp bệnh không khẩn cấp bệnh viện sẽ tính toán cho điều trị ngoại trú” – bác sĩ Tuấn nói.

Còn khu vực khoa nội 4, nơi có trường hợp bệnh nhân F0 điều trị tạm thời cách ly theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Hiện bệnh nhân này đã được bệnh viện chuyển đến một bệnh viện điều trị COVID-19.

Một vấn đề được nhiều người thắc mắc là tại sao cùng một xét nghiệm RT-PCR (phương pháp xét nghiệm có độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao và được chọn để khẳng định một ca mắc COVID-19 hiện nay) lại cho ra hai kết quả hoàn toàn trái ngược.

Vấn đề này, theo bác sĩ Tuấn hiện HCDC chưa có lý giải. Tuy vậy theo ông cũng có thể do “kỹ thuật” và thực tế bất cứ phương pháp xét nghiệm nào cũng có dương tính giả, âm tính giả.

Trả lời PV về việc liệu có nhầm lẫn mẫu của các bệnh nhân hay không? Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn nói “không thể” và khẳng định: “Tên tuổi của bệnh nhân, nằm khoa nào đều có hết nên không thể nhầm lẫn. Khi thực hiện, bệnh viện rất kỹ vấn đề này.”.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xét nghiệm đánh giá khả năng nhẫm mẫu là “không thể xảy ra”. Vấn đề này nhiều khả năng do quy trình kỹ thuật và cách tính chu kỳ đọc kết quả của mỗi phòng xét nghiệm.

“Hệ thống xét nghiệm RT-PCR cũng có nhiều hãng với nhiều loại hóa chất và ngưỡng khác nhau. Có thể với loại hóa chất này ngưỡng là dương tính, nhưng khi làm lại của một hãng khác ngưỡng lại âm tính” – chuyên gia này phân tích.

Được biết hai lần xét nghiệm này do hai đơn vị khác nhau thực hiện. Lần 1 (mẫu gộp) do HCDC thực hiện và lần 2 (mẫu đơn, giải gộp) là do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM thực hiện.

Tuần trước, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại thành phố Thủ Đức cũng phát hiện một bệnh nhân mắc Covid-19, chuyển qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị. Nơi này đã xét nghiệm tầm soát toàn bộ nhân viên ở cả hai cơ sở, tất cả đều âm tính.

Từ ngày 28/6, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại TP Thủ Đức tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân tới khám và điều trị hóa trị trong ngày để phòng chống dịch cho đến khi có thông báo mới.

Hơn một tháng nay, tất cả bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM đều được test nhanh trước khi nhập viện nội trú. “Đợt này bệnh nhân nội trú giảm mạnh, còn khoảng 250 bệnh nhân, trước đây bệnh viện điều trị hơn 1.000 ca mỗi ngày”, bác sĩ Tuấn nói.

Bệnh viện Ung bướu TP HCM là bệnh viện chuyên điều trị ung thư tuyến cuối ở miền Nam. Từ tháng trước, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại thành phố Thủ Đức hoạt động, giảm áp lực cho bệnh viện cơ sở 1. Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vừa được xây dựng, là bệnh viện ung thư hiện đại nhất miền Nam.

Sơn Ca

Bài mới
Đọc nhiều