52 ngày không ca nhiễm cộng đồng: ‘Vui mừng nhưng rất đáng lo’
Đến nay, sau rất nhiều ngày không có ca mắc trong cộng đồng, thành tựu của nước ta được thế giới ghi nhận, người dân trở nên ít quan tâm tới dịch bệnh. Đây là điều đáng lo ngại.
Sáng 7/6, Việt Nam tròn 52 ngày không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hôm qua, Bộ Y tế công bố thêm một ca nhiễm là du học sinh trở về từ Anh, song điều đó dường như ít làm người dân lo ngại. Thực tế, các ca mắc nhập cảnh đều được cách ly ngay nên ít có nguy cơ lây ra cộng đồng.
Chủ quan đáng lo ngại
Sau khi dừng giãn cách xã hội, mọi hoạt động thường nhật dần trở lại với người dân. Đến nay, sau rất nhiều ngày không có ca mắc trong cộng đồng, thành tựu của nước ta được thế giới ghi nhận, không ít người dân đã không còn quan tâm tới dịch bệnh.
Các công ty, nhà hàng… đã đông đúc trở lại. Trên các tuyến phố, cảnh tắc đường cũng quay trở lại.
TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nhận định: “Đây là tín hiệu mừng nhưng cũng rất đáng lo”.
Là người trực tiếp điều trị hai bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam và tham gia hội chẩn cho nam phi công người Anh, TS Hùng hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Theo ông, cho tới hôm nay, tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa có xu hướng dừng lại. Các tâm dịch chỉ chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác với tốc độ đáng ngại.
Số người mắc bệnh và tử vong vẫn tăng đều mỗi ngày, trong khi đó, chúng ta đang từng bước thực hiện việc mở cửa, giảm cách ly xã hội. Nếu chủ quan, nguy cơ bùng phát dịch vẫn có thể xảy ra.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, cũng cảnh báo nguy cơ lớn hiện nay có thể khiến virus lây lan trong cộng đồng chính là nhập cảnh trái phép theo đường mòn, lối mở. Việt Nam có biên giới đường bộ quá lớn, nếu kiểm soát không tốt thì nguy cơ không thể lường.
“Chỉ cần một người nhập cảnh theo đường mòn, lối mở dương tính với SARS-CoV-2 lọt khỏi sự kiểm soát của lực lượng canh gác biên giới, đi ra ngoài cộng đồng thì rất nguy hiểm. Lúc này, khả năng chúng ta ghi nhận thêm nhiều ca mắc trong cộng đồng là có thể xảy ra”, bác sĩ Phong lo ngại.
Ông còn cho biết thêm thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục đón thêm nhiều công dân trở về từ nước ngoài. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn căng thẳng, do đó, có thêm các ca nhập cảnh là điều dễ xảy ra. Chẳng hạn, ca mắc Covid-19 thứ 329 vừa được công bố là trở về từ Anh.
Bác sĩ Phong cho rằng tình hình của Việt Nam đến lúc này vẫn chưa thể nói được gì. Nguyên nhân là tình hình dịch bệnh trên thế giới có hạ nhiệt về số lượng nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao.
Ý thức cá nhân là quan trọng nhất trong giai đoạn mới
Với kinh nghiệm 23 năm điều trị các bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Phong cho rằng thời điểm này, chúng ta đã hiểu rõ hơn về virus SARS-CoV-2, bao gồm tính chất lây truyền, mức độ lây lan trong cộng đồng… Tuy nhiên, bệnh này đến nay chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa. Các bác sĩ chủ yếu điều trị biến chứng, nâng đỡ thể trạng, kiểm soát bệnh nền…
Bác sĩ Phong khuyến cáo người dân không nên chủ quan. “Người dân cần chủ động phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ, người về từ nước ngoài không khai báo để ngành y tế kịp thời để cách ly, theo dõi, phòng nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng”, bác sĩ Phong nhấn mạnh.
TS Lê Quốc Hùng đánh giá sự bùng phát dịch bệnh lần thứ hai ở các quốc gia từng khống chế tốt như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… là bài học nhãn tiền cho Việt Nam.
“Lúc này, việc cảnh giác và đề phòng mắc bệnh của mỗi cá nhân trong xã hội trở nên quan trọng nhất trong chuỗi các biện pháp phòng chống dịch bệnh tái xuất hiện”, TS Hùng nói.
TS Hùng cho biết trong 7 biện pháp Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện để phòng tránh Covid-19, có 4 biện pháp thuộc về giữ gìn bảo vệ cá nhân gồm: Tránh tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang, súc họng và rửa tay thường xuyên.
Hai biện pháp gồm tránh tụ tập nơi đông người, giữ khoảng cách an toàn 2 m giữa mỗi người và rửa tay thường xuyên đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đồng thuận về hiệu quả phòng chống lây nhiễm bệnh ngay từ đầu đại dịch. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, biện pháp giữ khoảng cách gần như không thể đảm bảo.
Đeo khẩu trang và súc họng với dung dịch sát trùng không được nhiều chuyên gia nước ngoài cổ súy. Tuy nhiên, cho tới nay, kết quả các cuộc nghiên cứu nghiêm túc đã xác minh tính hiệu quả của hai biện pháp này.
Đeo khẩu trang được chứng minh làm giảm ít nhất 30% khả năng lây từ người bệnh sang người lành. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên Trường Y khoa Duke-NUS đã nghiên cứu xác định tác dụng diệt virus SARS-CoV-2 mạnh mẽ của dung dịch súc họng hay xịt họng, chỉ trong vòng 30 giây sau khi tiếp xúc. Khả năng diệt virus có thể duy trì trong 3 giờ sau đó.
“Covid 19 là thảm họa toàn cầu và là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, trong khó khăn, chúng ta đã và đang chứng minh cho bạn bè quốc tế về một Việt Nam mạnh mẽ và bất khuất. Hy vọng mọi người tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh để góp phần giúp Việt Nam giữ vững thành quả đáng tự hào trong công cuộc chống lại đại dịch này”, TS Hùng nói.
Bích Huệ/ZN