+
Aa
-
like
comment

5 vấn đề lớn khi TP.HCM kiến nghị kéo dài giãn cách xã hội đến 30-4

Hồng Anh - 15/04/2020 16:55

Ngoài việc tiếp tục kiến nghị Chính phủ thực hiện cách ly xã hội đến 30.4, TP.HCM còn kiến nghị mở dần một số hoạt động thiết yếu, tăng mức xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng…

Kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM. /// Ảnh: Duy Tính
Kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM.

Chiều ngày 15.4, Chính phủ đã tổ chức buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết khi thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, TP.HCM tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. Tính đến nay TP.HCM đã có 54 ca nhiễm Covid-19, 46 ca đã khỏi bệnh.

Giãn cách xã hội có hiệu quả rõ rệt

Qua 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM chỉ  ghi nhận thêm 5 ca Covid-19 mới; 12 ngày không phát hiện ca nhiễm mới. So với 15 ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16, số ca nhiễm mới của TP.HCM giảm 88%. Điều này cho thấy giãn cách xã hội có hiệu quả rõ rệt.

5 vấn đề lớn khi TP.HCM kiến nghị kéo dài cách ly xã hội là gì? - ảnh 1
Xét nghiệm là yếu tố tiên quyết trong chống dịch Covid-19. 

Từ thực tiễn thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM đã rút ra một số bài học kinh nghiệm: Hành động sớm là yếu tố then chốt phòng chống dịch Covid-19; Giãn cách xã hội là phản ứng nhanh và quyết liệt để chặn đứng nguồn lây, khoanh vùng và dập dịch, bao gồm: các trường học tạm đóng cửa, các biện pháp cách ly thực hiện rộng, các chuyến bay quốc tế ngừng hoàn toàn, ngừng phần lớn các chuyến bay nội địa…

Ngoài ra, TP.HCM nhận định dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt là nhờ sự tuân thủ của người dân. Công tác truy vết lịch sử ca nhiễm được làm quyết liệt để cô lập mầm bệnh, khoanh vùng và dập dịch kịp thời.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, điểm tiên quyết trong phòng chống dịch Covid-19 là xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, xét nghiệm nhiều lần để không bỏ sót, kể cả sau 14 ngày khi các bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Vì sao cần kéo dài giãn cách xã hội ?

Theo ông Nguyễn Thành Phong, mặc dù đã đạt hiệu quả tốt trong phòng chống dịch Covid-19, hiện nay diễn tiến dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Gần đây xuất hiện trường hợp virus được ủ bệnh sau 14 ngày mới được phát hiện; một số ca Covid-19 khỏi bệnh lại tái dương tính… Từ đó, lãnh đạo TP.HCM tiếp tục đề nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết ngày 30.4.

Theo UBND TP.HCM, có 5 vấn đề lớn khi thành phố kiến nghị kéo dài cách ly xã hội:

Thứ nhất, theo số liệu báo cáo của Bộ Thông tin –  truyền thông đo lường sự đi lại của người dân khi thực hiện Chỉ thị 16, kết quả đạt được là đã giảm rõ rệt, cao nhất là ngày 2.4 và xu hướng tăng lên trở lại vào ngày 9.4. Điều này cho thấy tâm lý chủ quan, lơ là đã xuất hiện. TP.HCM đề nghị Chính phủ nghiên cứu chiến lược bậc thang cho việc giãn cách xã hội, càng về sau càng thực hiện nghiêm ngặt, để đảm bảo công tác chống dịch Covid-19.

5 vấn đề lớn khi TP.HCM kiến nghị kéo dài cách ly xã hội là gì? - ảnh 2
TP.HCM vừa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt, vừa phát triển kinh tế. 

Thứ 2, nền tảng phòng chống dịch bệnh là việc đeo khẩu trang, tuy nhiên việc giãn cách xã hội thời gian dài có thể dẫn đến việc tuân thủ không chặt chẽ. Hơn nữa, hiện nay mức phạt đối với việc không đeo khẩu trang nơi công cộng còn thấp, tối đa là 300.000 đồng.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ tăng mức xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để đủ sức răn đe.

Thứ 3, các biện pháp cách ly người bệnh, cách ly kiểm dịch, khai báo y tế, giáo dục sức khỏe là những biện pháp ít gây tổn thương kinh tế. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân, và sự phát triển kinh tế – xã hội.

Do đó, TP.HCM đề xuất Chính phủ xem xét việc mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ lây nhiễm, đáp ứng bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.

Bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh phải được ban hành song song với việc cho phép mở cửa một số hoạt động thiết yếu, ít nguy cơ và giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đóng cửa nếu không đảm bảo các tiêu chí.

Thứ 4, TP.HCM đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng mô hình các bệnh truyền nhiễm, mục tiêu để biết một người trong một ngày sẽ đến trung bình bao nhiêu nơi, gặp bao nhiêu người, tiếp xúc gần bao nhiêu người, khi thực hiện giãn cách xã hội thì giảm được bao nhiêu lần tiếp xúc… Từ đó xác định được biện pháp giãn cách xã hội tối ưu nhất và mạnh nhất để kiểm soát dịch bệnh.

Thứ 5, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay nhiều quốc gia phải hứng chịu sự bùng phát của làn sóng thứ 2 lây nhiễm Covid-19, mặc dù đã thực hiện cách ly xã hội. Do đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, để phòng vệ tốt nhất sức khỏe người dân, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ định một số sân bay trong nước tiếp nhận người Việt Nam từ vùng dịch trở về, đồng thời áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm hơn nữa, xét nghiệm lại sau 14 ngày cách ly.

Bài mới
Đọc nhiều