Tính đến hết ngày 17/8 các quốc gia Đông Nam Á ghi nhận ít nhất 372.000 ca nhiễm Covid-19, với 3 ổ dịch lớn nhất khu vực nằm ở Indonesia, Philippines và Singapore. Dù cơ sở vật chất y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe tại đại đa số quốc gia Đông Nam Á yếu hơn nhiều khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu; nhưng các phương pháp chủ động phòng chống, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đã phát huy tác dụng.
Nhiều chính phủ Đông Nam Á như Singapore hay Việt Nam trở thành tấm gương tiêu biểu cho các quốc gia khác về công tác chống dịch hiệu quả. Một số quốc gia như Brunei, Lào, Campuchia, Việt Nam chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 chưa đến 1.000 trường hợp.
Dù được đánh giá là khá thành công trong việc kiểm soát sự bùng phát dịch Covid-19 nhưng đa số các quốc gia Đông Nam Á vẫn sẽ phải vật lộn với những hệ lụy kinh tế nặng nề – nhận định của nhà kinh tế trưởng từ Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) – ông Euben Paracuelles.
Năm 2019, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, trên cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đến hết tháng 2/2020, ASEAN tiếp tục vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt tới 84,8 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, trong nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.
Do đó, khi Trung Quốc trở thành ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh đã làm trì trệ đáng kể chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước Đông Nam Á, vốn phụ thuộc đáng kể vào thị trường sản xuất của Trung Quốc. Thời điểm kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi, sự bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ… tiếp tục khiến môi trường thương mại toàn cầu chìm trong bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế Đông Nam Á.
Thực tế là cho đến nay, đã có nhiều quốc gia ASEAN báo cáo tăng trưởng âm. Trong đó, 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (ASEAN-5) gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan chứng kiến GDP giảm sâu hơn cả.
Thái Lan hôm 17/8 là quốc gia mới nhất công bố dữ liệu GDP quý II/2020 sụt mạnh nhất trong hai thập kỷ. Cụ thể, tăng trưởng GDP nước này đã chìm sâu xuống mức -12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức âm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á hồi năm 1998. Con số này không quá tệ như ước tính của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện, nhưng đã đưa nền kinh tế Thái Lan vào một cuộc suy thoái sâu.
Ngay từ đầu năm, khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, các nhà quan sát đã dự báo triển vọng ảm đạm cho kinh tế Thái Lan. Các biện pháp đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu đã làm tổn thương nặng nề cả xuất khẩu và du lịch – hai động lực tăng trưởng chính của xứ Chùa Vàng.
Thosaporn Sirisumphand, tổng thư ký của hội đồng kinh tế Thái Lan cho hay: “Chúng tôi quan ngại hơn bao giờ hết về thực trạng nền kinh tế, đặc biệt là các vấn đề việc làm, nợ xấu và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chi tiêu chính phủ dự kiến sẽ trở thành động lực chính của kinh tế Thái Lan năm nay vì các lĩnh vực khác vẫn trong tình trạng suy yếu”.
Tỷ lệ thất nghiệp trong quý đạt mức 1,95%, mức cao nhất từng thấy kể từ năm 2009 và cao gấp đôi tỷ lệ thông thường. Đánh giá của Hội đồng kinh tế cho hay có khoảng 1,8 triệu công nhân có nguy cơ mất việc trong những quý tiếp theo. Hội đồng kinh tế cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 từ mức -5% đến -6% xuống mức -7,3% đến -7,8%, giả định đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện tại sẽ được kiểm soát trong quý IV.
Howie Lee, nhà kinh tế tại Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp., Singapore nhận định: “Chuỗi ngày tồi tệ nhất có thể đã qua nhưng chưa có lý do gì để ăn mừng. Chúng tôi dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ phục hồi từ từ do phải đối mặt với nhiều thách thức”.
Các nhà kinh tế Bloomberg cũng nhận định rằng du lịch, ngành đóng góp gần 20% vào GDP Thái Lan sẽ khó phục hồi trước năm 2022, do đó sự phục hồi chung của nền kinh tế sẽ khó mà diễn ra theo mô hình chữ V (suy thoái sâu nhưng phục hồi nhanh chóng). Trong kịch bản lạc quan nhất, xứ Chùa Vàng sẽ mất 47,7 tỷ USD tương đương 9% GDP do hoạt động du lịch sụt giảm.
Tính đến hết 17/8, Thái Lan ghi nhận 3.378 ca nhiễm Covid-19 và 58 ca tử vong.
Ngân hàng Trung Ương Malaysia hồi cuối tuần trước đã công bố dữ liệu tăng trưởng kinh tế quý II/2020 cho thấy GDP nước này giảm mạnh -17,1% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh tác động nghiêm trọng của các biện pháp kiểm dịch Covid-19 được thực hiện suốt thời gian qua.
Đây là quý giảm tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế Malaysia và là quý GDP âm đầu tiên kể từ năm 2009, thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó đánh dấu mức lao dốc chưa từng có khi chỉ 1 năm trước, kinh tế Malaysia đạt mức tăng trưởng 4,9%. Kết quả được công bố cũng tồi tệ hơn rất nhiều so với dự báo bình quân -10,1% của các nhà kinh tế học Bloomberg.
Theo thống đốc Ngân hàng Trung Ương Malaysia Nor Shamsiah Yunus, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của kinh tế Malaysia là sản xuất. Bà này dự báo GDP Malaysia năm 2020 sẽ nằm trong khoảng -3,5% đến -5,5% trước khi đạt mức phục hồi mạnh mẽ 5,5% đến 8% trong năm 2021.
Nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á đã thực hiện phong tỏa quốc gia kể từ ngày 18/3 đến hết ngày 3/5, nhưng các hạn chế di chuyển và cấm tụ tập đông người đã kéo dài đến tận ngày 9/6. Hồi tháng 5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết đất nước thiệt hại khoảng 2,4 tỷ ringgit (558,4 triệu USD) mỗi ngày do lệnh hạn chế di chuyển tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Malaysia đã lên tới 4,9% do việc phong tỏa quốc gia dẫn tới tình trạng cắt giảm lương hoặc nghỉ việc. Thị trường lao động suy yếu cũng tác động đáng kể đến sức mua và nhu cầu tiêu dùng quốc gia.
Tính đến hết ngày 17/8, Malaysia báo cáo 9.212 ca nhiễm Covid-19 và 125 ca tử vong trên toàn đất nước.
Tuần trước, Singapore công bố dữ liệu tăng trưởng kinh tế quý II/2020 cho thấy GDP giảm sâu -13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hơn mức dự báo sơ bộ -12,6%. Như vậy, sau hai quý GDP giảm liên tiếp, nền kinh tế Singapore đã chính thức rơi vào suy thoái.
Các chỉ số kinh tế khác cũng không mấy lạc quan. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 2,9% trong tháng 6 từ mức 2,4% hồi tháng 3. Sản lượng sản xuất giảm 6,7% trong cùng tháng, tức tháng giảm thứ hai liên tiếp. Trong cả quý II, doanh số bán lẻ tụt mạnh 27,8%.
Dự báo về triển vọng kinh tế trong cả năm 2020, chính phủ Singapore đã điều chỉnh hạ mức GDP ước tính sơ bộ xuống -5% đến -7%, qua đó nhấn mạnh tác động kéo dài của đại dịch đến nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào thương mại này. Mức dự báo này cũng là mức suy giảm tồi tệ nhất 55 năm qua của nền kinh tế đảo quốc Sư tử.
“Môi trường kinh doanh quốc tế không ổn định sẽ tiếp tục tạo nên lực cản với một số lĩnh vực kinh tế của Singapore như vận tải và thương mại” – trích nhận định của chính phủ Singapore.
Nước này đã nới lỏng các hạn chế di chuyển từ đầu tháng 6, đồng thời thiết lập một số thỏa thuận “hành lang đi lại” với hai đối tác kinh tế chủ chốt là Trung Quốc và Malaysia. Nhưng đến nay, một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động trở lại và việc di chuyển qua biên giới quốc gia vẫn bị kiểm soát, hạn chế chặt chẽ. Điều này ảnh hưởng lớn đến triển vọng các ngành du lịch và thương mại.
Hồi tuần trước, Thủ tướng Lý Hiển Long đã cảnh báo người dân rằng :”Cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc… Việc đóng cửa doanh nghiệp và nguy cơ thất nghiệp có khả năng còn tăng trong những tháng tiếp theo”.
Tính đến hết ngày 17/8, Singapore xác nhận 55.838 ca nhiễm Covid-19 cùng 27 ca tử vong.
Nền kinh tế Philippines cũng chính thức rơi vào suy thoái kể từ quý II khi chứng kiến mức tăng trưởng GDP giảm kỷ lục xuống -16,5%.
Quý II là thời điểm các hoạt động kinh tế Philippines chứng kiến sự chững lại đáng kể do các biện pháp phong tỏa quốc gia được áp đặt từ đầu tháng 3, kéo dài đến tận tháng 6 để kiểm soát sự lây lan đại dịch Covid-19. Việc đóng của các doanh nghiệp đã khiến hàng triệu người Philippines mất việc làm, qua đó đưa chi tiêu hộ gia đình – một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế – giảm mạnh 10,7%. Tỷ lệ thất nghiệp tính đến đầu quý II đã tăng lên mức kỷ lục 17,7%, tương đương 7,3 triệu người.
Philippines đã báo cáo mức tăng trưởng -0,7% trong quý I lần đầu tiên trong hai thập kỷ. Nhưng mức sụt giảm GDP kỷ lục trong quý II được đánh giá là chưa từng có, vượt xa dự báo của các nhà phân tích Reuters là -9%. Mức tăng trưởng -16,5% tồi tệ cũng dập tắt phần nào kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ trong quý III, nhất là khi chính phủ Philippines trong tháng này đã buộc phải áp đặt thêm một số lệnh phong tỏa ở Metro Manila và các tỉnh lân cận khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế Xã hội Karl Chua cho hay nhóm cố vấn kinh tế chính phủ dự báo GDP kinh tế Philippines có thể suy giảm -5,5% trong cả năm nay, tức mức giảm lớn hơn nhiều so với dự báo -2% hồi tháng 5. “Không nghi ngờ gì nữa, đại dịch và những hệ lụy tiêu cực của nó đang đặt ra những thách thức chưa từng có với nền kinh tế”.
Tính đến hết ngày 17/8, Philippines ghi nhận 164.474 trường hợp mắc Covid-19 và 2.681 trường hợp tử vong – ổ dịch lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia.
Nền kinh tế Indonesia đã chứng kiến lần suy thoái đầu tiên trong 20 năm qua sau khi báo cáo kết quả GDP quý II -5,32%. Mức sụt giảm này tệ hơn so với dự báo -4,61% của Reuters và dự báo sơ bộ -4,3% của Tổng thống Joko Widodo. Hồi quý I, Indonesia chứng kiến tăng trưởng GDP -2,97% do hệ lụy nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, đây là lần đầu tiên Indonesia báo cáo GDP âm kể từ quý I/1999, thời điểm đất nước này điêu đứng trong Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Chi tiêu hộ gia đình, lĩnh vực đóng góp hơn một nửa vào tăng trưởng GDP Indonesia, đã giảm mạnh hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ đầu vụ dịch đến nay, Ngân hàng Trung Ương Indonesia đã nhiều lần cắt giảm lãi suất, phối hợp với các gói kích thích từ chính phủ để vực dậy nền kinh tế. Nhưng khi Indonesia trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á và số ca nhiễm mỗi ngày vẫn tăng lên bất chấp các hạn chế xã hội, những biện pháp kích thích như vậy là không đủ vực dậy nền kinh tế. Trong trường hợp tệ nhất, chính phủ Indonesia dự báo mức tăng trưởng -0,4% trong cả năm 2020.
Tính đến hết ngày 17/8, Indonesia ghi nhận 139.549 ca nhiễm Covid-19 cùng 6.159 ca tử vong, với số ca nhiễm mới bình quân khoảng 2.000 trường hợp mỗi ngày. Như vậy, chỉ từ đầu tháng 7 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia vẫn tăng gấp đôi và “có rất ít dấu hiệu cho thấy chính phủ đang dần kiểm soát được virus” – nhận định của Gareth Leather, nhà kinh tế châu Á cấp cao tại Capital Economics. “Nỗi lo sợ bị nhiễm virus sẽ khiến mọi người khó trở lại cuộc sống bình thường. Giãn cách xã hội sẽ kéo dài lâu hơn”.
Chuyên gia kinh tế học ASEAN Edward Teather, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Cơ quan nghiên cứu kinh tế đa quốc gia UBS nhận định bất chấp những hệ lụy tiêu cực từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện là quốc gia có triển vọng kinh tế sáng sủa bậc nhất khu vực.
Trong khi cả 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN đều báo cáo tăng trưởng GDP quý II âm, Việt Nam ước tính GDP quý II tăng 0,36%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận tại Việt Nam trong vòng 1 thập kỷ qua, nhưng so sánh với thực trạng các quốc gia khác, con số này vẫn phản ánh mức tăng trưởng nhẹ đầy khả quan.
Doanh số bán lẻ, kim ngạch nhập khẩu và năng suất sản xuất công nghiệp của Việt Nam đều tăng trong tháng 6/2020 do nỗ lực kiểm soát sớm đại dịch Covid-19. Trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới dỡ bỏ phong tỏa kiểm dịch từ tháng 4/2020.
Theo ông Edward Teather, Việt Nam đã vận dụng tốt lợi thế này để đẩy mạnh phục hồi kinh tế, duy trì đà tăng trưởng tích cực. Vị này cũng dự đoán đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, khi các quốc gia nới lỏng lệnh hạn chế kiểm dịch, phong tỏa biên giới.
Không riêng chuyên gia UBS, chuyên trang tài chính kinh doanh nổi tiếng thế giới Business Insider cũng trích dẫn những phân tích cho thấy kinh tế Việt Nam đang đứng trước triển vọng phục hồi nhanh. Còn Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB hồi tháng 6 thì dự báo Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2020-2021.
Nhận định chung về nền kinh tế ASEAN, nhà kinh tế Euben Paracuelles nhận định: “Tôi dự báo triển vọng phục hồi theo mô hình chữ U do môi trường kinh doanh toàn cầu vẫn còn đầy rẫy rủi ro không chắc chắn”. Mô hình phục hồi chữ U nghĩa là nền kinh tế phải trải qua thời gian dài (hơn 2 năm) ở đáy suy thoái trước khi phục hồi trở lại.