+
Aa
-
like
comment

5 mệnh lệnh quyết liệt trước ‘đỉnh’ dịch Covid-19 ở TP.HCM

25/03/2020 18:06

Tạm đóng cửa quán xá; dừng đưa người Việt từ nước ngoài về Tân Sơn Nhất; đề nghị phạt người không đeo khẩu trang; xem xét tạm dừng hệ thống xe buýt; tăng an ninh ở khu cách ly.


Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tối 24/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết khoảng 2 tuần tới là giai đoạn quyết định của “cuộc chiến chống Covid-19”.

“Đây là thời điểm chúng ta góp phần giữ đất nước bình yên trước dịch bệnh. Lỡ mất thời cơ này, chúng ta có lỗi với đất nước và không thể làm lại”, Bí thư Nhân nhấn mạnh.

Song song đó, hàng loạt chỉ đạo đã được đưa ra nhằm kêu gọi các ngành và người dân đồng lòng chung tay cùng Chính phủ chống dịch.

Đóng cửa tiệm hớt tóc, quán bia

Chiều 24/3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm có văn bản khẩn gửi các sở, ngành về việc tạm ngừng các hoạt động giải trí trên địa bàn trong thời gian dịch.

Theo đó, các khu vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng (công suất phục vụ 30 người trở lên), câu lạc bộ bi-a, thể hình, cơ sở làm đẹp phải tạm ngừng hoạt động từ 18h ngày 24/3 đến hết ngày 31/3.

Nhiều hàng quán ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nghiêm chỉnh chấp hành lệnh đóng cửa của chính quyền.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết sau quyết định trên, từ quán ăn bình dân đến nhà hàng hạng sang có khả năng phục vụ trên 30 khách đều phải ngưng hoạt động. Các nhà hàng có quy mô nhỏ hơn vẫn có thể mở cửa.

Các sở, ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.

Ngay trong tối 24/3, nhiều nhà hàng, quán bia trên địa bàn TP.HCM đã chấp hành nghiêm chỉnh việc tạm đóng cửa.

Đề nghị phạt người không đeo khẩu trang

Trước tình hình dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu quy định về xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng.

“Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ngoài việc hạn chế tụ tập, người dân cần sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng. Vì sức khỏe của cộng đồng, những biện pháp răn đe là cần thiết”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.


Chủ tịch TP.HCM đề nghị xử phạt người không đeo khẩu trang. Ảnh: Phạm Ngôn.

Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu Sở Công Thương có những biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng găm hàng, đẩy giá khẩu trang tại một số cơ sở kinh doanh và trên mạng xã hội.

“Trong trường hợp cần thiết, Sở Công Thương có thể phối hợp với Công an TP.HCM điều tra, xử lý, công khai những đơn vị bị xử phạt trên báo đài. Trong ngày mai, sở cần báo cáo lại ban chỉ đạo về phương án xử lý đối với việc găm hàng, đẩy giá khẩu trang”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Sở Công Thương thông tin trước dự báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối khẩu trang trên địa bàn đã đẩy mạnh sản xuất nhiều loại khẩu trang. Trong đó, các hệ thống siêu thị Co.opmart, VinMart, Lotte Mart, Big C, Aeon, Satra… cung ứng đầy đủ các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cho người dân.

Xem xét tạm dừng hoạt động xe buýt

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nêu ý kiến cần tạm ngừng hoạt động các phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt trong bối cảnh dịch Covid-19 có xu hướng lây lan mạnh trong cộng đồng. Việc không sử dụng xe buýt sẽ giúp người dân tránh tiếp xúc đông người và lây lan mầm bệnh.

Đối với taxi, ông Bỉnh đề nghị các tài xế đeo khẩu trang, không bật máy lạnh và mở cửa kính để thông thoáng. Xe cần được khử khuẩn thường xuyên.

Xe buýt trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong 2 tuần tới, thành phố cần làm mọi việc có thể để hạn chế lây lan, kiềm chế ca dương tính với Covid-19. Ông Nhân đề nghị các sở, ngành làm rõ kế hoạch về việc dừng xe buýt, phương tiện công cộng tại TP.HCM. Sở Du lịch cân nhắc việc có nên dừng đón tiếp các đoàn khách hay không.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng vừa có văn bản thông báo tạm hoãn cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2019-2020 ngày 7/4 do tình hình dịch bệnh Covid-19.

Dừng đưa người Việt về Tân Sơn Nhất

Từ 0h ngày 25/3 đến hết ngày 31/3, các hãng hàng không dừng vận chuyển hành khách người Việt từ nước ngoài về sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cho biết các khu cách ly tại TP.HCM không còn khả năng tiếp nhận thêm.

Trước đó, thông báo số 118 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo ngành hàng không thực hiện ngay việc hạn chế kịp thời, tối đa và giãn cách các chuyến bay vận chuyển hành khách từ nước ngoài vào Việt Nam, kể cả đối với hãng hàng không nước ngoài (vì dễ dẫn đến quá tải các khu cách ly). Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến bay chở hành khách nước ngoài rời khỏi Việt Nam.

Ngày 23/3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TP.HCM) tiếp nhận 3 chuyến bay đưa người Việt từ nước ngoài về Việt Nam trước khi dừng các hoạt động nhập cảnh mùa dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng điều các chuyến quốc tế cuối cùng đến Tân Sơn Nhất trong ngày 24/3 và chuyến quốc tế cuối cùng đến Nội Bài trong ngày 25/3. Từ ngày 25/3, các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc sự điều động của Chính phủ

Tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên nhiều quốc gia, Chính phủ đã yêu cầu tất cả người Việt hồi hương phải cách ly tập trung 14 ngày, đồng thời ngừng nhập cảnh người nước ngoài vào Việt Nam.

Tăng an ninh khu cách ly ký túc xá

Trước tình trạng Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM có nhiều người tụ tập tiếp tế cho người cách ly, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải có thái độ đặc biệt với khu cách ly này.

Bí thư Nhân nhắc nhở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM là nơi giúp thành phố có chỗ cách ly nhiều nhất. Cụ thể, cả thành phố hiện sẵn sàng 21.500 chỗ cách ly tập trung cấp thành phố và cấp quận, huyện. Trong đó, tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM là 17.500 chỗ, chiếm 80% tổng số công suất cách ly. Do đó, ông đề nghị thành phố phải hỗ trợ Đại học Quốc gia TP.HCM về đảm bảo an ninh trật tự.

Lực lượng dân quân chuyển đồ tiếp tế của thân nhân người cách ly. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Cần có thỏa thuận giữa Đại học Quốc gia TP.HCM, UBND quận Thủ Đức, Sở Y tế, Công an TP.HCM, Bộ Tư lệnh để phân công gác vòng ngoài cho tốt”, Bí thư yêu cầu.

Ông cho biết hiện nơi này đã có 7.000 người đến cách ly, sắp tới sẽ còn tăng nữa. Do đó, thành phố cần khẩn trương triển khai thỏa thuận chính thức trong sử dụng KTX làm nơi cách ly tập trung để đảm bảo yêu cầu an ninh trật tự, không làm quá sức ĐHQG. Ông đề nghị thành phố cần sớm hoàn thành thỏa thuận này trong 2-3 ngày tới.

Tính đến ngày 24/3, tổng số trường hợp Covid-19 xác định tại TP.HCM là 29 ca (3 người đã khỏi bệnh và xuất viện).

Hoài Thanh/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều