5 dự án giao thông ở TP HCM hoàn thành năm 2020
Bến xe Miền Đông mới, nút giao An Sương, mở rộng đường Tô Ký, cầu Phước Lộc và An Phú Đông hoàn thành năm 2020 giúp thay đổi diện mạo giao thông thành phố.
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Phan Công Bằng ngày 15/12 cho biết, cuối tháng 12, cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè) sẽ thông xe. Dự án bắc qua rạch Cây Khô nối xã Phước Kiển với Phước Lộc tổng vốn đầu tư 405 tỷ đồng, nhằm thay cầu cũ rộng hơn 2 m xuống cấp. Công trình dài 710 m, trong đó cầu dài 386 m, rộng hơn 10 m cho hai làn xe, cùng lề đi bộ, lan can bảo vệ, hệ thống chiếu sáng, cây xanh…
Cầu khởi công năm 2012, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng. Tuy nhiên một năm sau dự án phải ngừng thi công do vướng mặt bằng. Tháng 6 năm nay, khi được huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng, dự án được đẩy nhanh tiến độ và hiện đạt hơn 95% khối lượng. Cầu sẽ thông xe cuối tháng 12, hoàn thành toàn bộ trước Tết Nguyên đán 2021.
Cùng với dự án trên, cầu thép An Phú Đông dài 240 m, rộng 12 m, bắc qua sông Vàm Thuật, nối quận 12 với Gò Vấp cũng được thông xe cuối tháng 12. Dự án khởi công hồi tháng 3 với tổng vốn gần 80 tỷ đồng nhằm thay phà An Phú Đông hiện hữu. Vốn đầu tư không lớn nhưng cầu có ý nghĩa quan trọng vì khi hoàn thành giúp người dân An Phú Đông và quận 12 rút ngắn quãng đường, thời gian lên trung tâm thành phố.
Ban đầu dự án tính xong trong tháng 11, nhưng giữa tháng 10 cầu bị sà lan chạy trên sông tông vào. Va chạm đã xô lệch toàn bộ nhịp thông thuyền, khiến cầu phải lùi tiến độ hoàn thành. Hiện, nhà thầu đã cho thử tải, trải thảm nhựa ở đường dẫn, chuẩn bị thông xe cuối tháng 12.
Trước đó, 3 công trình giao thông trọng điểm tại TP HCM đã hoàn thành giúp giảm ùn tắc, tai nạn và phát triển kinh tế, xã hội cho thành phố. Quy mô lớn nhất là Bến xe Miền Đông mới vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một 740 tỷ đồng. Khởi công năm 2017 trên diện tích 16 ha ở quận 9, bến xe mới lớn gấp 3 bến cũ cách đó 20 km tại quận Bình Thạnh. Đây cũng là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.
Sau nhiều lần trễ hẹn, bến xe hoạt động giai đoạn một hôm 10/10 với 22 tuyến cố định cự ly 1.100 km từ Quảng Trị ra các tỉnh phía Bắc. Bến khai thác góp phần giảm kẹt xe khu trung tâm thành phố, đặc biệt là khu vực bến cũ đang quá tải. Công trình cùng với tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên dự kiến hoạt động cuối năm sau góp phần phát triển TP Thủ Đức.
Dự án hầm chui An Sương ở quận 12 và huyện Hóc Môn, tổng đầu tư 514 tỷ đồng hoàn thành hôm 19/9, đưa toàn bộ nút giao ở cửa ngõ Tây Bắc TP HCM vào khai thác. Công trình khởi công năm 2017, là giai đoạn hai của dự án nút giao An Sương – nơi kết nối các trục huyết mạch: quốc lộ 1, quốc lộ 22 và đường Trường Chinh.
Hạng mục chính của dự án là 2 hầm chui xây song song, mỗi hầm rộng 9 m cho hai làn ôtô; làm thêm các nhánh rẽ, đảo tròn trung tâm vòng xoay, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… Sau khi dự án hầm chui hoàn thành, nút giao An Sương có 3 tầng (hầm chui, mặt đất và cầu vượt) giúp tăng năng lực vận chuyển khách và hàng hóa, tạo thuận lợi kết nối giữa TP HCM và Tây Ninh.
Dự án mở rộng đường Tô Ký trên đoạn dài 2,4 km từ giao lộ Tô Ký – Đặng Thúc Vịnh đến ngã ba Bầu (huyện Hóc Môn) hoàn thành hồi đầu tháng 10, giúp giảm ngập, ùn tắc ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố. Khởi công 3 năm trước, dự án có tổng kinh phí hơn 421 tỷ đồng gồm cả xây lắp và giải phóng mặt bằng.
Công trình mở rộng mặt đường từ 7-8 m lên 25 m cho 4 làn xe. Hai bên vỉa hè xây dựng hệ thống thoát nước cùng đường cống băng ngang đường, kết hợp cửa xả và nạo vét rạch Hóc Môn; bổ sung cây xanh, hệ thống chiếu sáng. Dự án này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, nhất là kinh nghiệm giải phóng mặt bằng do phần lớn dự án giao thông đều bị khó khăn.
Gia Minh/VNE