5 điểm mới của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ
Đấu giá biển số xe, cấm trẻ dưới 12 tuổi ngồi ghế trước ôtô, trừ điểm bằng lái… là những nội dung mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Công an cho rằng bộ luật này có hai lĩnh vực chính với mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau gồm: Đảm bảo an ninh, hành vi con người và bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông.
Do vậy, cơ quan này đã đề xuất tách Luật giao thông đường bộ 2008 thành 2 bộ luật tương ứng. Đồng thời, Bộ Công an cũng nhận nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự luật có nhiều nội dung mới, xoay quanh việc quản lý hành vi của người tham gia giao thông.
Chuyển quản lý đào tạo, sát hạch phép lái xe sang Bộ Công an Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu rõ: Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tổ chức thực hiện quản lý đào tạo, sát hạch; cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Hiện nay, nội dung này do Bộ GTVT quản lý và thực hiện.
Trước một số ý kiến cho rằng việc chuyển quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe sang Bộ Công an là “vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự”, Phó Cục trưởng Cục CSGT đại tá Đỗ Thanh Bình lý giải đối với những nhiệm vụ liên quan đến quản lý kinh tế – kỹ thuật đơn thuần thì việc chuyển giao sang cơ quan dân sự thực hiện là phù hợp, còn đối với các nhiệm vụ liên quan đến quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự thì phải do Bộ Công an quản lý.
Cục CSGT phân tích việc sát hạch, cấp bằng lái là quản lý hành vi của người lái xe, quyết định đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Hơn 10 năm qua, tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ làm chết hơn 100.000 người, hàng trăm nghìn người bị thương tật suốt đời, trong đó lỗi của người điều khiển phương tiện chiếm trên 90% tổng số nguyên nhân các vụ tai nạn.
“Do vậy, không có việc vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự như một số ý kiến nêu ra, mà quan trọng là chúng ta thay đổi để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và vì mục tiêu chung, vì lợi ích của người dân và đất nước”, vị lãnh đạo Cục CSGT thông tin.
Chương trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe của Bộ Công an cho phép người học lái xe được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật; được đào tạo các kỹ năng phòng ngừa tai nạn, sơ cứu ban đầu, văn hóa ứng xử khi lái xe…
Trừ điểm bằng lái Theo Bộ Công an, đây là biện pháp quản lý hành chính Nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm tương ứng với 12 tháng. Đây là mức điểm được lấy theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng cách làm này.
Bộ Công an sẽ không thể hiện trực tiếp số điểm trên bằng lái mà mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm.
Mức điểm trừ sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Khi quy định này được thực thi, chỉ với các lỗi nghiêm trọng tài xế mới bị tước bằng, còn lại sẽ trừ điểm vào bằng lái.
Nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi 12 điểm cho năm kế tiếp. Khi bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe sau ít nhất 6 tháng.
Cục CSGT (Bộ Công an), nhận định đây là phương án quản lý văn minh, có tác động nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của tài xế.
Đấu giá biển số xe Xuất phát từ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì kho số do Bộ Công an đang sử dụng để đăng ký xe là tài sản công. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phép cấp biển số thông qua hình thức đấu giá.
Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ quy định tổ chức đấu giá biển số xe theo hình thức đấu giá trực tuyến và ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản độc lập.
Dự kiến chia kho số thành năm nhóm để đấu giá gồm: Biển có năm chữ số giống nhau, bốn chữ số cuối giống nhau, ba chữ số giống nhau, biển có số sau lớn hơn số trước và biển do người dân tự chọn ngoài bốn nhóm trên.
Người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất, đồng thời sẽ có đầy đủ các quyền về tài sản gồm: Quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt. Người chưa có xe vẫn được tham gia đấu giá biển số.
Theo thiếu tá Ngô Lê Tuấn Anh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự Công an quận Ba Đình (Hà Nội), nhu cầu về biển số đẹp của người dân là rất lớn. “Gần như ngày nào cũng có người hỏi chúng tôi về biển số đẹp. Nếu dự thảo được thông qua sẽ đáp ứng nhu cầu của họ, đồng thời đem lại nguồn ngân sách lớn”, vị thiếu tá nói.
Đồng tình với những lợi ích mang lại cho ngân sách Nhà nước, tuy nhiên TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia nêu quan ngại về nội dung người chưa có xe vẫn được tham gia đấu giá biển số.
Ông cho rằng điều này có thể phát sinh tình trạng đầu cơ biển số đẹp. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tính toán kỹ để tránh tình trạng rối loạn khi người dân mua đi bán lại biển số nhiều lần, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Cấm trẻ dưới 12 tuổi ngồi ghế trước ôtô Theo dự thảo, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m được chở trên ôtô không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.
Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ.
Theo tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất này nhằm tránh tình trạng khi có tai nạn, người thể lực thấp, bé khi ngồi ở ghế phụ phía trước có nguy cơ cao đập thẳng đầu vào taplô của ôtô, dẫn đến chấn thương não.
Ngoài ra, đối với các xe có túi khí an toàn, khi có va chạm túi khí sẽ bật ra với lực lớn, nhóm người này sẽ hứng trọn lực tác động vào vùng mặt, đầu. “Đây là quy định có tính khoa học, đã được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên việc thực thi cần đảm bảo nhiều yếu tố đồng bộ”, ông Bình đánh giá.
Tuy nhiên, ông Thân Văn Thanh, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, nhận định đây là đề xuất chưa được định lượng rõ ràng bằng trực quan. Khi đi vào thực thi có thể gây tranh cãi giữa tài xế và cơ quan chức năng bởi đối với các em dưới 12 tuổi không có chứng minh nhân dân, việc chứng minh độ tuổi sẽ phải mang theo giấy khai sinh với kích thước lớn.
Đồng thời lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ cũng cần trang bị thêm các công cụ đo chiều cao các em. Điều này phát sinh nhiều thủ tục máy móc, phiền hà.
11 hạng giấy phép lái xe Dự luật mới quy định giấy phép lái xe gồm 11 hạng thay vì 13 hạng như hiện nay.
Cụ thể, sẽ loại bỏ hạng A4 cấp cho người điều khiển máy kéo có trọng tải dưới 1.000 kg, hạng B1 và B2 sẽ được thay thế bằng hạng B. Đổi tên các hạng: A1, D, E, FB2, FC, FD, FE thành A01, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Theo Cục CSGT, đây là nội dung được nội luật hóa từ các quy định về phân hạng giấy phép lái xe tại Công ước Vienna năm 1968. Từ đó, tạo điều kiện cho việc sử dụng bằng lái xe của Việt Nam ở nước ngoài và bằng lái xe nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là nghĩa vụ của Việt Nam ký kết, gia nhập công ước này.
Việc cấp giấy phép lái xe theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những giấy phép lái xe thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại.
Giấy phép lái xe gồm các thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh trong đó có họ, tên, ngày sinh, số định danh cá nhân, ngày cấp, ngày hết hạn.
Hồng Quang/ZN