+
Aa
-
like
comment

470.000 tỷ đồng cho công cuộc tái thiết bộ mặt của đất nước

Minh Thanh - 02/12/2022 12:14

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba nhiệm vụ quan trọng đã được xác định rõ ràng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Để thực hiện mục tiêu này, trong năm nay, Chính phủ đã dành hơn 470.000 tỷ đồng cho công cuộc tái thiết và phát triển hạ tầng giao thông trên cả nước.

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái 13.000 tỉ

Trước đó, hạ tầng giao thông yếu kém luôn là một trong những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế quốc gia. Không những thế Việt Nam còn là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Những ảnh hưởng nặng nề của công cuộc biến đổi khí hậu đã khiến cho mực nước biển dâng cao, nhiều đô thị ven biển của nước ta thường xuyên bị ngập mặn, gặp nạn khi mưa lớn, triều cường. Thậm chí một số địa phương còn xảy ra tình trạng sạt lở, lún trên diện rộng. Trong khi đó, các hệ thống đê bao và các tuyến kênh thoát lũ ra biển do không được nâng cấp thường xuyên nên sức chống đỡ khá yếu.

Về hạ tầng giao thông và logistic, ĐBSCL tiếp tục là vùng có tỷ lệ đường quốc lộ thấp nhất trong 7 vùng kinh tế. Trong khi trên thực tế thì ĐBSCL chính là một trong những vựa lúa và trái cây lớn nhất cả nước cung cấp hàng nghìn tấn lương thực mỗi năm cho người dân trong nước và xuất khẩu. Không những yếu kém về đường bộ mà cho đến nay, ĐBSCL cũng chưa có một cảng biển quốc tế thực thụ nào. Tổng lượng hàng xuất/nhập khẩu container từ các cảng biển ở ĐBSCL chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cả nước.

Trong khi đó về phía khu vực miền Trung và Bắc Bộ, mặc dù sở hữu quỹ đất rộng lớn nhưng cơ cấu hạ tầng vẫn chưa được chú trọng và phát triển đúng mức. Điển hình như thế mạnh của các tỉnh duyên hải miền Trung vốn là du lịch và đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương tại miền Trung vẫn chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ do sợi dây liên kết về hạ tầng vẫn còn khá mỏng manh. Mặt khác, tại khu vực miền núi phía Bắc theo các chuyên gia do nơi đây có địa hình hiểm trở, dân số không đồng đều, nên việc đầu tư phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn cũng như chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của một trong những vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

Để giải quyết bài toán khó khăn về phát triển hạ tầng trên cả nước, trong năm vừa qua, Chính phủ đã tích cực đẩy mạnh công cuộc tái thiết và xây dựng hạ tầng nhằm kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với nhau. Theo như Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thì số tiền được Chính phủ dùng để đầu tư cho hạ tầng trong năm 2022 đã lên đến hơn 470.000 nghìn tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm trước. Tính đến thời điểm tháng 8/2022, đã có 54 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay, 22 dự án đã được phê duyệt dự án, 32 dự án còn lại, các chủ đầu tư đã lập kế hoạch và có văn bản cam kết tiến độ trình thẩm định, phê duyệt dự án.

Trong đó các dự án quan trọng như tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4 đi liên tỉnh được kỳ vọng sẽ giúp kết nối các đô thị vệ tinh, các đô thị của các tỉnh trong vùng đông tây nam bắc của TP.HCM như kết nối TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương – Long An, một tuyến giao thông mà tất cả các phương tiện giao thông muốn đi và đến TP.HCM đều có thể đi qua đường này. Trong khi đó, tại miền Bắc, việc xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32 được đánh giá là công trình hạ tầng quan trọng đang được triển khai và đẩy mạnh để giúp kết nối phía Bắc và Nam sông Hồng với tổng chiều dài 5,6km.

Vành đai 4: ‘Siêu dự án’ hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian phát triển Thủ đô

Tại khu vực Trung Bộ, Chính phủ tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống đường cao tốc với dự án cao tốc Bắc Nam. Dự án này sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ là sợi dây liên kết chặt chẽ khu vực miền Trung cùng với hai miền Nam Bắc.

Ngoài ra, một dự án hạ tầng quan trọng khác cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ mang về rất nhiều lợi ích cho người dân miền Trung chính là Tuyến đường ven biển với tổng chiều dài 1.000 km. Tuyến đường này đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010 vả vẫn đang được đẩy mạnh việc thi công hoàn thiện. Sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ là con đường quan trọng giúp mang đến sự thuận lợi cho hạ tầng giao thông cũng như giúp cho các địa phương khai thác thế mạnh về biển của mình. Từ đó góp phần thu hút thêm nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Trong năm 2023, Chính phủ cam kết vẫn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển hạ tầng giao thông quốc gia. Bởi đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ giúp phát triển kinh tế các vùng mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước trong con mắt của bạn bè quốc tế.

Minh Thanh 

Bài mới
Đọc nhiều