45 năm giải phóng miền Nam: Ngã tư Bảy Hiền, ngã tư lịch sử
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, quân và dân khu vực Bảy Hiền đã ủng hộ nhiều nhân lực, vật lực cho cách mạng.
45 năm đã trôi qua, nhưng không khí và hình ảnh những ngày gần kề chiến thắng 30/4/1975 lịch sử vẫn còn đậm nét trong tâm trí nhiều cựu chiến binh và người dân từng sống, chiến đấu ở khu vực Ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TPHCM.
Quân và dân Bảy Hiền không hề nao núng
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, quân và dân khu vực Bảy Hiền đã ủng hộ nhiều nhân lực, vật lực cho cách mạng; chủ động nổi dậy giành chính quyền vào sáng sớm ngày 30/4, dẫn đường cho bộ đội chủ lực của Quân đoàn 3 từ Tây Ninh xuống Sài Gòn, vào sân bay Tân Sơn Nhất và nội thành, giành thắng lợi cuối cùng.
Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, mặc dù chịu nhiều tổn thất, nhưng quân và dân Bảy Hiền không hề nao núng. Các cơ sở cách mạng được gầy dựng, cán bộ tuyên huấn, biệt động và nhiều lực lượng khác tiếp tục về đây nằm vùng, tổ chức người dân chuẩn bị cơ sở vật chất cho giai đoạn tiếp theo.
Đầu năm 1975, chiến trường miền Nam có nhiều thay đổi, Ban Tuyên huấn khu ủy Sài Gòn- Gia Định chỉ đạo bộ phận vũ trang tuyên truyền nhanh chóng lên kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vận động quần chúng nổi dậy giành chính quyền khi thời cơ đến.
Ông Nguyễn Hồng Giáo (thường gọi là Bảy Giáo) thời kỳ đó là Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền vùng Bảy Hiền, nhớ lại: Rút kinh nghiệm từ những trận trước, ông và anh em tuyên huấn vạch kế hoạch chuẩn bị vũ khí, tài chính, thuốc men, thực phẩm cũng như cơ sở nuôi giấu cán bộ, cơ sở tiếp nhận thương binh cùng với một tổ in ấn tài liệu, phục vụ cách mạng.
Để có thêm vũ khí, ngoài 7 khẩu súng được cấp, Đội vũ trang tuyên truyền vùng Bảy Hiền đã tổ chức vận động các gia đình có con em làm lính dù trong Sư đoàn dù của quân đội Việt Nam cộng hòa lấy trộm súng hoặc trà trộn làm tự vệ cho địch để được cấp súng.
Theo kế hoạch, cán bộ về vùng Bảy Hiền sẽ được nuôi giấu trong nhà chùa- nơi địch khó thâm nhập, phát hiện. Khi chiến sự nổ ra, địa điểm đầu tiên tấn công là ấp Chí Hòa 2 để chiếm 350 khẩu súng của địch; nếu có bộ đội bị thương sẽ đưa về trường học đã được chuẩn bị như một trạm xá…
Bên cạnh việc xây dựng lực lượng chiến đấu, Đội vũ trang tuyên truyền vùng Bảy Hiền còn mua vải rồi cắt sẵn, đem đến nhiều gia đình trong khu để may cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam. Ông Bảy Giáo cho biết: trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, người dân Bảy Hiền đã tự nguyện ủng hộ cách mạng trị giá tương đương 1.800 lượng vàng ròng.
“Chuẩn bị vào chiến dịch đủ thực lực để hoạt động. Phương châm là chính trị- quân sự- binh vận, mà bộ phận tài chính quan trọng ngang bằng các bộ phận khác. Chúng tôi vận động nhân dân ở đây ủng hộ. Trên chiến khu về đây nhận tiền thoải mái. Nhân dân ở đây đóng góp sức người sức của, đầy đủ hết, cho nên tài chính ủng hộ chiến trường lúc bấy giờ rất phong phú”- ông Bảy Giáo nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Mai thường gọi là “cô Năm Mai” 16 tuổi đã tham gia cách mạng ở Quảng Nam. Năm 22 tuổi, bà được người thân ở khu Bảy Hiền đưa từ Quảng Nam vào Sài Gòn, rồi tham gia lực lượng biệt động đóng ở Củ Chi, phụ trách địa bàn Bảy Hiền. Ba lần bị địch bắt vào các năm 1965, 1969, 1971, cứ ra khỏi tù bà lại về Bảy Hiền sống và chiến đấu.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bà Năm Mai bám trụ khu Bảy Hiền làm nhiệm vụ vận động quần chúng ủng hộ lực lượng chiến đấu, tải thương binh và làm công việc hậu cần. Bà kể, khu Bảy Hiền này, nhà nhà làm cách mạng, người người là chiến sỹ. Bà cứ về đến Bảy Hiền là vào bất cứ nhà nào, như người trong nhà. Và để qua mắt địch, nhà nào làm thợ hồ thì bà cùng làm thợ hồ, nhà nào buôn gánh bán bưng thì bà cũng buôn gánh bán bưng, nhà nào làm dệt thì bà làm cùng… Còn người dân ở đây, ủng hộ cách mạng bất cứ thứ gì họ có, thậm chí trút cả nắm gạo cuối cùng để nuôi cán bộ.
“Hồi đó tôi không có nhà cửa gì hết, đi thoát ly một mình. Vào đây người dân cơ sở che chở hết cho mình, như về nhà, không sợ đói khát gì cả. Dân lúc đó cũng nghèo đói thôi nhưng tất cả dành cho bộ đội. Có những mẹ già còn 2-3 lon gạo trong lu cũng trút hết ra nấu cơm cho bộ đội. Các mẹ nói, ở đây đói một bữa cũng không sao, phải nấu cho bộ đội ăn để có sức mà chiến đấu”- bà Năm Mai kể.
Phá thế “thòng lọng” rất ít tổn thất
Khu vực Bảy Hiền lúc đó được ví như cái dây “thòng lọng” ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Xung quanh khu Ngã tư Bảy Hiền có trại Hoàng Hoa Thám của Sư đoàn dù tinh nhuệ; một đồn lính bảo an; đài ra-đa quan sát phi trường Tân Sơn Nhất; bót cảnh sát Lê Văn Duyệt và Đồn lính Đại Hàn án ngữ ngay ngã tư. Cạnh đồn lính Đại Hàn còn có Đại đội cảnh sát dã chiến và 1 tiểu đoàn nhảy dù đóng chốt. Vào sâu một chút là Đồn lính địa phương quân Bàu Cát và hệ thống chính quyền của ấp Chí Hòa 2, với ấp trưởng và hai ấp phó cùng hàng trăm nhân lực được trang bị vũ khí cá nhân, ngày đêm tuần tiễu…
Lực lượng cách mạng tại chỗ được giao nhiệm vụ chủ động nổi dậy, phá vòng vây của địch để dẫn đường cho bộ đội. Đúng 5h sáng ngày 30/4, quân và dân Bảy Hiền tấn công vào ấp Chí Hòa 2, chiếm trụ sở ấp, treo cờ Mặt trận Giải phóng, tịch thu 350 khẩu súng. Một tiếng rưỡi sau, toàn khu Bảy Hiền đồng loạt nổi dậy, lực lượng vũ trang tuyên truyền và nhân dân tự vũ trang kéo ra các tuyến đường chính, dùng hỏa lực trấn áp bọn lính đang co cụm, phá vỡ “cái thòng lọng” tại cửa ngõ Tây Bắc thành phố.
9h ngày 30/4, xe tăng và bộ đội chủ lực của Quân đoàn 3 tiến thẳng vào Ngã tư Bảy Hiền, lên khu vực Lăng Cha Cả, đập tan sự chống cự yếu ớt của Sư đoàn dù, đánh vào phi trường Tân Sơn Nhất. Ông Bảy Giáo- nguyên Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền vùng Bảy Hiền cho rằng: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần “một lòng một dạ” đi theo cách mạng của người dân Bảy Hiền, nên trận chiến quyết định giải phóng khu vực này ít đổ máu và mọi cơ sở vật chất dường như còn nguyên vẹn.
Ông Bảy Giáo cho biết: “Trên chỉ đạo cho chúng tôi là khi bộ đội tăng về họ không biết đường, các anh phải chuẩn bị hướng dẫn các cánh quân đi vô. Bà con ở đây ngưng dệt hết trơn, tất cả tập trung cho chiến trường, chuẩn bị giải phóng. Đến 30/4 thì chúng tôi chủ động giành quyền làm chủ Bảy Hiền trước giờ bộ đội vào giải phóng Sài Gòn. Khi cánh Quân đoàn 3 về, tôi dẫn anh em xuống Lăng Cha Cả, đánh ra phía sau Sư đoàn dù, lấy Sư đoàn dù làm căn cứ giải phóng Tân Sơn Nhất”.
Suốt những năm chiến tranh, Bảy Hiền là “vùng lõm chính trị”, là “căn cứ cách mạng”. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một vùng nằm ngay giữa vòng vây của đồn bót giặc, một vùng bị địch coi là “hang ổ cộng sản” và bị vây ráp ngặt nghèo mà lại là nơi thuận lợi để các lực lượng cách mạng nội thành ém quân? Câu trả lời chỉ có thể là: Lòng dân Bảy Hiền dành hết cho cách mạng! Nhiều người cũng tự hỏi: Vì sao công tác chuẩn bị và giải phóng khu vực Bảy Hiền vào ngày 30/4/1975 thuận lợi, ít đổ máu? Câu trả lời cũng vẫn là hai chữ: “Lòng dân”.
Minh Hạnh/VOV