4 yếu tố quyết định khả năng chung sống với Covid-19
Cả ba chuyên gia từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định dù tiêm chủng là chìa khóa thoát khỏi đại dịch Covid-19, vẫn cần có chiến lược y tế để ứng phó dịch trong dài hạn.
Trả lời phỏng vấn của PV, Phó giáo sư Alex Cook – Phó hiệu trưởng (nghiên cứu) Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc NUS – nói dù tiêm chủng là cách an toàn nhất để thoát khỏi đại dịch Covid-19, các nước cần có một kế hoạch chủng ngừa hợp lý cho nhóm người có nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người có khả năng lây nhiễm cao) trước khi tính đến chuyện mở cửa lại.
Đây cũng là điều mà Giáo sư Teo Yik-Ying – Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc NUS – nhấn mạnh.
“Các quốc gia cần nỗ lực để đảm bảo nguồn cung vaccine Covid-19 đáng tin cậy và bền vững trong tương lai”, ông Teo đề cập đến thách thức mà nhiều quốc gia cần phải giải quyết, ngay cả khi đã chủng ngừa đủ cho người dân.
Bên cạnh đó, ông Teo cho rằng vaccine phải đạt đủ 4 tiêu chí mới có thể an tâm chung sống cùng Covid-19 được.
Phó giáo sư Jeremy Lim – Giám đốc Y tế toàn cầu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc NUS – nói với Zing rằng vaccine thôi là chưa đủ để bắt đầu một cuộc sống bình thường mới, hệ thống y tế cùng chính phủ mỗi quốc gia cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện kế hoạch này.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi chưa thể tiêm chủng đủ cho toàn bộ dân số, các biện pháp chống dịch truyền thống – như truy vết, khoanh vùng, cách ly – vẫn là phương án lý tưởng để kiểm soát dịch bệnh.
“Phải tiêm chủng cho người cao tuổi xong mới được mở cửa”
– Các quốc gia cần làm gì để học cách chung sống với Covid-19?
– Phó giáo sư Alex Cook: Có hai cách để thoát khỏi một đại dịch.
Cách một là tiêu diệt hoàn toàn virus corona. Nhưng cánh cửa đó đã đóng lại bởi ngay từ lúc đại dịch bắt đầu, các quốc gia tại châu Âu và châu Mỹ đã không hành động đủ khiến cho dịch bệnh lan rộng.
Cách thứ hai là tạo miễn dịch cộng đồng, lây nhiễm tự nhiên hoặc thông qua tiêm chủng. Bởi vì lây nhiễm tự nhiên có thể dẫn đến số ca tử vong tăng vọt, tiêm chủng vẫn là cách an toàn nhất để thoát khỏi đại dịch.
Chiến lược tiêm chủng hàng loạt, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao, rất quan trọng để có thể bắt đầu gỡ bỏ dần dần các biện pháp chống dịch, bước vào cuộc sống bình thường mới.
– Giáo sư Teo Yik-Ying: Có một vài yếu tố quyết định liệu thế giới có thể sống lâu dài với Covid-19 hay không.
Thứ nhất, liệu có thể có một loại vaccine an toàn và hiệu quả cho toàn dân ở mỗi quốc gia hay không.
Thứ hai, liệu dữ liệu về tác động của các loại vaccine có chính xác với các giả định được nhiều nhà khoa học đưa ra hay không: tiêm chủng làm giảm nguy cơ nhập viện, không xuất hiện nhiều triệu chứng nghiêm trọng và để lại ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài sau khi mắc bệnh.
Thứ ba, liệu vaccine có tiếp tục chống lại các biến thể hiện tại và trong tương lai hay không.
Cuối cùng, liệu vaccine có thể tạo ra phản ứng miễn dịch kéo dài hay không.
Có thể thấy, mọi yếu tố về cơ bản đều phụ thuộc vào vaccine. Do đó, điều quan trọng nhất là các quốc gia cần nỗ lực để đảm bảo nguồn cung vaccine Covid-19 đáng tin cậy và bền vững.
– Những yếu tố nào cần được xem xét trước khi mở cửa biên giới và quyết định cùng tồn tại với Covid-19?
– Phó giáo sư Alex Cook: Đối với tôi, trước khi quyết định cần tiêm chủng đầy đủ cho nhóm người cao tuổi. Họ là những người có nguy cơ gặp các triệu chứng nặng và tử vong cao nếu như mắc bệnh.
Các quốc gia có thể chấp nhận tỷ lệ mắc bệnh ở người trẻ tuổi cao hơn một chút, bởi ít nhất các thành viên có nguy cơ cao trong gia đình như bố mẹ và ông bà đã được bảo vệ.
Vì vậy, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc (mà quyết định mở cửa trở lại) là một sai lầm. Các quốc gia cần phải hiểu rõ còn bao nhiêu người nằm trong nhóm nguy cơ cao vẫn đang gặp nguy hiểm.
Tuy hầu hết quốc gia ưu tiên cho nhóm người nguy cơ cao, một số quốc gia lại đang có sự lựa chọn khác.
Chẳng hạn như Indonesia ưu tiên người trong độ tuổi lao động, còn Thái Lan – với hy vọng mở cửa lại ngành du lịch Phuket – đã tiêm cho người dân bản địa sớm hơn những khu vực khác.
Mặc dù tôi nhìn thấy lợi ích kinh tế của điều này, những quyết định như vậy cho thấy một số người có nguy cơ thấp được tiêm trước đối tượng nguy cơ cao. Điều này có vẻ hơi mang thiên hướng không công bằng và mang tính thiên vị.
Không nhất thiết phải không ghi nhận trường hợp mắc mới nào mới quyết định mở cửa. Một khi Covid-19 thành một căn bệnh đặc hiệu, các quốc gia vẫn sẽ chứng kiến một vài đợt bùng phát.
– Giáo sư Teo Yik-Ying: Điều quan trọng là phải đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể đối phó với bất kỳ sự gia tăng số ca nhiễm nào trước khi quyết định mở cửa lại biên giới, bởi số người nhập cảnh sẽ mang theo mầm bệnh vào trong quốc gia đó.
Nếu tỷ lệ tiêm chủng đã khá cao, và loại vaccine được Việt Nam sử dụng không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi những biến thể có khả năng lây lan nhanh như biến thể Delta, thì điều tiếp theo cần chú ý chính là số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19.
Điều này liên quan chặt chẽ đến yếu tố thứ hai mà tôi đã đề cập: liệu dữ liệu về tác động của các loại vaccine có chính xác với các giả định được nhiều nhà khoa học đưa ra hay không.
Về thời điểm mở cửa, tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người có nguy cơ cao cũng sẽ quyết định phần nhiều.
Nếu hầu hết người trong nhóm nguy cơ cao được tiêm chủng, thì ngay cả khi tỷ lệ chủng ngừa ở nhóm nguy cơ thấp thấp hơn nhiều, Việt Nam vẫn sẽ có đủ khả năng để nới lỏng các biện pháp phòng dịch một cách tự tin.
Việc áp dụng trên toàn quốc hay áp dụng theo tỉnh thành/khu vực phụ thuộc vào quy định di chuyển giữa các nơi. Nếu người dân được phép tự do đi lại giữa các tỉnh, vùng miền thì nên áp dụng trên toàn quốc.
Biến thể Delta buộc chúng ta tiếp tục cách ly, truy vết – Khi tình hình dịch đã có sự thay đổi, chủng mới lan rộng, số ca nhiễm tăng hơn trước rất nhiều, liệu các biện pháp chống dịch Covid-19 truyền thống (như cách ly ca bệnh và những người tiếp xúc gần, truy vết diện rộng, cách ly khu vực bùng dịch từ 14 đến 21 ngày, hay phong tỏa) có còn phù hợp?
– Phó giáo sư Alex Cook: Theo tôi, những biện pháp này vẫn rất cần thiết. Tiến trình tiêm chủng Singapore hiện được triển khai khá tốt, vậy nên nếu không có những biến thể mới đáng lo ngại, có thể loại bỏ một số biện pháp trên.
Tuy nhiên, biến thể Delta (lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ) đang dần thống trị các ca nhiễm tại Singapore, điều đó đồng nghĩa nước này cần tiếp tục duy trì các biện pháp đó lâu hơn nữa.
Trong trường hợp của Việt Nam, chương trình tiêm chủng vẫn đang trên đà được triển khai.
Ngoài ra, từ trước đến giờ Việt Nam đã kiểm soát rất tốt các ổ dịch trong cộng đồng, nên trong cộng đồng chưa hình thành khả năng miễn dịch.
Vì vậy, cho đến khi tỷ lệ người dân được tiêm chủng tăng, duy trì các biện pháp trên là điều quan trọng nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
– Giáo sư Teo Yik-Ying: Các biện pháp chống dịch Covid-19 truyền thống chắc chắn vẫn còn phù hợp. Đây chính là các biện pháp mà cả Singapore và Việt Nam đều đã và đang thực hiện, và nó đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình hình.
Tuy nhiên, các biện pháp này cũng đi kèm tác động về kinh tế đáng kể. Đây là lý do tại sao cần phải loại bỏ hoàn toàn Covid-19 trên toàn cầu hoặc tìm kiếm giải pháp cho phép các quốc gia trở lại trạng thái bình thường trước Covid-19 trong khi giảm thiểu tối đa tác động đến sức khỏe. Và tiêm chủng chính là chìa khóa.
– Trong tương lai gần, sống chung với Covid-19 có phải là phương án khả thi khi các biến thể mới liên tục xuất hiện, đe dọa nhiều quốc gia đang thực hiện kế hoạch này?
– Phó giáo sư Alex Cook: Thế giới không còn cách nào khác. Nếu như tất cả quốc gia phối hợp từ tháng 2/2020, mọi chuyện đã khác. Giờ đã quá muộn để thay đổi.
– Giáo sư Teo Yik-Ying: Những gì chúng ta có thể làm bây giờ là tiếp tục giám sát, tiếp tục chia sẻ dữ liệu xuyên quốc gia nhằm theo dõi sự xuất hiện của các biến thể mới, cũng như tác động của biến thể này tới những người đã được tiêm chủng.
Nếu vaccine hiện tại có hiệu quả, kế hoạch sống chung với Covid-19 sẽ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nếu như vaccine kém hiệu quả, có thể cần tìm ra loại vaccine tăng cường nhằm đối phó với biến thể mới – giống như cách chúng ta đang làm với bệnh cúm.
– Nhìn từ quy mô dân số và điều kiện của Việt Nam, Việt Nam có thể học hỏi gì từ kế hoạch chung sống bình thường với Covid-19 của Singapore, cũng như các biện pháp chống dịch mới mà Singapore đang áp dụng?
– Phó giáo sư Alex Cook: Tôi chắc chắn sẽ có những điểm mà Việt Nam có thể học hỏi từ Singapore, dù tôi chưa rõ đó là gì.
Trace Together và Safe Entry đã được sử dụng một thời gian ở Singapore và phục vụ hiệu quả cho quá trình truy vết. Đây là lựa chọn chi phí thấp bởi hầu hết đều đã có điện thoại thông minh.
Tôi tin chắc Govtech – bộ phận của chính phủ Singapore phát triển công nghệ này – sẵn sàng chia sẻ thông tin này với Việt Nam.
(TraceTogether là hệ thống kỹ thuật số triển khai nhằm truy tìm vết những người tiếp xúc gần với ca dương tính với Covid-19; SafeEntry Gateway là hệ thống ghi lại thời điểm cá nhân ra vào tại địa điểm nhất định thông qua việc quét mã QR trên điện thoại thông minh – PV).
Ngoài ra, cách ly tại nhà cũng là một sự thay đổi lớn đối với Singapore. Điều này trở nên cần thiết khi hầu hết ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ do tỷ lệ tiêm chủng cao và nếu trường hợp mắc bệnh tăng nhanh.
Tôi không hiểu tại sao Việt Nam vẫn chưa áp dụng cách ly ca bệnh tại nhà hoặc sử dụng công nghệ truy vết điện tử. Tuy nhiên, liệu điều này có phải là công cụ mang lại giá trị cho chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch hay không thì chưa rõ.
Ngoài ra, ở Singapore còn có một nghiên cứu thú vị là thuốc xịt họng Povidone Iodine giá rẻ có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
– Giáo sư Teo Yik-Ying: Với một quốc gia đa dạng về địa lý và lớn hơn nhiều so với Singapore, tôi nghĩ rằng để Việt Nam triển khai những biện pháp của Singapore là không đơn giản.
Ví dụ, với việc áp dụng công nghệ truy vết, có rất nhiều người di chuyển liên tục giữa các thành phố và khu vực nông thôn, nên nếu chỉ áp dụng tại các thành phố lớn hay chỉ một bộ phận dân số nhỏ, phương pháp này sẽ không hiệu quả.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Singapore – dựa trên các bằng chứng khoa học, về vaccine cũng như dịch tễ của các biến thể mới, để xác định các quyết sách – là điều mà tôi tin Việt Nam cũng sẽ áp dụng.
Vaccine thôi là chưa đủ
“Không phải tôi đang muốn tầm thường hóa việc tiêm chủng”, Phó giáo sư Jeremy Lim nói.
Theo ông, tiêm chủng trên diện rộng rất khó để thực hiện. Tình trạng do dự khi tiêm vaccine là một vấn đề không dễ gì giải quyết. Chính phủ và các quan chức y tế cần chủ động xây dựng lòng tin, đồng thời thể hiện sự tự tin với công dân của mình.
Thông tin sai lệch cần được xác minh nhanh chóng ngay từ khi còn “trong trứng nước”. Mọi quốc gia cần phải có đội ngũ bác sĩ đáng tin cậy, gây dựng lòng tin trong công chúng, xoa dịu nỗi sợ hãi và lo ngại của họ bằng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu.
Ngoài những điều này, điều quan trọng là năng lực của hệ thống y tế. Covid-19 chắc chắn là căn bệnh đáng để quan tâm, nhưng điều quan trọng không kém là đảm bảo bệnh viện không bị quá tải bệnh nhân, và có đủ phòng chăm sóc đặc biệt cho tất cả người bệnh.
Nhiều bệnh nhân khác sẽ tử vong vì một hệ thống y tế quá tải hơn là bệnh nhân tử vong vì Covid-19.
Nếu hệ thống y tế bị sụp đổ, giường bệnh chật kín các bệnh nhân Covid-19, y bác sĩ bận rộn điều trị cho các ca bệnh Covid-19, thì những người mắc các căn bệnh có thể “thoát khỏi lưỡi hái tử thần” như đau tim, đột quỵ hay ung thư sẽ qua đời, trong khi đáng lẽ họ có thể đã được cứu sống.
Phương Linh