+
Aa
-
like
comment

4 điều cần hiểu rõ về phiên tòa xét xử vụ án hình sự tại xã Đồng Tâm

Minh Khuê - 14/09/2020 14:50

Vào 15h00 ngày hôm nay 14/9/2020, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án đối với 29 bị cáo trong vụ án ‘Giết người’ và ‘Chống người thi hành công vụ’ xảy ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020. Tội ác của các đối tượng đã được làm rõ, Viện kiểm sát Nhân dân Tp. Hà Nội cũng đã đề nghị các tội danh thích đáng cho các bị cáo. Thế nhưng, vẫn có những luận điệu từ các phần tử chống đối muốn bóp méo sự thật về phiên tòa. Ban biên tập Cánh Cò xin được phép làm rõ bốn điều tối quan trọng về tính chất của phiên tòa.

Các bị cáo nói lời sau cùng, bày tỏ ân hận, xin lỗi gia đình bị hại và mong được hưởng lượng khoan hồng.

1. Đây là phiên tòa hình sự

Trước tiên, và quan trọng hơn hết, bản chất của phiên tòa hoàn toàn là một phiên tòa hình sự, được triệu tập để xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra vào ngày 9/1/2020, với mục đích là xác định đúng người, đúng tội danh với 29 bị can trực tiếp tham gia gây án. Hiện nay, các đối tượng chống đối không ngừng tìm cách “chính trị hóa” phiên tòa, dẫn dắt dư luận vào vòng xoáy vụ việc lấn chiếm đất quốc phòng vốn đã xảy ra nhiều năm nay, với động cơ không gì khác ngoài lấp liếm, che đậy cho hành vi “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” của các bị can.

2. Phiên tòa chỉ xét xử hành vi vi phạm pháp luật xảy ra vào ngày 9/1/2020 tại xã Đồng Tâm

Cần hiểu rõ phiên tòa sơ thẩm bắt đầu từ ngày 7/9/2020 được triệu tập hoàn toàn để xét xử vụ việc xảy ra vào ngày 9/1, khi các đối tượng thuộc “Tổ đồng thuận” ra tay tấn công, sát hại các chiến sĩ cảnh sát. Vì thế, phiên tòa không có nghĩa vụ xử lý các vi phạm lấn chiếm đất quốc phòng xảy ra tại xã Đồng Tâm, mà nếu xét căn nguyên của vụ việc, đều bắt nguồn từ những sai phạm của ông Lê Đình Kình khi còn làm Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm trong những năm 1970-1980. Đây cũng là lý do chủ tọa từ chối kiến nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội (hiện đang bị tạm giam vì một vụ án khác), bởi một lẽ dễ hiểu: Ông Nguyễn Đức Chung, tuy có một số vai trò trong vụ án “Bắt giữ người trái pháp luật” vào năm 2017, hoàn toàn không liên quan đến vụ “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 9/1/2020. Vì thế, ông Nguyễn Đức Chung không có vai trò hay nghĩa vụ gì trong phiên tòa sơ thẩm ngày 7/9. Tương tự, chủ tọa cũng từ chối kiến nghị triệu tập đại diện Bộ Quốc phòng của các luật sư.

3. Sự hy sinh của ba chiến sĩ cảnh sát là có thật

Điểm thứ ba cần làm rõ về phiên tòa, đó là sự hy sinh của ba chiến sĩ cảnh sát, nạn nhân của vụ án ‘Giết người’ và ‘Chống người thi hành công vụ’, theo cáo trạng của VKSND TP. Hà Nội. Có mặt tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7/9, không chỉ có sự hiện diện hội đồng xét xử, các lực lượng chức năng và các bị can của vụ án, mà còn có sự tham dự của người cha, người mẹ, người vợ và con cái của các chiến sĩ đã hy sinh, đó là đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; trung úy Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an và thượng úy Phạm Công Huy, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn – cứu hộ khu vực 3, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an TP.Hà Nội. Chỉ riêng sự hiện diện của họ tại phiên tòa cũng đã đủ đập tan luận điệu của những kẻ dối trá cho rằng ‘không có người chết ngoài ông Kình’ trong vụ án ngày 9/1. Danh tính của những liệt sỹ đã được thông tin rộng rãi cho người dân khắp cả nước, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất, được Thủ tướng cấp bằng “Tổ quốc ghi công”, khẳng định sự hy sinh của họ vì an ninh tổ quốc. Vậy mà, những kẻ vì muốn che đậy bản chất man rợ của những kẻ ‘Giết người’ trong vụ án, lại sẵn sàng bôi nhọ cả người chết để phục vụ cho mục đích bẩn thỉu của mình.

4. Phiên tòa đảm bảo đầy đủ các quy trình tố tụng hình sự

Và cuối cùng, xét trên quá trình của toàn bộ vụ việc, phiên tòa sơ thẩm ngày 7/9, trên vai trò một tòa án hình sự, đã đảm bảo các quy trình tố tụng, tuân thủ đúng Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Được xét xử công khai, dưới sự chứng kiến của toàn thể người dân, báo chí và truyền thông, cũng như những cá nhân có liên quan đến vụ việc. Từ thời điểm bắt đầu phiên tòa, đến phiên xét hỏi, tranh luận, cho đến ngày hôm nay, khi hội đồng xét xử đưa ra bản án thích đang cho các bị can, toàn bộ quá trình đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân Việt Nam hiểu rằng, không có bất kỳ tội ác nào được phép đứng trên pháp luật, không một cá nhân, tổ chức nào có thể tước đi sinh mạng của bất kỳ một ai mà không chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Bất chấp sự thật không thể chối cãi về tội ác của các bị can, các đối tượng, phần tử đến nay vẫn không ngừng những luận điệu xuyên tạc sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam. Và ngày hôm nay, cho dù bản án dành cho các bị cáo có như  thế nào, chắc chắn những phần tử chống đối sẽ một lần nữa tìm cách xuyên tạc bản án sơ thẩm của tòa án. Nhưng với những tội ác đã được chính các đối tượng cúi đầu thừa nhận, với những bằng chứng rành rành về hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các bị can, bản án thích đáng từ phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự tại xã Đồng Tâm sẽ thể hiện sự tối thượng của luật pháp, bất chấp mọi thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo sự thật của những kẻ bôi nhọ cả những người đã khuất.

T.H.

Bài mới
Đọc nhiều