39 người mất để lại “di sản” gì cho đời?
Chúng ta không thể sống lâu đến hàng trăm tuổi, cái chết ai rồi cũng sẽ đi qua, quan trọng là chúng ta đã để lại di sản gì sau khi ra đi.
Một em bé bệnh ung thư khi mất đi, để lại tất cả những món quà, thú nhồi bông và khoảng tiền mạnh thường quân ủng hộ em chưa sử dụng và không có cơ hội sử dụng cho những người bạn cùng hoàn cảnh, đã lay động trái tim của rất nhiều người. Từ đó mà rất nhiều tấm lòng được mở ra, muốn sẻ chia với bệnh nhân mắc căn bệnh oái ăm ấy. Nghĩa cử đẹp, ấm tình người từ đó mà lan tỏa, mỗi hành động đẹp góp phần điểm tô sắc hương cho cuộc sống.
Cuộc đời nếu chỉ có sự mất mát đau thương thì khổ đau thêm dài. Liều thuốc giúp nỗi khổ chìm lắng chính là lan tỏa sự cho đi. Cứ vài tháng, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia lại kể một câu chuyện về hiến tạng cứu người. Thương, cảm phục vô cùng những người hiến tạng của người thân mình – những người đã chết não, để đem lại sự sống cho người khác. Khi bản thân đối diện với nhiều mất mát, đau thương, người ta nghĩ nhiều hơn đến cái cho, cho tất cả những gì có thể, mà không cần nhận lại bất kỳ điều gì cho riêng mình. Nỗi đau xoa dịu bằng những yêu thương, bằng lòng tử tế – đó chính là giá trị chân, thiện, mỹ. Điều tưởng chừng nhỏ nhoi này, không phải ai cũng có, ai cũng đủ dũng cảm để cho. Dù câu nói “cho đi là còn mãi” được nhắc đến nhiều trong đời sống.
Những ngày gần đây, thông tin về 39 người mất thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Sự ra đi của 39 người trong chuyến xe định mệnh ấy là nỗi đau, nhìn dưới góc độ nào thì cũng xót xa và là bài học đắt giá, cũng là sự cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh có ý định cho con đi lao động “chui” ở nước ngoài, bằng những đường dây bất hợp pháp.
Đưa thi thể về là nguyện vọng của rất nhiều gia đình, đó là điều dễ hiểu, dễ thông cảm. Muốn nhìn mặt con lần cuối, để thỏa nỗi nhớ, để nói với con “lời xin lỗi”, vì để con chọn con đường ly hương, đến xứ người tìm kiếm tương lai – nhưng không biết tương lai mù mịt, xám xịt như thế này. Ly biệt nào mà không xót xa. Từ “giá như” không tồn tại trên cuộc đời này, chứ nếu có thì cái giá cũng sẽ có người mua! Những nỗi khổ từ 39 gia đình làm cho nhiều người sinh lòng trắc ẩn – vì cùng là phận người với nhau.
Nhiều quan điểm khác nhau bày tỏ xung quanh việc gia đình muốn nhận thi hài thay vì tro cốt. Bởi số tiền cho hai lựa chọn có sự khác nhau rất nhiều. Để nhận được thi hài, điều hiển nhiên phải bỏ ra số tiền lớn. Trong khi đó, nếu như chọn phương cách đưa tro cốt về quê hương thì khoảng tiền tiết kiệm có thể làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn. Thực tế cho thấy, ai rồi cũng phải về với cát bụi. Nên hiện nay có nhiều người lựa chọn cách hỏa thêu khi người thân mình qua đời là vậy. Số tiền tiết kiệm từ phúng điếu, dư trong quá trình mai táng được dùng làm từ thiện, phúc lợi xã hội, để giúp ích cho người thực sự cần đến.
Chết không phải là hết, mà đằng sau đó còn có biết bao điều để lại cho cuộc đời. Muốn lưu lại điều gì, quyết định phần lớn nằm trong tay của mỗi người…
Bạn đọc Tường Vi