389 chưa có báo cáo, Asanzo công bố kết luận khống vượt mặt Hải quan, QLTT và VCCI
Tại họp báo 17/9, Chủ tịch ASANZO Phạm Văn Tam khẳng định công ty “được minh oan” với các văn bản xác minh của Hải Quan, Quản lý thị trường, VCCI. Tuy nhiên, Ban 389 được Thủ tướng giao báo cáo thì vẫn chưa có báo cáo.
Chủ đề cuộc họp báo Asanzo được minh oan, để chứng minh cho luận điểm của mình, Asanzo đưa ra 3 văn bản kiểm tra của Tổng cục quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan, ý kiến của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Văn Tam cho biết cuộc khủng hoảng trong 89 ngày vừa qua đã khiến công ty này thiệt hại 1.000 tỷ đồng, chưa kể khoản tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng công ty này sẽ phải bỏ ra thời gian tới để khôi phục lại hoạt động.
Tại báo cáo gửi Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng Cục quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.
Ngày 5/9, Tổng cục Hải quan cũng có văn bản gửi Asanzo sau khi nhận được văn bản kêu cứu của công ty này.
Tổng cục Hải quan cho biết đã tiến hành tiến hành kiểm tra sau thông quan tại một số công ty có liên quan.
Đối với Công ty CP Tập đoàn Asanzo, Tổng cục Hải quan cho biết Cục kiểm tra sau thông quan đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15/8/2019.
Theo kết luận này, Cục kiểm tra sau thông quan cho biết: Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, số liệu thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hóa tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu và 26 tờ khai hải quan nhập khẩu.
Tại văn bản ngày 4/9 của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo vụ việc liên quan đến công ty Asanzo do Chủ tịch Vũ Tiến Lộc ký, VCCI cho rằng: Đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi cũng được gửi đến lãnh đạo Asanzo liên quan đến kết luận của Tổng cục Hải quan về kiểm tra, xác minh tại Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo và một số công ty có liên quan. Theo đó, đã xác định có 14 công ty bị nghi ngờ “bỏ trốn”. Số công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh là 4. Số lượng công ty ngừng hoạt động là 7. Số lượng công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh là 1. Hiện có 32 công ty đang hoạt động.
Trả lời câu hỏi này, đại diện Asanzo cho biết: Chúng tôi khẳng định 14 công ty này chúng tôi không có mối quan hệ sở hữu, điều khiển, ngoại trừ các giao dịch mua bán hàng hóa. 14 công ty này cũng không phải chỉ cung cấp hàng cho Asanzo mà còn cho một số công ty khác. Đây là các công ty có quan hệ mua bán hàng hóa với chúng tôi, các công ty này phải tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Báo chí tiếp tục đặt câu hỏi về vụ việc Công ty Sa Huỳnh bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) khởi tố vì hành vi buôn lậu, đại diện Asanzo cho hay: “Khi vụ việc công ty này xảy ra, tôi có gọi cho bộ phận pháp chế và mua bán kinh doanh lục lại hồ sơ, các hợp đồng mua bán xem có đặt hàng từ Sa Huỳnh không thì câu trả lời là không.
Đặc biệt, nhiều câu hỏi được đặt ra vì sao cơ quan ban ngành chưa công bố kết luận cuối cùng, Asanzo lại tổ chức họp báo, ông Trần Đức Hoàng, luật sư đại diện cho Asanzo khẳng định bản thân ông Phạm Văn Tam rất nóng ruột để được tiếp xúc kết luận của Bộ Tài chính và các cơ quan khác. Chủ tịch công ty ba lần đích thân đến Bộ Tài chính xếp hàng như một công dân xin gặp cơ quan Nhà nước để được tiếp cận và giải trình.
“Hiện tại, chúng tôi thấy rằng các cơ quan Nhà nước chưa ban hành kết luận nào nói Asanzo vi phạm. Có thể cơ quan Nhà nước sẽ công bố sau, nhưng anh Tam muốn công bố sớm để quay trở lại sản xuất, kinh doanh…”, ông Hoàng nói.
Sau khi Asanzo tổ chức buổi họp báo, Lãnh đạo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 quốc gia) cho biết hiện vẫn chưa có báo cáo cuối cùng về vụ việc này.
Đại diện Ban 389 Quốc gia cho rằng: Hiện nay đơn vị chưa nhận được báo cáo nào liên quan đến kết luận về vụ Asanzo. Vụ Asanzo là các cơ quan chức năng làm, phía Văn phòng 389 Quốc gia là cơ quan đôn đốc việc thực hiện. Khi các cơ quan chức năng làm xong thì sẽ có báo cáo gửi về đơn vị. Lúc đó sẽ công khai mọi thứ.
(Theo Hà Duy/Vietnamnet)