+
Aa
-
like
comment

37 mâu thuẫn trong luật khiến DN “đứng hình”: Thủ tướng chỉ đạo, các bộ “làm ngơ”

31/12/2019 08:33

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cách đây hơn 1 năm, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã gửi báo cáo tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chỉ rõ 37 vấn đề vướng mắc, chồng chéo, những nội dung quy định không cụ thể, không rõ ràng xuất hiện trong quá trình thực hiện nhiều Luật. Thủ tướng sau đó đã chỉ đạo các Bộ tiếp thu ý kiến của Tổ Tư vấn, song dường như không có ai nghiên cứu, tiếp thu.

37 mau thuan trong luat khien dn "dung hinh": thu tuong chi dao, cac bo "lam ngo" hinh anh 1
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2019 sắp kết thúc, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tương đối cao và ổn định. Cùng với đó, xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam có sự cải thiện khá rõ nét so với trước. Song những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng dường như đang chậm lại và tồn tại không ít vấn đề, đòi hỏi sự cải cách thực tế và mang tính thị trường hơn nữa.

Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, Góc nhìn Chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Sự chồng chéo gia tăng, tinh thần cải cách của địa phương giảm xuống

Thưa ông, dù năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam năm 2019 đã tăng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế Giới (WEF), song dường như tốc độ cải cách của chúng ta vẫn chậm hơn so với các quốc gia khác?

Thông tin Việt Nam tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là thông tin thứ cấp. Bản thân chúng ta cần biết: “Việt Nam tăng 3,5 điểm và 10 bậc trên bảng xếp hạng này vì lý do gì?”

Trong số 12 trụ cột được đánh giá, những trụ cột giúp Việt Nam tăng điểm, nâng hạng chủ yếu mang tính chất đổi mới sáng tạo. Còn bản thân nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, phát triển. Những trụ cột phù hợp với nền kinh tế Việt Nam hiện tại hầu như không được cải thiện, thậm chí giảm nhẹ về thứ bậc là hạ tầng, thể chế và phát triển các loại thị trường. Đặc biệt, ở trụ cột thể chế, chúng ta dù có sự cải thiện nhưng rất ít và vị thế của Việt Nam vẫn rất thấp.

Cùng với đó, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) dù có tăng điểm, nhưng lại giảm 1 bậc. Điều này cho thấy Việt Nam đã có những cải cách, nhưng các quốc gia khác thậm chí còn cải cách nhanh hơn Việt Nam.

Chính phủ và bản thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ này, đã đặt trong tâm lớn vào cải thiện môi trường kinh doanh.

Mấy năm vừa qua, chủ yếu chúng ta tháo gỡ, giảm rào cản, giảm chi phí gia nhập thị trường thông qua hoạt động cắt giảm, đơn giản hoá ĐKKD. Theo thống kê, Chính phủ đã đơn giản hoá, cắt giảm hàng nghìn ĐKKD. Từ đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong nước.

Tiếp đó, chúng ta đã tiến hành thuận lợi hoá thương mại, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là điều quan trọng đối với Việt Nam khi nền kinh tế có độ mở cao.

Ngoài ra, cũng phải ghi nhận sự cải thiện về tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng. Đây là những điều chúng ta đã làm được.

Tuy nhiên, ở mảng đầu tư. Việc thay đổi, cải cách những thủ tục, giấy tờ, điều kiện đầu tư để tạo ra nhiều tài sản cố định hơn, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế gần như vẫn đứng im.

Bản thân mảng đầu tư đang vướng rất nhiều Luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Nhà ở và ở mức độ nào đó có liên quan tới Luật Quy hoạch, Luật Quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… Trong những Luật vừa nêu, tồn tại rất nhiều quy định không cụ thể, có sự chồng chéo, mâu thuẫn và khác biệt.

Sự chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật đã tồn tại từ lâu, vì sao tới nay vẫn chưa thể giải quyết, thưa ông?

Từ năm 2003, chúng tôi đã nhận ra những mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật. Cùng với VCCI, chúng tôi bắt đầu khảo sát, rồi tiến hành cải cách ở cấp địa phương trong giai đoạn 2003 – 2009. Thời đó, các địa phương rất hăng hái thực hiện cải cách vì cần thu hút đầu tư để phát triển. Thế nhưng càng về sau, sự chồng chéo lại càng tăng và tinh thần cải cách, sáng tạo của các địa phương thì giảm đi.

Trên thực tế, nếu phân tích từng Luật đơn lẻ, rất khó để phát hiện vấn đề. Nhưng đối với doanh nghiệp, khi thực hiện một hoạt động cụ thể, họ sẽ phải tuân thủ gần như tất cả các Luật vừa nêu. Lúc này, sự chồng chéo, mâu thuẫn và khác biệt khiến doanh nghiệp tuân thủ được Luật này thì sai Luật khác.

37 mau thuan trong luat khien dn "dung hinh": thu tuong chi dao, cac bo "lam ngo" hinh anh 3
“Mấy năm vừa qua, tôi chứng kiến cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước đều tỏ ra lúng túng. Khi cơ quan quản lý nhà nước bị vướng, không biết quyết định ra sao, họ sẽ dừng tại đó. Và đã có nhiều trường hợp vướng mắc không thể giải quyết được. Những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn”, TS Nguyễn Đình Cung.

Cách đây hơn 1 năm, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã gửi báo cáo tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, chúng tôi chỉ rõ 37 vấn đề vướng mắc, chồng chéo, những nội dung quy định không cụ thể, không rõ ràng xuất hiện trong quá trình thực hiện những Luật nêu trên với đầy đủ giả thiết. Thủ tướng sau đó đã chỉ đạo các Bộ tiếp thu ý kiến của Tổ Tư vấn, song dường như không có ai nghiên cứu, tiếp thu.

Khi thời gian của nhiệm kỳ này chỉ còn hơn 1 năm, bản thân các địa phương đã nhận thấy nhiều vướng mắc liên quan tới doanh nghiệp và chính quyền địa phương khi ra quyết định. Tất cả khiến họ không biết tuân thủ ra sao.

Rồi họ quyết định báo cáo và xin ý kiến của các Bộ, nhưng các Bộ cũng không có ý kiến trả lời cụ thể, chỉ nhận được phản hồi chung chung là “thực hiện theo quy định pháp luật”.

Bản thân chính quyền địa phương thực hiện theo quy định pháp luật đã vướng, giờ lại hướng dẫn như vậy thì họ làm sao có thể giải quyết vướng mắc được?

Trong khi đó, nền kinh tế vẫn rất cần đầu tư những dự án lớn, có đủ khả năng tạo ra tài sản cố định và năng lực sản xuất. Các địa phương cũng vậy. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại những vước mắc.

Quá trình rà soát của VCCI sau đó đã phát hiện, trên thực tế, đúng là tồn tại những vướng mắc như vậy. Từ đây, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ nhằm rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời kiến nghị sửa đổi các quy định, ĐKKD theo hướng một Luật sửa nhiều Luật.

Trước đó, sau những báo cáo dựa trên thực tiễn khoa học được gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bản thân Thủ tướng đã nhận thấy vấn đề và có công văn gửi về các Bộ, nhưng họ chẳng làm gì.

“Lợi ích lớn, quản lý lại cục bộ thì rất khó cải cách”

Liệu công việc này vượt quá năng lực và quyền hạn của Bộ Tư pháp không?

Chỉ đạo của Thủ tướng đã có cách đây 2-3 tuần. Với một tinh thần như vậy, lẽ ra phải có một vài tổ/nhóm với đầy đủ thành viên và bắt đầu triển khai hoạt động rồi. Nhưng thực tế tới nay tôi cũng chưa nhận được bất kỳ thông tin nào.

Dù đây được đánh giá là một bước tiến, nhưng cá nhân tôi lo rằng việc này vượt quá năng lực, thẩm quyền, nguồn lực của Bộ Tư pháp. Dù hi vọng thực tế không phải như vậy.

Theo kinh nghiệp của tôi, với một khối lượng công việc lớn, lại mang tính chất liên ngành, chúng ta để một Bộ chủ trì thì không ổn. Để từng Bộ soạn thảo, sửa đổi các quy định gây khó cho doanh nghiệp như hiện nay cũng không giải quyết được vấn đề. Bởi mỗi Bộ sẽ chỉ nhìn nhận vấn đề dựa trên góc nhìn của họ về quản lý nhà nước. Tiếp đó, lĩnh vực đất đai, đầu tư, môi trường… rất phức tạp và quyền lợi rất lớn. Lợi ích lớn, quản lý lại cục bộ thì rất khó cải cách.

Ngoài ra, sự phức tạp còn nằm ở chỗ nó gắn với phân bổ nguồn lực theo cơ chế xin–cho, nên việc sửa đổi các quy định, ĐKKD đang cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được dự báo sẽ rất khó khăn. Nhắc tới cơ chế xin–cho là phải nhắc tới quyền và lợi. Ở đó, rất khó để nói việc này giao cho người này là hợp lý, hay bãi đỏ quy định kia là phù hợp… Do đó, rất khó để có một thoả hiệp nếu như không có một chỉ đạo mang tính chất hành chính, áp đặt rằng: “Anh phải cải cách, phải thay đổi”.

Vậy nên, công việc này cần trực tiếp Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng đứng ra chủ trì, điều phối hoạt động chung.

Ông có thể chia sẻ đề xuất của mình về mô hình tổ công tác đặc nhiệm, phụ trách sửa đổi đồng bộ các Luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Tôi đã kiến nghị phải lập một tổ công tác hay nhóm đặc nhiệm, thực hiện công việc chuyên trách trong thời gian từ 3 – 6 tháng. Thành viên trong nhóm chủ yếu là chuyên gia độc lập và đại diện cộng đồng doanh nghiệp. Họ là những người am hiểu về ngành, lĩnh vực mình phụ trách và có tư tưởng cải cách theo thị trường.

Đồng thời, thành viên tham gia tổ công tác cũng cần thấm nhuần chủ trương, chỉ đạo của Đảng, đó là: “Phải tạo ra thị trường nhân tố sản xuất, trong đó, có thị trường quyền sử dụng đất. Để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Nguồn lực của nhà nước phải được phân bổ theo nguyên tắc thị trường”.

Về phía Bộ liên quan, phụ trách quản lý chuyên ngành sẽ đóng vai trò phản biện trong quá trình xây dựng chính sách, gỡ bỏ rào cảnh kinh doanh.

Bình thường, các Bộ, ngành sẽ là đơn vị xây dựng chính sách, rồi công bố lấy ý kiến rộng rãi. Đồng thời, tiếp nhận phản biện từ phía các chuyên gia. Nay vai trò đó sẽ được thay đổi ngược lại.

Cuối cùng, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng, Chính phủ sẽ giao Bộ Tư pháp hoặc một Bộ khác thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật. Như vậy mới có thể kỳ vọng quá trình cải cách kinh tế Việt Nam có bước đột phá mới.

Hiện nay, vùng chúng ta ít cải cách nhất, cũng là vì vướng nhiều vấn đề nhất là thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… liên quan tới hoạt động đầu tư nhằm tạo ra tài sản. Đây thực tế là hoạt động tạo ra cơ hội đầu tư, kinh doanh lớn để huy động, hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế.

Nếu kinh tế Việt Nam muốn bứt phá thông qua thúc đẩy hoạt động đầu tư tư nhân trong nước và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chắc chắn phải tiến hành cải cách trong những lĩnh vực nêu trên.

Trước yêu cầu cải cách mang tính chất liên Bộ, liên ngành, chúng ta phải thực hiện theo cách khác biệt mới có thành công. Nếu thực hiện theo cách cũ là giao cho các Bộ làm, chắc chắn sẽ không thành công.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Dân Việt)

Bài mới
Đọc nhiều