+
Aa
-
like
comment

34 căn hộ trái phép đã hợp thức hóa sai phạm thế nào?

13/09/2019 07:46

Bất kể do người vi phạm thiếu hiểu biết hay vì sự giám sát chậm trễ của cơ quan chức năng, 34 căn hộ trái phép cũng phải bị tháo dỡ. 

Trao đổi với PV ngày 12-9, luật sư Trần Hậu, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Đây là quy định mang tính quy phạm mệnh lệnh, không có nội dung loại trừ áp dụng dù với nguyên do gì, kể cả vì người vi phạm thiếu hiểu biết hay sự giám sát chậm trễ của các cơ quan chức năng. Trường hợp người vi phạm không tự giác chấp hành, các cơ quan nhà nước phải tự lên phương án tháo dỡ”.

Xây trái phép rồi ngang nhiên cho thuê

Ngày 12-9, chúng tôi có mặt tại dãy 34 căn hộ trên đường Lê Quang Định (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Theo ghi nhận, cả 34 căn hộ này đều đã có người dọn vào ở từ cách đây vài tháng. Mỗi căn có chiều rộng khoảng 3 m, cao hai tầng, gồm phòng ngủ, bếp, phòng khách và đều có thiết kế giống nhau.

Thông tin từ kết luận thanh tra do ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, ký cho thấy chủ nhân 34 căn hộ nói trên là bà Nguyễn Thanh Huyền (ngụ tổ 30, phường Hòa Xuân). Tháng 8-2018, bà Huyền được UBND quận Cẩm Lệ cấp năm giấy phép xây dựng (GPXD) năm căn nhà ở riêng lẻ tại các thửa đất được đánh số từ 27 đến 35 trên đường Lê Quang Định.

Sau một thời gian chủ đất xây dựng, ngành chức năng quận Cẩm Lệ đi thanh tra thì phát hiện bà Huyền đã thay đổi hoàn toàn việc xây dựng so với giấy phép được cấp. Cụ thể, từ năm căn nhà riêng lẻ bà đã xây thành 34 căn hộ hai tầng. Trong đó, một căn hộ để ở và 33 căn hộ cho thuê.

Trao đổi với một khách thuê căn nhà có mặt tiền quay ra đường Lê Quang Định, chúng tôi được biết người này thuê nhà của bà Huyền với giá 3 triệu đồng/tháng. Những căn hộ khác nằm ở phía trong, đối mặt nhau, được chủ nhà cho thuê giá 2,2-2,5 triệu đồng/tháng. Theo hướng dẫn của người thuê nhà, chúng tôi tìm đến căn hộ nơi chủ nhà sống nhưng được biết ông bà chủ đang ở TP.HCM. Liên lạc theo số điện thoại được cho là của chủ nhà thì người này cho biết mình không phải là bà Huyền.

Trong kết luận thanh tra, chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho hay sẽ không áp dụng biện pháp buộc phải tháo dỡ các công trình vi phạm trên. Lý do là “Việc xảy ra hành vi vi phạm có nguyên nhân khách quan từ việc chưa hiểu rõ các quy định pháp luật của bà Huyền. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan từ việc thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chấp hành các quy định về GPXD và hạn chế thiếu sót trong đánh giá, xác định đúng các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức được phân công. Từ đó dẫn đến không kịp thời phát hiện để hướng dẫn công dân thực hiện đúng quy định”.

Cùng ngày, khi chúng tôi đề nghị trao đổi về vụ việc thì ông Lê Văn Sơn cho biết “đang bận họp”. Ông Phạm Đăng Khoa, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng HĐND và UBND quận Cẩm Lệ, cho hay PV phải liên hệ với người phụ trách báo chí của quận Cẩm Lệ để nắm thông tin. Người được cho là phụ trách báo chí của quận này lại đề nghị chúng tôi trực tiếp nêu vấn đề cần hỏi để chuyển lãnh đạo quận trả lời.

34 căn hộ trái phép phải bị tháo dỡ - ảnh 1
34 căn hộ được hô biến từ năm giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.  

Không thể có ngoại lệ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay lãnh đạo TP đã giao UBND quận Cẩm Lệ kiểm tra, báo cáo lại vụ việc. Theo phân cấp quản lý, vụ việc này thuộc thẩm quyền xử lý của chủ tịch UBND quận. Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cũng cho biết sẽ kiểm tra lại và thông tin cho báo chí sau.

Theo luật sư Trần Hậu, căn cứ kết luận thanh tra của UBND quận Cẩm Lệ đã thấy khá rõ các sai phạm của bà Huyền khi xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình không đúng diện tích, chiều cao, kết cấu, công năng sử dụng khác GPXD đã được cấp. Hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú của bà Huyền đang thực hiện cũng chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện để được kinh doanh theo quy định pháp luật.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 139/2017 và Điều 4 Thông tư 03/2018/TT-BXD, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung GPXD ngoài bị xử phạt 10-20 triệu đồng còn đồng thời buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

“Nếu đã có quy định xử lý rõ ràng nhưng lại không áp dụng sẽ vô tình dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật. Người xây dựng sẽ cố tình sai phạm, rồi khi bị phát hiện lại tìm cách hợp thức hóa, luồn lách để công trình được tồn tại. Nếu chỉ phạt tiền thì mức phạt ấy quá nhẹ so với sai phạm đã thực hiện” – ông Hậu nhận định.

Cùng cho rằng hướng xử lý của UBND quận Cẩm Lệ là không đúng quy định pháp luật, luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, khẳng định pháp luật ban hành là để mọi người nghiêm chỉnh tuân thủ.

Cũng theo luật sư này, nếu nương nhẹ vụ việc sẽ có tác dụng ngược, tạo tiền lệ xấu và gây nên những phản ứng tiêu cực, mất đi tính nghiêm minh của pháp luật. “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền thì phải làm những gì mà pháp luật buộc họ làm, không thể du di trong bất cứ trường hợp nào” – luật sư Cao nhấn mạnh.

Tấn ViệtPháp Luật TP.HCM 

Bài mới
Đọc nhiều