+
Aa
-
like
comment

Phí bôi trơn, văn hóa xấu cần phải tiêu diệt tận gốc

Đinh Lực - 06/12/2019 18:56

Ngày 3.12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức đã diễn ra Hội nghị khu vực lần thứ 10 sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tại phiên họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – khẳng định: Thúc đẩy kinh doanh liêm chính cần có sự nỗ lực đồng bộ, xóa bỏ văn hóa lệ làng và “văn hóa bôi trơn”.

Theo đó, Hội nghị gồm các sự kiện chính như cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, mạng lưới liêm chính công, cuộc họp về Ban điều hành sáng kiến lần thứ 23 và phiên họp cấp cao của Hội nghị khu vực lần thứ 10.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức đã diễn ra Hội nghị khu vực lần thứ 10

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng: Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng luôn được coi là xương sống cho tăng trưởng kinh tế và là động lực cho sự phát triển xã hội, tạo nền tảng quan trọng để nhà nước cung cấp các dịch vụ công cơ bản đến với người dân. Nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thông qua các dự án có quy mô lớn ngày càng tăng vọt trong những năm gần đây cũng kéo theo đó nguy cơ tham nhũng lớn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là một thách thức lớn mà nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt.

Theo ông Liêm, cuộc họp đầu tiên trong khuôn khổ Sáng kiến về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh là cơ hội quý báu để các bên liên quan cùng chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp về thực trạng tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng. Nguyên nhân, những nỗ lực tuân thủ, những khó khăn, thách thức và những bài học kinh nghiệm thực tiễn tốt. Để từ đó tìm ra những giải pháp đồng bộ và toàn diện để tăng cường tính liêm chính trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và trong hoạt động kinh doanh nói chung. Hội nghị cũng là cơ hội góp phần củng cố, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa các quốc gia thành viên, vùng lãnh thổ của Sáng kiến.

Cần có một cái nhìn khách quan và sâu sắc về vấn đề phí, chi phí và hoa hồng trong nền kinh tế thị trường. Giới hạn giữa những cái được phép và không được phép rất mong manh, chỉ cần quá đà chúng ta sẽ mắc sai lầm.

Đã có nhiều bài báo phản ảnh về vấn đề này, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà văn hóa, giáo dục…, hối lộ cũng diễn ra. Hành vi “hối lộ” không chỉ xuất hiện ở xã hội hiện đại mà có từ khi con người bỏ lối sống bầy đàn chuyển sang giai đoạn sản xuất kinh tế độc lập. Ở mỗi thời kỳ nó tồn tại dưới một hình thái riêng nhưng giống nhau về bản chất.

Phải đến sau năm 90, việc đưa và nhận “phong bì” mới trở nên phổ biến. Và tư đó đến nay ôi thôi, cái sự đưa và nhận “phong bì” đã đến mức liên tục phát triển từ lâu rồi và nếu có nhắc lại thì khối người rên lên: Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi! Nhiều người lý sự: Làm thế cho gọn nhẹ. Còn cứ bày vẽ ra các trò “nâng lên đặt xuống” vừa om xòm, vừa nhiêu khê, vừa tốn thời gian.

Phí bôi trơn là nỗi sợ cho cả doanh nghiêp và người dân

“Văn hóa phong bì” nếu xét về bản chất thì chính là “nền văn hóa bôi trơn”. “Mà cái gì muốn vận hành ngon lành lại không cần đến bôi trơn, hử ông?” – Một anh bạn tôi ngao ngán “đúc kết”. Xem ra ít nhiều không phải không có lý!.

Về mặt pháp luật, hành vi hối lộ, tham nhũng là hành vi sai trái, gây mất công bằng trong xã hội, làm chậm quá trình tăng trưởng và phát triển chung của đất nước. Đây là một trong những chướng ngại trên bước đường phát triển của bất cứ quốc gia nào. Các nước châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức… đều có những bộ luật chặt chẽ và nghiêm khắc đối với hành vi hối lộ. Thiết nghĩ điều này là cần thiết và đúng đắn.

Trong những năm gần đây, nước ta cũng rất chú trọng vấn đề này. Nhiều đường dây đưa hối lộ và nhận hối lộ đã bị đưa ra ánh sáng và nhận sự trừng trị thích đáng của pháp luật. Đây là tấm gương cho những ai muốn đi ngang về tắt, đạt được mục đích bằng những hành vi sai trái… Tuy nhiên chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa phí, chi phí và hoa hồng, đâu là tham nhũng và đâu là bước đệm trong quy luật của kinh doanh.

Có nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích lợi nhuận, giành được các hợp đồng béo bở đã bóp méo những định nghĩa về phí, chi phí và hoa hồng, biến chúng thành những khoản tiền hối lộ khổng lồ nhằm cạnh tranh, mua chuộc đối tượng hoặc tổ chức nào đó. Cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới sự thiếu công bằng và bất hợp lý. Chúng ta thử nghĩ xem nếu như một công trình quốc gia được giao vào tay một đơn vị thiếu kinh nghiêm, thiếu năng lực chỉ vì những khoản hối lộ đi đêm thì hậu quả sẽ ra sao?

Vì sự phát triển chung của toàn xã hội và sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, chúng ta cần cạnh tranh bằng chính năng lực của mình, không phải bằng cách đi ngang về tắt. Có như vậy nền kinh tế Việt Nam mới có thể tăng trưởng và phát triển.

Bài mới
Đọc nhiều