+
Aa
-
like
comment

32 năm khiếu nại, phải đến Thủ tướng mới quyết được

15/01/2021 07:57

Thanh tra Chính phủ vào cuộc quyết liệt, nhận định rằng việc giải quyết khiếu nại với ông Lợi suốt 32 năm qua là thiếu trách nhiệm, chưa khách quan…

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành thanh tra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới trường hợp BS Nguyễn Ngọc Lợi: “BS Nguyễn Ngọc Lợi đã khiếu nại hơn 32 năm nay và gần đây được Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng, có cách giải quyết. Chúng ta có những vụ việc kéo dài như vậy, có đáng không?”.

BS Nguyễn Ngọc Lợi cũng có mặt trong hội nghị ấy, ông xúc động vì hành trình 32 năm khiếu nại của ông sắp đến hồi kết nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Thanh tra Chính phủ.

32 năm khiếu nại, phải đến Thủ tướng mới quyết được - ảnh 1
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi kể về câu chuyện của mình. Ảnh: C.LUẬN

Phải nhờ văn phòng Hội đồng Bộ trưởng bảo lãnh

Theo lời kể và các giấy tờ liên quan, ông Lợi nguyên là cán bộ đi B. Sau khi đất nước hòa bình, năm 1976 ông được biên chế vào Ủy ban Thống nhất của Chính phủ. Sau khi đỗ đại học, năm 1977 ông được Ủy ban Thống nhất cử đi học tại Trường ĐH Y Bắc Thái theo quyết định của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực và Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Đặng Thí.

Dù kết quả học tập ở Trường ĐH Y Bắc Thái không tồi nhưng là người thẳng thắn, thuộc “đối tượng đặc biệt” nên ông Lợi không được lòng cán bộ nhà trường lúc ấy. Thậm chí bảng điểm của ông còn bị sửa chữa để cuối cùng ông không được tốt nghiệp, giấy tờ, hồ sơ bị giữ lại và… thất lạc. Cuối cùng, Trường ĐH Y Bắc Thái còn đuổi ông về địa phương.

Năm 1988, sau nhiều năm khiếu nại, Bộ Y tế thanh tra, các cơ quan trung ương xác nhận và Trường ĐH Y Bắc Thái đã phải bảo lưu kết quả tốt nghiệp năm 1983 cho ông, đồng thời bồi thường năm năm tiền lương (từ năm 1983 đến 1988).

Sau đó, ông được lựa chọn làm việc ở Ủy ban Hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia hoặc BV Bưu điện. Hai nơi đồng ý tiếp nhận nhưng ông lại không được trả hồ sơ, giấy tờ nên không thể nhận việc theo chế độ viên chức nhà nước. Vì trước đó Trường ĐH Y Bắc Thái chuyển hồ sơ và điều ông về công tác tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay – PV).

Thậm chí có lúc ông đã xin chuyển vào một bệnh viện ở TP.HCM, được Bộ Y tế đồng ý và bệnh viện đó tiếp nhận nhưng Trường ĐH Y Bắc Thái vẫn không chuyển hồ sơ đầy đủ cho ông.

Vừa làm vừa khiếu nại

Năm 1988, ông chuyển về TP Hà Nội và được cho đi học làm báo, rồi đi học tim mạch ở Viện Tim mạch học Việt Nam. Vì không có giấy tờ, ông phải cần đến sự bảo lãnh của văn phòng Hội đồng Bộ trưởng lúc ấy để đi làm, đi học. Các giáo sư như Trần Đỗ Trinh, Phạm Gia Khải nhận đỡ đầu về chuyên môn cho ông đi học.

Ông vừa đi học vừa viết báo kiếm nhuận bút để sống. Nhiều nơi biết ông không suôn sẻ trong công việc đã giúp đỡ nên cuộc sống đỡ vất vả phần nào.

Nhưng vào năm 1997 ông cưới vợ thì mới phát sinh vấn đề. Vì không có ai xác nhận nhân thân nên ông phải kết hôn chui. Sau đó con ông toàn phải đi học trái tuyến. Con ông thi đại học cũng không có hộ khẩu. Nhưng cũng may có nhiều nơi bảo lãnh, xác nhận nên chuyện học hành của con ông cũng chỉ gặp khó khăn lúc đầu.

Năm 2013, do có mối quan hệ từ thời đi B với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nhất là do cố thủ tướng từng là lãnh đạo Ủy ban Thống nhất của Chính phủ, ông Lợi một lần nữa viết đơn đề nghị gửi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải bút phê vào đơn, chuyển Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Anh Nguyễn Ngọc Lợi, cán bộ Ủy ban Thống nhất của Chính phủ trước đây. Cơ quan đã giải thể nên giải quyết quyền lợi của cán bộ gặp nhiều khó khăn. Đề nghị đồng chí Nguyễn Xuân Phúc có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan cung cấp tài liệu, tư liệu liên quan đến anh Nguyễn Ngọc Lợi để có đủ hồ sơ giải quyết quyền lợi chính đáng cho anh Lợi. Các cơ quan bị giải thể sau 1975 bị thiệt thòi mọi mặt…”.

Cũng chính từ lá đơn có bút phê này nên năm 2014, ông Lợi mới được giải quyết chuyển hộ khẩu về Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Cuối cùng cũng có hy vọng

Từ khi được nhập hộ khẩu TP Hà Nội, ông Lợi tiếp tục hành trình khiếu nại, đòi quyền lợi mà ông tin là chính đáng. Ở bất cứ nơi có thẩm quyền nào, dù là Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, Bộ Y tế hay Bộ GD&ĐT, ông cũng đều được tiếp nhận đơn nhưng sau đó không được giải quyết, thậm chí có nơi còn bác đơn khiếu nại của ông. Tuy thế, niềm tin vào lẽ phải, vào sự công bằng, sự chính trực của Nhà nước không phai trong ông.

Mãi đến tháng 10-2020, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT kiểm tra, rà soát vụ việc ông Lợi khiếu nại thì khi đó những vấn đề mới được làm rõ. Thanh tra Chính phủ đầu tháng 11-2020 đã thành lập tổ kiểm tra, rà soát và chỉ sau khoảng 15 ngày, tổ rà soát đã làm rõ các vấn đề mà ông Lợi khiếu nại.

Đến tháng 12-2020, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo sự việc lên Thủ tướng. Theo đó, việc giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của các trường ĐH Y Bắc Thái, ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên với ông Lợi suốt 32 năm qua là thiếu trách nhiệm, chưa khách quan và chưa chính xác.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng giao các cơ quan liên quan khôi phục, bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ cho ông Lợi để có cơ sở khôi phục các chế độ, hưởng các chính sách theo đúng quy định pháp luật qua các thời kỳ.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm điểm trách nhiệm vì đã để cho một cán bộ đi B sau ngày thống nhất chịu nhiều thiệt thòi.

Trao đổi nhanh với PV ngày 14-1, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho hay kết quả rà soát vụ khiếu nại này đã được Thanh tra Chính phủ hoàn thiện. Khi nào có ý kiến của Thủ tướng thì lúc đó Thanh tra Chính phủ sẽ công khai theo quy định.

Các kiến nghị chính đáng của BS Nguyễn Ngọc Lợi

Quá trình học tập, ông Lợi và Trường ĐH Y Bắc Thái xảy ra một số vấn đề khúc mắc. Ông bị kỷ luật rồi lại được hủy kỷ luật và thời gian tốt nghiệp chậm năm năm.

Năm 1988, Trường ĐH Y Bắc Thái mới công nhận ông tốt nghiệp và năm 1996 mới cấp bằng đại học cho ông.

Năm 1990, Trường ĐH Y Bắc Thái điều động ông về Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú nhưng 20 tháng sau mới chuyển hồ sơ và hồ sơ lại chuyển sai nguyên tắc, không đầy đủ khiến Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú không thể tiếp nhận ông Lợi.

Giai đoạn 1990-2019, ông Lợi không có hồ sơ, tài liệu để chứng minh nhân thân, nghề nghiệp nên không xin được việc làm chính thức, không được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn 1991-2019, ông nhiều lần gửi đơn cho các cơ quan liên quan, lãnh đạo kiến nghị Trường ĐH Y Bắc Thái (nay là Trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên) trả hồ sơ gốc để ông làm chế độ kháng chiến và chế độ hưu. Đồng thời bồi thường tiền lương và đóng bảo hiểm cho ông, điều chỉnh thời gian tốt nghiệp từ năm 1988 thành 1983 theo đúng thực tế. Ông Lợi cũng yêu cầu bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần, chế độ kháng chiến mà ông đã bị mất…

CHÂN LUẬN/PLO

Bài mới
Đọc nhiều