+
Aa
-
like
comment

30 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội

15/03/2021 10:06

Kết thúc thời gian nhận hồ sơ ứng cử, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội tiếp nhận 30 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, thấp hơn lần bầu cử trước.

17h ngày 14/3, việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại trụ sở thường trực Ủy ban Bầu cử các cấp TP Hà Nội (số 18 B, Lê Thánh Tông) đã kết thúc theo quy định.

Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội tiếp nhận 72 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 42 người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu và 30 người tự ứng cử. Số hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội là 188, trong đó 185 người được giới thiệu và 3 người tự ứng cử.

Tại kỳ bầu cử 5 năm trước, Hà Nội có 48 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và 9 người tự ứng cử đại biểu HĐND thành phố.

Trong ngày 10/3 có hàng chục người đến lấy hồ sơ, nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Viết Tuân.
Trong ngày 10/3 có hàng chục người đến lấy hồ sơ, nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Viết Tuân.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hà, 61 tuổi, Viện trưởng Thi đua khen thưởng Việt Nam, trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, đã tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Ông kể ngày 8/3 bắt đầu tìm hiểu cách làm hồ sơ, đối chiếu các tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội. Sáng hôm sau, ông đến trụ sở Ủy ban bầu cử, đề nghị cán bộ hướng dẫn cách viết và nhận hồ sơ về nhà để làm. Chiều 10/3, ông đã hoàn thành tất cả yêu cầu, đến nộp và được cán bộ tiếp nhận.

“Tôi ứng cử đại biểu Quốc hội với mong muốn góp những ý kiến, cơ sở lý luận, cơ sở khoa học để sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước giai đoạn hiện nay”, ông Hà nói và giải thích hiện rất nhiều tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp mong muốn được Nhà nước và chính quyền địa phương ghi nhận những đóng góp, cống hiến cho đất nước, xã hội, cộng đồng, từ đó có thêm động lực xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên Luật Thi đua khen thưởng chưa bao quát được hết các trường hợp này.

Ông Nguyễn Khắc Hà, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đến nộp hồ sơ tại Uỷ ban bầu cử TP chiều 10/3. Ảnh: Võ Hải.
Ông Nguyễn Khắc Hà đến nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội tại Ủy ban bầu cử TP Hà Nội chiều 10/3. Ảnh: Võ Hải.

Theo ông Hà, việc làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội “khá đơn giản và nhanh chóng, cán bộ hướng dẫn rất cụ thể”. Đơn cử, những chữ ông viết tắt, đều được hướng dẫn phải viết rõ ràng. Đối chiếu với các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, ông Hà “có niềm tin sẽ trúng cử”. “Với sự nhiệt huyết của bản thân, tôi mong sẽ được người dân tin tưởng, bầu chọn”, ông Hà bày tỏ.

Tham gia tự ứng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Trà, 48 tuổi, công tác tại trường Mầm non A Thợ Nhuộm, muốn trực tiếp đóng góp xây dựng các chính sách về giáo dục của thành phố. “Nếu trúng cử, tôi rất mong muốn cống hiến một phần nhỏ để xây dựng môi trường giáo dục thủ đô hoàn thiện, hiện đại, đặc biệt là giáo dục mầm non”, bà Trà chia sẻ.

Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng, số người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố. Theo đó, đại biểu Quốc hội được bầu là 29, số lượng người được giới thiệu ứng cử là 59; đại biểu HĐND thành phố được bầu là 95, số lượng người được giới thiệu ứng cử là 190.

Ngày 23/5, cử tri cả nước sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, Hà Nội có 48 người tự ứng cử. Sau kỳ hiệp thương lần thứ 3 chỉ còn hai người được chọn. Một trong hai người sau đó đã trúng cử, trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV, đó là ông Nguyễn Anh Trí (khi trúng cử là Giám đốc Viện Huyết học truyền máu trung ương).

Viết Tuân – Võ Hải

Bài mới
Đọc nhiều