+
Aa
-
like
comment

30 năm nhà giàn DK1: Còn người, còn nhà giàn

06/07/2019 18:33

Giọt nước mắt rơi vì nỗi đau mất người thân, mất đi người đồng đội kề vai sát cánh vẫn chảy dài suốt 30 năm qua nhiều thế hệ.

30 năm nhà giàn DK1: Còn người, còn nhà giàn

Nước mắt người ở lại

20 năm trước, cơn bão lịch sử số 8 có tên quốc tế Fathes bất ngờ đổ bộ vào vùng biển nước ta, sức gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12. Vùng biển thềm lục địa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong tâm bão. Mệnh lệnh từ Sở chỉ huy Lữ đoàn 171 Hải quân: Tất cả nhà giàn DK1 chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với bão tố, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà đổ. Ba chiến sĩ đã mãi nằm lại dưới lòng biển sâu sau cơn bão này.

Ngày hôm qua, gia đình của các chiến sĩ đã hy sinh có dịp gặp gỡ đồng đội của người thân tại Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Tiểu đoàn DK1. Ông Vũ Quang Dương (quê Thái Bình) không tránh khỏi sự xúc động khi có ai đó vô tình nhắc đến tên con trai của mình – liệt sĩ Vũ Quang Chương.

Trong những lời tâm sự của mình về người con trai, ông Dương bảo anh Chương là con trai cả trong gia đình, cũng là người con giỏi giang nhất. Những người con còn lại của ông đều bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nên không được lành lặn. “Sau này nó đi lính, tính về sẽ học ở học viện quân sự, lập gia đình, xây nhà ở Vũng Tàu rồi đưa cha mẹ về sống chung. Nhưng nó chưa kịp thực hiện giấc mơ đã mãi ra đi. Nó ra đi vào năm 1998, khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị sập” – ông Dương nói, không cầm được nước mắt.

Ngày hay tin con trai mất, ông Dương đang làm rẫy trên Đắk Lắk, chỉ kịp nghĩ ra là phải chạy về mở hòm thư của con ra xem. “Trong lá thư cuối cùng, nó bảo là đang công tác ở Vũng Tàu, tôi biết vậy rồi tìm người quen, nhờ họ đưa đến đơn vị con đang công tác. Ở đơn vị suốt tám ngày, không có tin mới về con, tôi đành chấp nhận rằng con đã mất. Lúc tôi trở về, em trai của nó đang điều trị bệnh, hay tin anh thì người bỗng co giật rồi nằm liệt giường từ đó, còn mẹ nó vì quá sốc mà cũng lâm bệnh rồi qua đời” – ông Dương ngậm ngùi.

Đến bây giờ, thi thể của liệt sĩ Vũ Quang Chương vẫn chưa được tìm thấy. “Sau này, mấy anh trong đơn vị có lấy hoa đá san hô ở nơi con mất mang đưa cho. Tôi xem nó như linh hồn của con trai mình, đem đóng vào hộp làm kỷ vật rồi thờ cùng tấm ảnh của nó…” – ông vẫn không thôi khóc.

30 năm nhà giàn DK1: Còn người, còn nhà giàn - ảnh 1
Ông Vũ Quang Dương (phải) nghẹn ngào khi có ai đó nhắc đến con trai mình.
30 năm nhà giàn DK1: Còn người, còn nhà giàn - ảnh 2
30 năm qua, những người lính hải quân thay nhau ra nhà giàn giữ chủ quyền với ý chí, quyết tâm “còn người, còn nhà giàn”.

Ký ức người lính biển

Anh Hoàng Văn Thủy, người lính nhà giàn DK1 từng có mặt khi nhà giàn Phúc Nguyên A2 bị sập trong trận bão, nghẹn ngào: “Hôm ấy, cháu là người nấu cơm cho anh em. Lúc nhận bức điện khẩn, cháu hiểu được nó sẽ xảy ra điều gì. Cháu cùng với anh An, anh Hồng còn gọt ba quả bí xanh nhất buộc vào phao, chúng cháu bảo nhau là mình dự trữ thức ăn, nếu nhà giàn có sập xuống thì mình có cơ hội sống sót. Vậy mà mấy anh đi với cháu không ai sống cả, chỉ mỗi mình cháu…”.

Biết nhà giàn khó lòng trụ vững trước những đợt sóng dữ, song cán bộ, chiến sĩ lúc đó rất bình tĩnh chờ lệnh. Ai cũng chuẩn bị cho cuộc vật lộn với bão tố trong đêm đen và sẵn sàng hy sinh nhưng vẫn rôm rả trò chuyện, thể hiện tinh thần lạc quan. Nhưng phong ba, bão tố đã cuốn đi ba người đồng đội thân thương của các anh.

Trung tá Bùi Văn Bổng, nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn DK 1/9, là một trong những người đầu tiên ra nhà giàn đầu tiên. Suốt 30 năm qua, ông cũng làm việc và gắn bó với nhà giàn. Ông cũng từng cận kề với cái chết khi công tác tại nhà giàn.

Đêm 4 rạng sáng 5-12-1990, cơn bão số 10 tràn qua vùng biển DK1. Lúc đó ông Bổng là trung úy, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/3. Nhà giàn bị nghiêng 15 độ, có nguy cơ đổ. Nhiều người đề nghị mọi người nhảy xuống biển trước khi nhà giàn sập. “Nhưng tôi kiên quyết không rời nhà giàn, chỉ khi nào nhà giàn đổ mọi người mới rời nhà” – Trung tá Bổng nhớ lại.

Thiếu úy Nguyễn Hùng Cường, người vừa nhận nhiệm vụ chính trị viên nhà giàn DK 1/7 từ giữa năm 2018, nghe những chia sẻ của thế hệ đi trước đã rất xúc động. “Thế hệ trẻ của mình sẽ làm tất cả để phát huy truyền thống của cha anh, để xứng đáng với thế hệ đi trước. Đó là sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” – Thiếu úy Cường nói.

“Xin một lần được ra nhà giàn DK1 thắp cho bố nén nhang”

Lúc liệt sĩ Trần Văn Là (Quảng Trị) hy sinh, con gái của anh là Trần Thị Duyên chỉ mới hai tuổi. “Hồi đó ông nội có dẫn cháu đi thắp nhang cho bố. Cháu không nhớ rõ gương mặt bố, cháu còn quá nhỏ để kịp hiểu nỗi đau mất bố như thế nào. Cháu còn hỏi ông nội sao bố cháu lại nằm đây!?…” – Duyên nói với những người đồng đội của cha mình.

“Bây giờ, có dịp được gặp lại các chú là đồng đội của bố cháu, cháu thật sự rất cảm ơn. Và nguyện vọng duy nhất của cháu là xin một lần được ra nhà giàn DK1 để thắp cho bố nén nhang, cho cháu mang về một lọ nước biển nơi bố cháu đã hy sinh. Gần 30 năm rồi nhưng cháu không biết linh hồn bố cháu đi đâu, về đâu nữa, các chú ơi!”…

Tiểu đoàn DK1 nhận huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

Sáng 5-7, tại Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Tiểu đoàn DK1 đã tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm nhân 30 năm ngày thành lập (5-7-1989 – 5-7-2019) và đón nhận huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì do Đảng, Nhà nước tặng thưởng.

Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng hy vọng rằng huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì do Đảng, Nhà nước tặng thưởng sẽ là nguồn động viên để các anh em chiến sĩ ngày càng ý thức được trách nhiệm và công việc của mình, nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)

Bài mới
Đọc nhiều