+
Aa
-
like
comment

3 yếu tố làm nên kỳ tích mang tên Joe Biden

09/11/2020 06:23

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là cả ba yếu tố mà ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã có được trong cuộc đua đầy kịch tính đến Nhà Trắng năm 2020.

3 yếu tố làm nên kỳ tích mang tên Joe Biden
3 yếu tố làm nên kỳ tích mang tên Joe Biden

Bầu cử năm 2020 xảy ra chưa có tiền lệ trong lịch sử Mỹ. Cùng với tính khí khó lường của Tổng thống Donald Trump, tất cả tạo ra cuộc bầu cử đầy kịch tính. Chung cuộc, ứng cử viên Joe Biden, cựu phó tổng thống, chiến thắng. Dưới đây là ba yếu tố mà theo tôi đã góp phần vào chiến thắng đầy ngoạn mục của người đại diện đảng Dân chủ.

1. Thiên thời

 

Dịch COVID-19 bắt đầu vào đầu tháng 2-2020 từ Trung Quốc và lan vào Mỹ giữa tháng 3. Chỉ trong vài tháng, số ca nhiễm tăng lên chóng mặt trên toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Hiện tại, số ca nhiễm virus là 10 triệu, trong đó có 238.000 người tử vong. Rõ ràng, chính phủ Mỹ mà lãnh đạo là ông Trump đã không có các biện pháp ngăn ngừa nhất quán. Chính phủ không nghe lời khuyên của giới khoa học y tế, vì thế các tiểu bang tự tìm cách chống virus, làm nước Mỹ rơi vào khủng hoảng.

Tổng thống Trump vẫn duy trì, thậm chí đẩy mạnh chiến lược vận động lớn ngoài trời, thu hút hàng ngàn người tham gia. Các cuộc mít tinh đỏ rực một góc trời, diễn thuyết sôi nổi, bất chấp đại dịch hoành hành. Ông Trump cho rằng COVID-19 rồi từ từ sẽ biến mất, nó không gây nguy hiểm cho người dân. Tuy nhiên, phần lớn người dân Mỹ rất quan tâm đến vấn đề an ninh sức khỏe và an ninh xã hội. Vậy nên dù thu hút đông người dự diễn thuyết, ông Trump vẫn thất bại.

Trái với ông Trump, ứng viên Biden chủ trương tuân thủ lời khuyên của giới khoa học y tế. Ông yêu cầu mọi người đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội. Ông không tụ họp đông đúc mà chủ yếu vận động trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình nhằm ngăn ngừa virus phát tán. Ông vận động mọi người bỏ phiếu qua bưu điện và kết quả phần đông người Mỹ đứng về phía Biden.

Ngoài đại dịch còn có vấn đề xung đột sắc tộc. Cuối tháng 5-2020, cảnh sát làm chết công dân da màu George Floyd, tạo ra làn sóng phẫn nộ. Ông Trump không có một giải pháp nào xoa dịu làn sóng chống kỳ thị chủng tộc và tạo sự đoàn kết trong một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa.

Với hai sự kiện như từ “trên trời” rơi xuống trong năm 2020, Ông Joe Biden xuất hiện trong công chúng Mỹ với sự điềm đạm và thông cảm, đã tạo sự thu hút mạnh mẽ trong mọi tầng lớp xã hội. Ngoài ra, Tổng thống Trump có hiềm khích với thượng nghị sĩ John McCain (được xem là linh hồn của tiểu bang Arizona), ngay cả khi ông McCain đã qua đời. Vậy là ông Biden thắng dễ dàng tại đây, vốn là đất Cộng hòa – hệ lụy từ “trên trời” rơi xuống mà ông Trump không ngờ tới.

3 yếu tố làm nên kỳ tích mang tên Joe Biden - ảnh 2
Đồ họa: H. QUYÊN

 

3 yếu tố làm nên kỳ tích mang tên Joe Biden - ảnh 3
Cử tri tại Philadelphia, Pennsylvania vui mừng khi ông Biden chiến thắng hôm 7-11. Ảnh: AP

2. Địa lợi

Theo địa chính trị Mỹ, vùng đất Dân chủ là vùng giàu có chiếm 60% GDP cả nước. Với lợi thế này, ứng cử viên đảng Dân chủ luôn có sự ủng hộ dồi dào từ các nhà tỉ phú và người dân. Trong kỳ bầu cử năm 2016, bà Clinton gây quỹ được 1,2 tỉ USD và ông Trump gây quỹ được 650 triệu USD. Kỳ bầu cử năm 2020, ông Biden gây quỹ được 1,51 tỉ USD, còn ông Trump gây quỹ được 1,57 tỉ USD. Nguồn tài chính là một vũ khí quan trọng trong chiến dịch tranh cử.

Vùng đất Dân chủ có dân số chiếm 52% cả nước, dân số Mỹ là 330 triệu người trong năm 2020, trong đó 240 triệu người đủ điều kiện đi bầu (công dân Mỹ trên 18 tuổi). Với lợi thế từ các cử tri trung thành, ứng cử viên đảng Dân chủ luôn có chắc chắn trong tay 254 đến 266 phiếu cử tri đoàn. Họ dễ dàng thắng cử tổng thống nếu bảo vệ thành công những tiểu bang nghiêng về vùng Dân chủ và thắng 1-2 tiểu bang vùng chiến trường.

Mặt khác, ông Biden có lợi thế khi có “đồng minh” là cựu tổng thống Barack Obama. Ông Obama có ảnh hưởng rất lớn đối với giới trẻ và cộng đồng người Mỹ da màu cũng như các cộng đồng sắc dân thiểu số khác. Ông Obama đã giải cứu ngành công nghiệp xe hơi Mỹ tại tiểu bang Michigan trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2010, là tiểu bang nghiêng vùng đất Dân chủ nhưng bị ông Trump bất ngờ đoạt được vào năm 2016 trong tay bà Clinton. Lần này, hai ông Biden và Obama tập trung vận động tại Michigan để giành chiến thắng. Tương tự, Pennsylvania và Wisconsin là hai tiểu bang nghiêng về vùng đất Dân chủ, cũng được ông Biden nắm giữ.

Ông Obama đã im lặng trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống Trump và đến thời khắc quan trọng – bầu cử – ông Obama xuất hiện, công kích trên mọi phương diện. Ông Biden có lợi thế rất lớn từ trợ lực của ông Obama cũng như nguồn lực trong vùng đất Dân chủ.

3. Nhân hòa

Ông Biden là người làm trong Thượng viện Mỹ 35 năm, ông làm việc với lưỡng đảng. Trong chiến thắng lần này, ông Biden nhận được sự ủng hộ của cả một số người phe bảo thủ.

Tờ báo bảo thủ thuộc đảng Cộng hòa, The New Hampshire Union Leader, đã ủng hộ cho ứng cử viên đảng Dân chủ lần đầu tiên trong 100 năm qua. “Joe Biden có lẽ không phải là tổng thống mà chúng tôi muốn, nhưng năm 2020, ông ta là tổng thống mà chúng tôi rất cần. Ông ta sẽ là một tổng thống để mang mọi người đến với nhau và điều hành con tàu của nhà nước” – tờ báo viết.

Ngoài ra, ông Biden được sự ủng hộ của nội bộ đảng Cộng hòa như dự án Lincoln và gần 50 nhân vật cao cấp đương nhiệm và về hưu. Cựu ngoại trưởng Colin Powell tuyên bố bầu cho Joe Biden, nhấn mạnh từng làm việc với ông hơn 35 năm trong chính trị và xã hội.

279 phiếu đại cử tri đoàn đã nằm trong tay ông Joe Biden tính đến tối 7-11 (giờ Mỹ), trong khi ông Trump chỉ dừng ở 214 phiếu. Ngoài ra, ông Biden cũng nhận được 75 triệu phiếu phổ thông, hơn ông Trump 4 triệu phiếu.

Tạo nên “chiến thuật Biden”

Có thể thấy chiến thuật của ông Biden là tạo ra sự an tâm, an toàn trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Ngoài ra, đánh vào các vùng đất thuộc đảng Dân chủ hay nghiêng về đảng Dân chủ đã bị ông Trump giành năm 2016. Ông học bài học lịch sử khi bà Clinton thua tại sân nhà Michigan, Wisconsin và Pennsylvania với chênh lệch sít sao 0,3%-0,7%.

Ông Biden nghi binh bằng cách mở rộng chiến dịch xuống Florida và miền Nam qua những hành động như tỉ phú Mike Bloomberg đổ 100 triệu USD vào Florida, cựu tổng thống Obama xuống Florida vận động, ứng cử viên phó tổng thống bà Kamala Harris vận động tại Georgia và Texas, là những “thành trì” của đảng Cộng hòa.

Chiến dịch của ông Trump phải kéo về bảo vệ Florida, Georgia và Texas. Năm nay, ông Trump không tập trung mạnh vào Michigan, Wisconsin và Pennsylvania; trong khi bộ đôi Biden – Obama tập trung mạnh vào những vùng này, nhất là trong hai ngày đỉnh điểm trước kỳ bầu cử.

Yếu tố bất ngờ từ 100 triệu phiếu bầu sớm

Trước ngày bầu cử 3-11, có gần 100 triệu phiếu bầu sớm, đạt con số kỷ lục từ năm 1908 cho đến nay. Trong 100 triệu phiếu có 36 triệu phiếu bầu tại điểm bầu cử và 64 triệu phiếu được gửi qua bưu điện.

Trong ngày bầu cử 3-11, ước tính có khoảng 60 triệu phiếu. Phiếu bầu cử trong ngày 3-11 được kiểm trước, tiếp theo là 100 triệu phiếu bầu sớm. Vì lượng phiếu quá lớn nên kết quả bầu cử đến 2 giờ sáng 4-11 vẫn chưa ngã ngũ về ai. Lúc này mọi ánh mắt dồn về bảy tiểu bang chiến trường là Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, North Carolina, Georgia, Nevada, Arizona.

Từ 3 giờ sáng cho đến 12 giờ khuya 4-11, càng đếm phiếu thì màu đỏ từ các tiểu bang Wisconsin và Michigan dần chuyển sang màu xanh, sau đó ông Biden chiến thắng ngoạn mục. Sang ngày 5 và 6, đỏ chuyển sang xanh tại tiểu bang Pennsylvania và Georgia. Ðến cuối ngày 7, kết quả được công bố, ông Biden chiến thắng tại tiểu bang Nevada và Pennsylvania, cũng là giành chiến thắng chung cuộc.

________________________

(*) Tác giả là kỹ sư cơ khí hàng không, sinh sống và làm việc tại Mỹ

TRẦN THẮNG/PL

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều