+
Aa
-
like
comment

3 vụ lở đất, gần trăm nạn nhân và câu hỏi tại sao?

30/10/2020 10:41

3 vụ sạt lở đã liên tiếp diễn ra tại Trà Leng và Trà Vân, Nam Trà My và Phước Sơn – Quảng Nam đã khiến 64 người dân bị vùi lấp trong đất đá. Rất may trong số này vẫn còn một số người dân còn sống sót nhưng dù sao đó cũng là một thảm họa thực sự.

Lực lượng Công an và Quân đội trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Ngay trong đêm, Thủ tướng đã có công điện cứu nạn khẩn cấp. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng trong đêm, yêu cầu huy động toàn bộ nguồn lực vào Nam Trà My với quyết tâm dù đường cứu nạn vào rất khó nhưng “khó mấy cũng phải làm”.

Nhưng vì sao những thảm hoạ đau lòng vẫn liên tiếp xảy ra dù về nguyên tắc, chúng ta đã có bản đồ cảnh báo lũ quét, cảnh báo sạt lở đất đai?!

Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có một nỗ lực rất lớn khi bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỉ lệ 1/50.000 các tỉnh: Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỉ lệ 1/50.000 cho các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn… được bàn giao.

Chúng ta có bản đồ cảnh báo sạt trượt vậy mà vụ sạt lở đất ở Rào Trăng còn chưa tìm thấy hết những người mất tích, thì giờ, lại đến Nam Trà My – 53 người dân và Phước Sơn 11 người bị vùi lấp.

Nếu biết mỗi địa phương có tới hàng nghìn điểm sạt lở, 20%-30% trong đó có quy mô và khả năng gây thiệt hại rất lớn thì phải nói, bản đồ cảnh báo, với rất nhiều công sức này đã giúp xác định được các vùng, các điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá, giúp rất nhiều cho các địa phương trong việc phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng, bố trí định canh, định cư… lường tránh những khu vực có nguy cơ cao và sơ tán dân mỗi khi xảy ra mưa lũ.

Nhưng khi đó, PGS. TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cũng nói rất rõ: Bản đồ tỉ lệ 1/50.000 đến cấp xã thì chưa thể chi tiết. Và việc chỉ rõ các điểm, khu vực nhà dân cụ thể có nguy cơ trượt lở đất thì gần như bất khả thi thì tỉ lệ bản đồ 1/50.000 là rất… sơ sài.

Theo TS Văn, nếu muốn chi tiết đến mức độ “phục vụ di dời từng hộ dân ở từng điểm có nguy cơ trượt lở đất” thì cần phải có bản đồ chi tiết 1/10.000.

Câu chuyện Rào Trăng 3, nơi hàng chục công nhân bị vùi lấp, Hướng Hoá với sự hy sinh của 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn 337 hay Nam Trà My, với những 64 con người… là rất rõ ràng: Vì chúng ta còn thiếu những tấm bản đồ chi tiết.

Cảnh báo lũ và sạt lở đất khó khăn hơn rất nhiều so với cảnh báo mưa bão. Nhưng thật ra, nó không phải là bất khả thi.

3 thảm hoạ liên tiếp với gần 100 người dân bị vùi lấp, có lẽ, là đủ để có một quyết tâm cho những tấm bản đồ cảnh báo, dù tốn kém bao nhiêu đi chăng nữa.

(Theo LDO)

Bài mới
Đọc nhiều