3 việc cần làm để giữ người lao động không rời TP.HCM
Nhận định có thể cuộc sống khó khăn khiến người lao động ở TP.HCM tìm cách về quê, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng chính quyền cần gửi thông điệp và nhanh chóng hành động để an dân.
Xem hình ảnh nhiều người lao động rời khỏi TP.HCM ngày 15/8, TS Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng chương trình an sinh, hỗ trợ người dân gặp khó bởi đại dịch vừa qua cần tiếp tục đẩy mạnh.
Tình trạng này xảy ra ngay sau khi TP.HCM công bố quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tháng. Người dân cần an toàn và bảo đảm cuộc sống nên bất đắc dĩ lựa chọn con đường trở về quê.
Vì thế, phản ứng đầu tiên, theo ông Dũng, là phải có sự lên tiếng của chính quyền như thông điệp của lãnh đạo TP.HCM và có thể cần cả từ lãnh đạo Chính phủ.
Nếu lãnh đạo cấp cao đưa ra thông điệp ‘Bà con yên tâm ở lại, chính quyền sẽ lo hỗ trợ cho bà con’ thì chắc chắn sẽ tạo được niềm tin.
Theo ông Dũng, thông điệp của lãnh đạo cấp cao rất quan trọng vào thời điểm này, vì phải ở cấp đó phát đi thông điệp, người dân sẽ tin.
Thứ hai, phải cải thiện ngay chương trình an sinh, hỗ trợ người dân. Phải xem gói an sinh vừa qua đủ chưa, kịp thời chưa, có người nào bị bỏ sót không.
“Chương trình này cần thiết kế phù hợp hơn, công phu hơn, khả thi hơn và bao quát hơn, vì nếu chỉ hỗ trợ tiền ăn, người dân cũng không thể bám trụ vì đa số ở trọ và không có tiền đóng tiền thuê nhà”, ông Dũng nói.
Trong chương trình an sinh tới đây, ông đề nghị cần công khai rõ cho người dân về mức hỗ trợ tiền ăn bao nhiêu, tiền nhà bao nhiêu. Cùng với đó, công khai cách tiếp cận để tiền hỗ trợ thực sự đến được với người dân đang cần, tránh tình trạng những gói không kịp thời tiếp cận tới nhiều người.
Phản ứng thứ ba, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, chúng ta phải chi tiền và coi đây là một phần của chiến lược chống dịch, chứ không đơn thuần chỉ là chính sách an sinh.
“Nếu để người dân rời khỏi TP.HCM về các nơi sẽ khiến dịch lây lan khắp cả nước, như vậy chi phí ở các địa phương đón nhận sẽ lớn khủng khiếp, gấp 5-7 lần so với việc giữ người dân ở lại. Xét trên góc độ lợi ích quốc gia, việc tìm cách giữ người dân ở lại là hiệu quả và có lợi hơn rất nhiều”, ông phân tích.
Ngoài vấn đề chi phí, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cảnh báo nếu để người dân rời thành phố sẽ tạo nguy cơ rủi ro về sức khỏe, sinh mạng người dân, làm nảy sinh tình trạng kỳ thị, mất đoàn kết ở nơi mà họ trở về.
Đặc biệt, việc giữ người dân ở lại còn nhằm mục tiêu quan trọng là để phục hồi kinh tế sau khi hết giãn cách. Không có nguồn lao động này thì nền kinh tế sẽ đứt gãy.
“Giữ lực lượng này ở lại tức là giữ lại nguồn lực để phục hồi kinh tế một cách nhanh nhất, bởi nếu phục hồi chậm, dòng đầu tư sẽ không đổ vào nước ta, lúc ấy kinh tế sẽ rất khó khăn”, ông Dũng cảnh báo.
Một điều quan trọng khác, theo ông, chúng ta đưa ra thông điệp “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” và “Không để ai bị bỏ lại phía sau” thì cần phải có những phản ứng ngay lập tức để không còn tình trạng người dân gặp khó khăn.
Ngoài sự nỗ lực của chính quyền thành phố, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng các bộ, ngành Trung ương cần phải vào cuộc ngay theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, vai trò của người/cơ quan đứng ra điều phối chung là cực kỳ quan trọng để tránh tình trạng địa phương rối và lúng túng, bị động.
“Việc này là vì mục tiêu chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế chung của cả nước nên sự đầu tư, quan tâm, hỗ trợ của Trung ương phải rất lớn”, TS Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.
TP.HCM hỗ trợ tiền trọ, lương thực cho người dân gặp khó khăn Ngay trong chiều 15/8, Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết đã yêu cầu quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tiến hành hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực, thực phẩm, không để ai thiếu đói.
Thành phố cũng sẽ hỗ trợ gói an sinh xã hội (bằng tiền mặt). Thời gian được hỗ trợ là trong tháng 8 và tháng 9. Đồng thời, các địa phương tổ chức để bà con tiêm vaccine.
Hoài Thu