+
Aa
-
like
comment

3 trụ cột cho sự phát triển kinh tế trong năm 2022

Diệu Hương - 08/02/2022 22:24

Trải qua những khó khăn do dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo Việt Nam trong chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”. Mặc dù mới bước vào những tháng đầu năm của kế hoạch 2022, con đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội vẫn còn ở phía trước. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân đều vững lòng tin và niềm lạc quan về triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Và để củng cố lòng tin, niềm lạc quan ấy, chúng ta cần tìm ra những trụ cột chính cho sự phát triển kinh tế trong năm 2022.

Mỗi một chuyên gia, mỗi nhà quản lý, nhà khoa học đều đã có những phân tích riêng của mình về vấn đề này. Nhưng tựu chung lại tất cả đều thống nhất xác định các trụ cột đó là thu hút đầu tư FDI, xuất khẩu và nội lực của nền kinh tế.

Trụ cột thứ nhất: Thu hút đầu tư FDI

Cũng phải thừa nhận rằng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ còn rất nhiều khó khăn và khó đoán định. Nhưng về dài hạn, mà trước mắt là năm 2022, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bởi đây là địa bàn quan trọng mà các nước hướng tới để thực hiện các hoạt động chế biến, chế tạo cung cấp cho thị trường ASEAN.

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển 2021, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn hàng đầu thế giới.

Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam trong nhiều tháng qua đều liên tục đưa ra khảo sát và cho thấy gần 80% doanh nghiệp đã đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Sẽ khó có thể đưa ra dự báo chính xác về con số thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2022, khi mà xu thế bất định của kinh tế toàn cầu còn rất lớn, do ảnh hưởng của Covid-19. Song rõ ràng, cùng với xu thế hồi phục của dòng đầu tư toàn cầu, thì cơ hội mở ra cho Việt Nam là không nhỏ.

Năm 2022, nhiều dự báo cho rằng sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Hoạt động mua bán sáp nhập toàn cầu đang giảm sút, sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự báo sẽ bứt phá trong năm 2022, khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Và bởi Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, hạ tầng và đặc biệt là hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết có hiệu lực.

Dù có những khó khăn nhất định, song hoàn toàn có thể lạc quan về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022, khi rất nhiều cam kết đầu tư, các dự án quy mô lớn đã được các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra. Trong vòng từ 10 đến 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng của nhiều công ty nước ngoài và gần như không có công ty nào nghĩ đến việc rời bỏ Việt Nam chỉ vì vài tháng khó khăn. Họ đang quyết tâm điều chính và cải thiện hệ thống sản xuất cho phù hợp với tình hình mới.

Để Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong năm 2022 cũng như dài hạn thì: Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản xuất này sớm quay lại sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI; khai thác thế mạnh các Hiệp định thương mại đã ký kết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI. Ngoài ra cần cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Trụ cột thứ 2: Tăng cường xuất khẩu

Năm 2021 xuất nhập khẩu đạt mức 668 tỉ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020. Mặc dù xuất khẩu trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn vì chống dịch. Việt Nam là một trong những nước có kim ngạch xuất khẩu lớn ở khu vực và thế giới. Vậy xuất khẩu Việt Nam muốn phát triển hơn nữa thì cần làm gì?

Năm 2022 sẽ là năm quan trọng, đặc biệt khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Lĩnh vực phục hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh, như điện tử, vật tư, thiết bị y tế, máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép… Do đó, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6 – 6,5%, năm 2022, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6 – 8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2022, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu thời kỳ 2021-2030. Song song với đó là phải tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trong đó, cần tập trung tận dụng các cơ hội của các FTA quan trọng như: EVFTA, CPTPP, RCEP… đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Tập trung phát triển xuất khẩu sang các khu vực thị trường và mặt hàng xuất khẩu mới, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các nền tảng số. Chú trọng quản lý nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu biên mậu và nhập khẩu hàng hoá không thiết yếu, trong nước sản xuất được để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Đặc biệt, muốn xuất khẩu hiệu quả thì phải tạo niềm tin lâu dài cho nước nhập khẩu, làm ăn trách nhiệm, nghiêm túc, trung thực với các bạn hàng trên thế giới. Một chuyên gia đã khuyên rằng: “Hàng hóa Việt Nam muốn xuất khẩu được thì người tiêu dùng Việt Nam phải thực sự yêu hàng của mình trước”.

Trụ cột thứ 3: Nội lực của nền kinh tế

Phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, không chỉ là bài học từ thực tiễn những năm vừa qua mà đây chính là nhân tố quyết định, là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong năm 2022, thị trường nội địa vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng, khi tiêu dùng nội địa (đóng góp khoảng 68 – 70% GDP) được phục hồi và phát triển, các khoản chi tiêu của Chính phủ (đầu tư công, hỗ trợ danh nghiệp và người lao động) sẽ kích thích chi tiêu trong nước, kích thích tăng trưởng. Nội lực của nền kinh tế cần tiếp tục được củng cố trên cơ sở phát huy trí tuệ, tính năng động sáng tạo của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển dịch mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu

Nói tóm lại, nêu lên ba trụ cột chính trên đây để cho thấy cần phải đẩy mạnh phát triển và tăng cường các trụ cột trên cùng với sự phát triển đồng bộ của các lĩnh vực khác của nền kinh tế như giao thông vận tải, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ… Phát triển nhanh và bền vững các trụ cột trên chắc chắn sẽ góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022.

Diệu Hương

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều