+
Aa
-
like
comment

“3 tại chỗ” – lựa chọn sống còn của doanh nghiệp trong dịch Covid-19

14/07/2021 09:31

Doanh nghiệp nào không thực hiện phương châm 3 tại chỗ “sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ” sẽ phải ngưng hoạt động.

3 tại chỗ - lựa chọn sống còn của doanh nghiệp trong dịch Covid-19 - 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên trái) và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiểm tra công tác phòng dịch tại Long An (Ảnh: Quốc Chính).

Đó là một trong những yêu cầu mà tỉnh Long An đưa ra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn vào ngày 12/7, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca nhiễm mới tăng nhanh tại địa phương.

Theo PV, trong buổi làm việc trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Long An là nơi trung chuyển giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây, nên nếu “vỡ trận” sẽ rất nguy hiểm. Bởi vậy, trong lúc này, Long An phải tập trung, ưu tiên số 1 cho phòng chống dịch; những nơi an toàn, đủ điều kiện mới tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng yêu cầu Long An thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, đồng thời đảm bảo công tác vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh tế; nên triển khai phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp. Đây là lựa chọn khó nhưng không còn cách nào khác, nhất là với vị trí trung chuyển của Long An với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây.

“Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi tổ chức, mỗi nhà máy xí nghiệp, cơ quan đơn vị là một pháo đài chống dịch”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Yêu cầu chống dịch trong sản xuất cũng được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đặc biệt lưu ý đối với lãnh đạo tỉnh Long An. “Việc thực hiện mục tiêu kép phải đổi mới, không máy móc. Nơi nào ổn định tập trung cho sản xuất, nơi nào còn có dịch tập trung phòng chống dịch. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe, tính mạng người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.

Ngay sau ngày làm việc với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Long An đã có văn bản yêu cầu các công ty xây dựng phương án bố trí nơi ăn, nơi nghỉ cho công nhân lao động theo phương châm “3 tại chỗ – sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ”.

Từ 0h ngày 13/7, các công ty, doanh nghiệp nào không đáp ứng phương châm “3 tại chỗ” buộc phải tạm ngưng hoạt động. Đối với các công ty, doanh nghiệp đã xây dựng và thực hiện tổ chức sản xuất phương châm “3 tại chỗ” tiếp tục hoạt động bình thường. Các công ty, doanh nghiệp còn lại, chậm nhất đến 0h ngày 13/7 phải xây dựng và thực hiện tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”.

Đây là một biện pháp cứng rắn nhưng hết sức cần thiết để đảm bảo yêu cầu vừa chống dịch, vừa sản xuất, phát triển kinh tế.

Trên thực tế, mô hình “3 tại chỗ” đã được áp dụng và phát huy hiệu quả tại Đà Nẵng và Bắc Giang – nơi có nhiều khu công nghiệp với số công nhân lao động lớn. Với mô hình này, ngoài việc đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, các doanh nghiệp có thể quản lý chặt chẽ người lao động, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh để ổn định sản xuất trong tình hình mới.

Đảm bảo “3 tại chỗ”, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải gia tăng chi phí. Tuy nhiên, đây là sự lựa chọn mang tính sống còn của các doanh nghiệp và hàng triệu công nhân lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Việc ăn ngủ, nghỉ tại chỗ trong điều kiện sinh hoạt chật chội với trang thiết bị, vật dụng sinh hoạt tối thiểu sẽ khiến người lao động không thoải mái như ở bên ngoài. Nhưng hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự đồng hành của người lao động, và người lao động cũng phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong đảm bảo ổn định, sản xuất của doanh nghiệp.

Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ và chống dịch tại chỗ không chỉ là vì sự phát triển của doanh nghiệp mà còn là điều kiện để bảo đảm cho sự an toàn sức khỏe, thu nhập của cá nhân người lao động.

Hoàng Lam

Bài mới
Đọc nhiều