+
Aa
-
like
comment

3 ngày tốt nhất gia chủ nên lau dọn bàn thờ đón Tết Nguyên đán

25/01/2022 12:20

Chuyên gia phong thủy chia sẻ, năm nay có 3 ngày tốt các gia đình nên dọn dẹp ban thờ.

Ngày, giờ tốt để dọn dẹp ban thờ đón Tết

Việc dọn dẹp ban thờ, bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang thường được gia chủ tiến hành vào dịp năm hết Tết đến. Nhiều người phân vân giữa việc nên dọn ban thờ trước hay sau ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp.

Chuyên gia phong thủy cho rằng, năm nay có 3 ngày tốt các gia đình nên dọn dẹp ban thờ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể gồm:

Ngày 24 tháng Chạp (26/1/2022): Những khung giờ tốt là giờ Thìn (7 – 9 giờ), hoặc giờ Tỵ (9 -11 giờ), và giờ Mùi (13 – 15 giờ).

Ngày 28 tháng Chạp (30/1/2022): Giờ tốt là 5- 7 giờ (giờ Mão), 9 – 11 giờ (giờ Tỵ), 15 – 17 giờ (giờ Thân), 19- 20 giờ (giờ Tuất).

Ngày 29 tháng Chạp (31/1/2022): Giờ tốt là giờ Thìn (7 – 9 giờ), giờ Tỵ (9-11 giờ).

Không nên bao sái ban thờ vào buổi tối

Còn theo chuyên gia phong thủy khác chia sẻ, việc bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang nên tiến hành sau khi đã cúng xong lễ ông Công, ông Táo. Đặc biệt, việc này nên làm ban ngày, không nên làm buổi tối. Trong trường hợp gia chủ cúng vào sáng 23 tháng Chạp thì chiều có thể bao sái. Nhưng nếu buổi chiều mới cúng thì nên để sáng hôm sau mới tiến hành.

Chuyên gia nêu, trong ngôi nhà, bát hương luôn luôn phải được an yên và an vị nhất, trừ những trường hợp bất khả kháng như ban thờ bị mối mọt, cong vênh phải sửa chữa, do vị trí ban thờ không phù hợp… thì mới xê dịch ban thờ. Khi xê dịch, cần làm lễ an vị ban thờ thật cẩn thận.

Bà lưu ý, khi bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang, lau bát hương sẽ dùng nước ngũ vị hương. Còn khi lau dọn ban thờ phải có thêm rượu gừng ngâm nhiều ngày đổ cùng nước ngũ vị hương. Một số tài liệu cho rằng chúng ta dùng rượu gừng để bao sái ban thờ là không đúng. Bởi nó chỉ phù hợp với ban thờ được xây hoặc ban thờ đá. Ban thờ gỗ “rất sợ rượu gừng”.

Khi thực hiện, phải lau bát hương đầu tiên, một tay giữ bát hương, tay kia lau bát hương. Phải lưu ý lau từ mặt nhật nguyệt, rồi mới lau những vị trí khác.

Trong trường hợp bát hương ở gần tường, gia chủ có thể dùng khăn mỏng và que nhỏ luồn khéo léo vào để lau. Tất cả phải được thực hiện nhẹ nhàng, từ tốn, không gây ồn ào.

Một số chuyên gia cho hay, gia chủ nên tránh làm vỡ đồ trong quá trình lau dọn ban thờ.

Lưu ý quan trọng khi rút tỉa chân nhang

Cùng với dọn dẹp ban thờ, gia chủ sẽ tỉa chân hương (tỉa chân nhang) đã cũ trong một năm thờ cúng.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà gợi ý, gia chủ một tay cầm bát hương, một tay nhẹ nhàng rút chân nhang. Cần chú ý, nếu trạch chủ là nam thì nên giữ lại 7, 17, 27, 37 chân nhang, không được giữ lại 47 chân nhang vì đó là số tử thần. Nếu trạch chủ là nữ, gia đình mẹ góa con côi thì nên giữ lại 9, 19, 29, 39 chân nhang, không được giữ lại 49 chân nhang.

Văn khấn xin phép bao sái lau dọn

Dưới đây là Văn khấn xin phép bao sái lau dọn mà các gia đình có thể sử dụng:

Con nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Tín chủ tên là:

Cư ngụ tại địa chỉ:

Hôm nay ngày .. tháng .. năm… xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án bị bụi, xin thành tâm sám hối.

Tín chủ xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ.

Mong các vị độ cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.

Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.

(Xong vái 3 vái).

(Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo)

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều