3 chiến sĩ công an hy sinh tại Đồng Tâm: Ký ức xót xa người ở lại
Khi viết những dòng này, ký ức ngày 3 chiến sỹ công an hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Đồng Tâm lại hiện hữu trong tôi.
Tôi đã trải qua những đêm trằn trọc không ngủ nổi, hình ảnh các anh ôm lấy nhau ghì chặt giữa biển lửa ám ảnh tôi. Hơi nóng bao vây dồn dập bốc lên, những chậu xăng liên tiếp dội vào cơ thể thì sắt đá cũng phải tan chảy chứ huống chi thịt da con người.
Đến tận bây giờ, khi vụ việc xảy ra đã 8 tháng, tôi cũng chưa thể hình dung được những kẻ đâm giáo, châm lửa, đổ xăng lên thân thể các anh đã nghĩ gì trong giờ phút ấy.
Ngày cơ quan công an công bố kết luận điều tra, đọc những dòng chữ miêu tả chân thực quá trình hy sinh của các liệt sỹ, nước mắt tôi chảy dài. Thịt da các anh hòa quyện vào nhau, ngọn lửa ăn sâu vào tận cơ quan nội tạng đến nỗi không thể nhận diện…
Giữa thời bình mà sự tàn bạo vẫn tồn tại, lại công nhiên xảy ra và có sự chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng. Các anh mãi nằm sâu trong lòng đất mẹ, thế nhưng nỗi đau và mất mát đối với những người ở lại vẫn hiển hiện, day dứt…
Ngôi nhà nhỏ nằm trong ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên đáng ra năm ấy sẽ có một cái Tết rộn ràng như bao tổ ấm khác. Buổi sáng ngày Huy lên đường làm nhiệm vụ, con gái đầu lòng bé bỏng vẫn say giấc trong nôi, Quỳnh sửa soạn đồ và tạm biệt chồng: “Anh đi khi nào về vậy?”.
Huy bảo: “Như thường lệ, anh đi công tác chắc vài hôm”. “Lần nào cũng vậy, anh ấy cứ nói với tôi xong là lại cười, hai chiếc răng khểnh vẫn thế, vẫn là thứ khiến tôi nhớ nhất” – vừa nói, cô gái trẻ vừa lấy tay gạt nước mắt, đôi mắt xa xăm thi thoảng khóe môi lại khẽ cười khi nhắc đến kỷ niệm về chồng.
Đã lâu lắm rồi, Quỳnh không ý thức được nước mắt mình chảy lúc nào nữa. Có khi là một buổi sáng, cô bất chợt bật dậy mở tủ lấy quần áo cho chồng như một thói quen. Có khi là giữa đêm, cô nghĩ đến những kỷ niệm thời còn yêu nhau và nhớ Huy đến phát điên, mắt cứ nhòe đi vì biết muốn gặp lại anh thì phải bước vào trong giấc mơ.
Tôi không có thói quen theo dõi facebook cá nhân của bất kỳ ai, bạn bè cũng nói tôi là đứa không có thần tượng. Nhưng từ ngày Huy mất, tôi lại ấn theo dõi facebook của Quỳnh, phần là đôi lúc giấu tên mua vài món đồ ủng hộ bé Bún, phần nhiều tôi cứ cảm giác nếu không theo dõi, chỉ sợ cô gái trẻ ấy sẽ sụp đổ, ngã quỵ, không chịu được thực tại mất đi chàng trai của cuộc đời mình quá sớm, hạnh phúc còn chưa kịp tròn đầy.
Khi rảnh, tôi vào xem ảnh Bún – cô bé càng lớn càng giống bố, từ điệu cười đến cử chỉ, nét mặt và cả đôi mắt to, ánh lên vẻ gan góc, can trường.
Ba Huy yêu Bún lắm, hơn cả mẹ Quỳnh cơ, hôm nào không phải đi trực, ba bế Bún cả ngày không chán. Ba tháng đầu mẹ Quỳnh mất sữa, đêm nào ba cũng dậy vài lần pha sữa cho con. Mới đây Bún đã biết gọi ba rồi, Huy mà còn chắc anh vui lắm.
Vậy mà ba Huy lại bận đi làm nhiệm vụ, nhiệm vụ thật dài, thật xa, không có ngày về. Mẹ Quỳnh sẽ làm mọi cách để miền ký ức của Bún ngập tràn hình ảnh ba Huy, ba lúc nào cũng như ở ngay đây, dõi theo 2 mẹ con…
“Mẹ ơi ba đã về chưa?
Tiếng con thét lên giữa đêm dài tĩnh lặng,
Nhìn đôi mắt thơ ngây lòng em đau quặn thắt,
Ba ngã xuống rồi cho non nước bình yên,
Anh đi rồi còn lại mình em,
Giữa cuộc đời, giữa bao nhiêu mơ ước,
Trọn vẹn chưa, anh đã hứa cùng em làm được,
Tương lai chúng mình, bỏ lại mỗi em sao,
Sau này con hỏi em sẽ chỉ lên cao,
Và kể con nghe sự hy sinh của bố,
Nhiệm vụ, chiến công, không tên, không số,
Chống bè lũ lưu manh lợi dụng nhân dân,
Nếu tuổi đôi mươi có quay lại đôi lần,
Em tin anh cũng dành trọn cho non sông, Tổ quốc,
Đôi mắt anh sáng ngời như ngọn đuốc,
Ngoảnh mặt lại rồi lửa đã cháy ngang lưng,
Ôi bài bi ca có hát vạn trăm lần,
Cũng không diễn tả hết niềm thương chua xót,
Anh nghỉ nhé để đồng đội làm nốt,
Tổ quốc nghiêng mình đón anh ngủ trên tay…”
Chương trình “Lễ Tuyên dương 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu” năm nay do Đoàn Thanh niên CATP Hà Nội tổ chức có thêm gương mặt thứ 11.
Hình ảnh Đại úy Phạm Công Huy nằm trang trọng giữa trung tâm, trong vòng tay, hơi ấm của đồng chí, đồng đội – những thanh niên Công an Thủ đô ưu tú.
Buổi lễ diễn ra trang trọng, ý nghĩa và nhiều khoảng lặng. Tôi bắt gặp bác Lâm – bố Huy – với bộ quần áo đen cũ kỹ, ngồi ngay hàng ghế giữa. Đôi mắt người cha sâu thẳm, chốc chốc người lại run lên. Tôi chẳng thể rời mắt khỏi người cha kiên cường ấy, trên tay bác lúc nào cũng thường trực chiếc khăn mùi xoa, thứ mà trước đây bác chẳng khi nào dùng.
Tên Huy được đọc lên đầu tiên, ngân vang, sâu lắng. Cả hội trường lớn không một tiếng động, bác Lâm từ từ đứng dậy, mọi ánh mắt hướng theo.
Tôi chạy nhanh tới đỡ bác, dìu bác lên vị trí nhận kỷ niệm chương. Đôi tay người cha ấy gầy guộc, xanh xao, bọng mắt thâm quầng, tiều tụy. Bác đứng đó ôm Bằng Tuyên dương như ôm di ảnh của Huy, nước mắt lã chã khiến chúng tôi cũng không cầm được cảm xúc. Về tới chỗ ngồi, tay bác vẫn nắm chặt chiếc khăn mùi xoa…
Ngồi cạnh bác tôi chẳng biết nói gì hay an ủi ra sao, tâm trí mông lung ấp úng. Bỗng bác quay sang tôi, giọng mếu máo: “Huy nó chỉ biết chữa cháy, cứu người thôi. Tính nó hiền như đất, không bao giờ có ý nghĩ hại ai, thế mà…”.
Tôi lặng người trong run rẩy: “Dạ, bác hãy tự hào về anh Huy, chúng cháu cũng vậy”. Như phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay ôm lấy tay bác như ôm người cha của mình, nước mắt bác lại chảy dài.
Và tôi cũng vậy…