27-7 – dịp cùng hướng về những bà mẹ Việt Nam anh hùng
Sắp tới ngày 27/7 – ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam, chúng ta cùng hoài niệm và gửi lời biết ơn sâu sắc tới tất cả các anh hùng liệt sĩ. Họ đã ra đi nhưng sự hy sinh của các anh vẫn mãi là những trang sử hào hùng cho dù lớp bụi thời gian có phủ đầy những trang sách. Trong những ngày này, chúng ta hãy cùng hướng đến và chia sẻ tới các bà mẹ Việt Nam anh hùng – những người đã phải gánh chịu những vết thương đau đớn nhất sau chiến tranh.
Sự hi sinh thầm lặng ngay cả khi đất nước đã qua thời khói lửa
Sau kháng chiến chống Mỹ, cả nước trải qua khó khăn lớn, phải vực dậy cả nền kinh tế sau đống đổ nát. Nhưng chiến tranh còn để lại những vết sẹo sâu hơn, gây ra bao mất mát đau thương cho các gia đình. Có người mẹ phải lần lượt nhận tin báo các con của bà đã hy sinh trên chiến trường, nỗi đau mất con cái, phải trải qua cuộc sống khó khăn, thiếu thốn về tinh thần. Họ là cội nguồn của các anh hùng, những người quả cảm nhất, bản lĩnh nhất. Sự yêu thương, bao dung của người phụ nữ không hề yếu đuối mà chính họ đã làm nên sức mạnh trong chiến đấu, làm nên thắng lợi của cả dân tộc. Chúng ta gửi ngàn lời cảm ơn và tán dương đến các bà mẹ anh hùng liệt sĩ đã chấp nhận đau thương để đổi lấy hạnh phúc cho tất cả các gia đình Việt Nam.
Cuộc sống của các bà mẹ anh hùng cũng giống như bao người khác nhưng trống trải và có phần khó khăn hơn. Mẹ Lê Thị Nhạn, tại ấp Mỹ Thới 1 (TX. Bình Minh) năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Mỗi lần nhắc đến chiến tranh và những đứa con của mình, mẹ như chỉ muốn khóc. Qua lời kể của mẹ, cho dù là những chi tiết chắp nối, những cột mốc thời gian không rõ ràng cũng đủ để cho thấy tình cảm của mẹ còn dạt dào biết bao.
Người cha ruột của mẹ Nhạn là ông Nguyễn Văn Gia đã hy sinh mà không có để lại một di ảnh nào cả, vẫn luôn là nỗi đau kéo dài trong suốt 60 năm cuộc đời của mẹ. Mẹ kể ông bị bắt ra Côn Đảo trong thời kì kháng chiến chống Pháp và mất luôn xác ở đó. Ngoài người cha ruột thì 3 người chú của mẹ cũng đều chiến đấu và hy sinh, trong đó có một người chú bị bắt mổ bụng ngay tại vùng đất Ngãi Tứ. Con trai đầu lòng của mẹ Nhạn là anh Võ Văn Danh (sn 1953) tham gia giao liên từ năm 13 tuổi, tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình từ khi còn rất trẻ. 5 năm sau, trong một lần bị giặc bắt, anh đã hy sinh ngay trên mảnh đất Mỹ Lộc quê nhà. Rồi trong thời gian chạy giặc trả thù đến Campuchia, mẹ sinh người con trai thứ là Nguyễn Văn Sanh, anh cũng đã hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
Sau sự hy sinh của người con trai thứ, mẹ Nhạn đau đớn vô cùng, như không còn thiết sống gì nữa, nỗi đau mới chồng lên vết thương cũ. Em ruột của mẹ Nhạn là Lê Văn Triều cũng hy sinh trong trận chiến đấu chống Mỹ. Qua tâm sự của mẹ, có thể thấy được sự tự hào về một gia đình có truyền thống yêu nước, bất khuất và anh dũng, là cái nôi sản sinh ra những anh hùng vĩ đại. Mẹ Nhạn được nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào năm 2004. Hơn cả một danh hiệu cao quý, tổ quốc và nhân dân sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của mẹ.
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước
Ngoài mẹ Nhạn thì trên khắp Việt Nam còn rất nhiều những tấm gương bà mẹ Việt Nam anh hùng đã chịu nhiều vất vả, thiệt thòi trong chiến tranh.
Hàng năm, Đảng và Nhà nước vẫn tổ chức những sự kiện nhằm vinh danh và giúp đỡ các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm nay, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội phối hợp cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Đài truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương đoàn và Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020” diễn ra tại Hà Nội và Hà Nam từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 7 này. Chương trình với sự tham gia góp mặt của 350 đại biểu là các bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu trên cả nước. Bên cạnh đó, kế hoạch được thực hiện bằng những hành động thiết thực và đầy ý nghĩa.
Vào 7 giờ 30 ngày 27/7/2020, sẽ có Lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra sẽ tổ chức Lễ trao bằng Tổ quốc ghi nhớ công ơn tại tỉnh Quảng Nam ngày 21 tháng 7. Lễ dâng hương thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước dự kiến lúc 20 giờ ngày 26 tháng 7. Chương trình cũng được thực hiện trên cả nước về việc thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách và các trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng. Tại các địa phương, tùy theo điều kiện cụ thể mà các tỉnh, thành phố sẽ chủ động tổ chức hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ sao cho hợp lý nhất.
Điều quan trọng thông qua hoạt động này là hướng đến đạo lý truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam uống nước nhớ nguồn, biết trân trọng sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và hết sức chăm lo cho cuộc sống của những gia đình có công với tổ quốc. Thông qua các chương trình văn hóa, văn nghệ tại các trường học, cơ quan, ủy ban chính quyền các cấp để thực hiện đầy đủ, kịp thời, không bỏ sót các hồ sơ và đặc biệt những kế hoạch ưu đãi phải đến tay người có công, không để sựu trục lợi xảy ra.
Cũng trong dịp này, Nhà nước triển khai việc điều chỉnh bia mộ của các chiến sĩ có công sao cho thông tin được đầy đủ, tri ân nhất, tu sửa, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, các đài tưởng niệm. Đồng thời đưa ra những kế hoạch cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ các gia đình, các bà mẹ anh hùng có mức sống cao hơn và được chăm dưỡng tuổi già. Cũng thông qua kỷ niệm 27/7 lần này để chăm lo vật chất cho các bà mẹ anh hùng và đặc biệt là động viên tinh thần cho các bà mẹ anh hùng liệt sĩ đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát sau chiến tranh như chương trình tặng áo ấm, tặng hiện vật, sửa chữa nhà cửa,…
Nhà nước và nhân dân đã cố gắng để bù đắp phần nào cho các gia đình có công, nhưng những mất mát về tinh thần vẫn là một nỗi đau lớn đặc biệt với các bà mẹ có con trai tử nạn trong chiến đấu. Vậy nên cần phải duy trì và nhân rộng những hành động quan tâm, chăm sóc thiết thực để các bà mẹ có cuộc sống tốt hơn.
Han Cao
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả