+
Aa
-
like
comment

221 nhân viên nghỉ việc ở BV Bạch Mai có thực sự ‘không bất thường’?

16/04/2021 14:25

Những người thôi việc ở Bệnh viện Bạch Mai thuộc hai diện bị dừng hợp đồng và chủ động nghỉ. Trong đó, không ít người thể hiện sự tiếc nuối, hụt hẫng và bức xúc.

Theo giải thích của đại diện Bệnh viện Bạch Mai, 221 người thôi việc, chuyển công tác là “không bất thường”, “không phải chảy máu chất xám”. Song người này cũng thừa nhận đây là số lượng nhân viên nghỉ việc lớn nhất trong vòng một năm từng được ghi nhận. Điều gì đang xảy ra ở bệnh viện hạng đặc biệt với 110 năm tuổi này?

Lãnh đạo khoa nghỉ việc sau 30 năm gắn bó, một bác sĩ từng là lãnh đạo khoa vừa nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai cho hay ông đã xin nghỉ trước tuổi về hưu 5-7 năm.

Với 30 năm gắn bó, bệnh viện này đã trở thành ngôi nhà thứ hai với bản thân ông cũng như đồng nghiệp. Nói về lý do nghỉ việc, người này chia sẻ: “Người ta ra đi thì chỉ có 2 lý do. Một là vì không ‘happy’ thì người ta đi. Hai là yếu kém nên phải đi”.

Hiện tại, sau khi nghỉ việc, ông chưa chuyển sang đơn vị khác công tác. Ông dành thời gian ở nhà nghỉ ngơi, tham gia giảng dạy, hỗ trợ cho các bệnh viện khi được mời.

Trong cuộc chia sẻ, bác sĩ này cũng thể hiện sự không đồng tình khi lãnh đạo bệnh viện thông tin với báo chí rằng số người được tuyển mới có chất lượng cao hơn những người ra đi.

Ông cho rằng điều này là “quá xúc phạm” đối với bản thân mình. Bởi mỗi người có lý do riêng và không thể gắn bó được với bệnh viện thì phải nghỉ. Trong đó, việc cải cách, cơ chế quản lý mới không phù hợp cũng có thể là yếu tố khiến họ ra đi.

nhan vien Benh vien Bach Mai nghi viec anh 1
Con số 221 người thôi việc, chuyển công tác được phía viện giải thích là không phải sự bất thường nhưng là số lượng lớn nhất được ghi nhận trong một năm. Ảnh: Việt Linh.

Anh L., là nhân viên nhà thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai theo diện hợp đồng một năm. Tháng 10/2020, anh nhận được thông báo dừng hợp đồng với lý do dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn, viện phải cắt giảm nhân sự. “Lúc đó, tâm trạng tôi rất hụt hẫng. Đến bây giờ, công việc của tôi vẫn chưa ổn định lại được”, anh L. kể.

Ngoài ra, hơn 40 đồng nghiệp tại nhà thuốc của anh cũng bị mất việc đồng loạt theo quyết định của lãnh đạo viện. “Đơn vị tôi cũng đề xuất một số ý kiến lên trên như giảm lương để giữ lại nhân sự nhưng tất cả đều không được thông qua”, anh L. thông tin.

Còn chị T. là nhân viên nhà xe với thâm niên 15 năm trước khi bị cho nghỉ việc. Tháng 1/2020, chị T. sinh con thứ 2 và nghỉ thai sản. Cách thời điểm hết 6 tháng nghỉ thai sản khoảng 15 ngày, chị được thông báo lên nhận tiền bảo hiểm thôi việc.

“Họ giải thích là bộ phận nhà xe không nhận phụ nữ. Tôi không hiểu tại sao bao nhiêu năm như vậy, thời giám đốc cũ không có chuyện đó, tôi vẫn làm tốt, được lãnh đạo trước khen thưởng, giờ chuẩn bị quay lại đi làm thì nhận được thông báo như vậy. Không thể hiểu tại sao một bệnh viện lớn, khi có lãnh đạo mới lại cho nghỉ hàng loạt như vậy”, chị T. nói.

Sau khi nghỉ việc, gia đình chị về quê sinh sống. Số tiền sinh hoạt cho gia đình 4 người giờ chỉ phụ thuộc lương 5-6 triệu của người chồng.

Về điều này, tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, cho hay 221 người nghỉ và chuyển công tác gồm 28 bác sĩ. Trong số đó có trưởng khoa Dược, trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, trưởng khoa Thăm dò chức năng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Đa phần là khoa có sự sáp nhập, thay đổi lại cơ cấu nên có người đang từ trưởng trở thành phó khoa.

Hệ thống nhà thuốc được sát nhập vào khoa Dược. 10 nhà thuốc khi sáp nhập chỉ còn 5 nên số lượng nhân viên giảm đáng kể vì có nhiều người là hợp đồng thời vụ. Ngoài ra, bệnh viện tự chủ nên có một số dịch vụ phải giải thể, cắt giảm nhân sự như nhà tang lễ, nhà xe…

Chỉ 15% nhân viên hài lòng toàn diện với bệnh viện Theo kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2020-2021 của Bộ Y tế, mức độ hài lòng của nhân viên y tế với Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạt 3,5/5, (các năm trước đều trên 4).

Bệnh viện có 2.014/4.300 nhân viên tham gia khảo sát, trong đó, chỉ có 15% hài lòng toàn diện với bệnh viện, 51% hài lòng nói chung về lãnh đạo bệnh viện; 63% cho biết sẽ gắn bó làm việc với bệnh viện lâu dài; 70% đề nghị tăng thu nhập.

Bà Đoàn Thu Trà cho biết công đoàn có lắng nghe tâm tư của nhân viên và nhận thấy sự áp lực nhất định. Cán bộ y tế chịu áp lực vì bệnh viện phải chăm sóc toàn diện, có điều dưỡng không chịu được vì phải chăm sóc người bệnh đổ bô, gội đầu, tắm rửa… Khi người bệnh không hiểu và thông cảm chia sẻ, đôi khi có những lời nói ảnh hưởng đến tâm lý của nhân viên y tế. Vì vậy, khi có môi trường tư tốt hơn, nhân viên y tế sẽ chuyển đi.

Bà cũng cho biết khi GS Nguyễn Quang Tuấn làm giám đốc đã có sự quyết liệt và đưa ra một số quy định chặt chẽ hơn về giao tiếp, ứng xử, lề lối làm việc.

“Chẳng hạn, giám đốc đi qua thấy một cái cây bị héo, anh lập tức phê bình người liên quan ngay và cho đó là sự vô trách nhiệm. Ai sai, giám đốc nói thẳng luôn và phải sửa ngay lập tức”, bà nói.

Gần đây, một quản lý cấp khoa cũng bị đưa ra hội đồng kỷ luật vì nhận được phản ánh do có thái độ không tốt khi hướng dẫn người bệnh. Đây là mức kỷ luật trước đây chưa từng có.

“Hội đồng thi đua khen thưởng kỷ luật của bệnh viện bao giờ cũng mời toàn khoa và chủ tịch công đoàn, lãnh đạo bệnh viện. Khi đưa ra tổ chức sẽ đọc lỗi gì, có điều gì cần giải trình không rồi mới có hướng xử lý”, bà Trà kể.

TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho biết trước đây, quan hệ giữa khối lâm sàng với các phòng ban khác là cơ chế xin – cho, tức khoa cần máy móc, vật tư gì sẽ đề xuất rồi duyệt.

Hiện nay, cơ chế ngược hẳn, thay đổi sang quan hệ phục vụ, khối phòng ban coi khối lâm sàng là khách hàng nội bộ, chủ động đến tìm hiểu nhu cầu, lên kế hoạch. Điều này cũng khiến một số người không vừa lòng.

Về vấn đề lương của bác sĩ, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai thông tin: “Lương bác sĩ trung bình ở bệnh viện là 20-25 triệu đồng. Một số bộ phận xin ra ngoài làm có lương cao hơn, được đánh giá cao hơn. Thậm chí, có người được mời trả lương 7.000 USD nên họ muốn đi”.

Khó khăn của người ở lại Trong báo cáo của ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, gửi Bộ Y tế, lãnh đạo này đã kiến nghị bộ sớm ban hành giá trần dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Bệnh viện được thu giá dịch vụ y tế theo đúng nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích lũy để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện triển khai các hoạt động theo cơ chế tự chủ, đặc biệt là các quyết sách liên quan phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chế độ chính sách đãi ngộ khuyến khích người lao động.

Chia sẻ với Zing, một giáo sư đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai cho rằng mấu chốt của vấn đề nhân sự không đơn giản ở việc khó khăn do Covid-19, áp lực, yêu cầu chăm sóc toàn diện người bệnh…, mà là bài toán chung, cái khó của các bệnh viện công hiện nay.

Theo giáo sư này, Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện đề án tự chủ nhưng cơ chế tài chính chưa đồng bộ. “Nguồn thu của viện chủ yếu là do hoạt động khám chữa bệnh. Một là từ bảo hiểm y tế, hai là dân, ba là nhà nước cấp. Tuy nhiên, hiện nay, nhà nước không cấp kinh phí hoạt động. Bảo hiểm Y tế định giá chưa đúng, đủ và không cho dân trả tiền. Bao năm nay, chúng tôi chỉ yêu cầu một điều là tính đủ, tính đủ giá viện phí, 6-7 mục, giờ mới được 3-4”, ông nói.

Đối với dịch vụ tự nguyện, quy định cho phép bệnh viện xây dựng giá theo khung Bộ Y tế. Tuy nhiên, từ khi thí điểm vào ngày 17/2/2020 đến nay, bộ vẫn chưa ban hành khung giá để bệnh viện xây dựng cho phù hợp.

Giáo sư này cho biết nhiều người dân có nhu cầu, sẵn sàng bỏ tiền để hưởng dịch vụ, nhưng hiện giường tự nguyện chỉ được 10% trên tổng số giường bệnh.

“Tại khoa chúng tôi, thực tế càng tốt cho người bệnh thì cơ sở y tế càng lỗ. Người bệnh vào viện cần được chăm sóc toàn diện, phục vụ tốt. Vậy nhân viên y tế có làm được không? Chúng tôi làm được. Nhưng phải có người, có tiền trả cho họ. Bây giờ tiền không có, tiền không cấp, bảo hiểm không chi trả, lại không cho người dân bỏ tiền hưởng dịch vụ.

Như vậy bệnh viện lấy tiền đâu ra? Phải xoay sở. Khi đó, có chỗ này, chỗ kia không đúng. Giám đốc nào cầm quyền thì cũng thế. Nhân viên ra đi cũng là điều tất yếu, nhất là khi họ có những cơ hội. Đó là điều bình thường”, giáo sư này phân tích.

Ông cho rằng vấn đề sẽ được giải quyết nếu cơ chế thay đổi, giải quyết tốt phần bù lỗ cho các cơ sở y tế.

Hà Quyên

Bài mới
Đọc nhiều