21 lô đất ven biển Đà Nẵng bị người Trung Quốc “thâu tóm”: Cuộc “xâm lăng mềm” có chủ đích
Thời gian gần đây, dư luận đang dấy lên lo ngại khi có thông tin 21 lô đất ven biển Đà Nẵng bị người Trung Quốc “thâu tóm”. Nhiều câu hỏi đặt ra người Trung Quốc gom tiền “thâu tóm” đất ở những vị trí chiến lược và hàng loạt dải đất ven biển để làm gì?
Mấy năm trước, khách Trung Quốc ồ ạt đến Đà Nẵng, nghe tin không thể đứng tên chủ sở hữu đất, họ bèn núp bóng người Việt, dựng khách sạn, nhà hàng, bảng biển Trung Quốc mọc lên như nấm tại vùng ven biển. Dư luận, báo chí lên tiếng thì một lãnh đạo TP Đà Nẵng nói đại ý là “tình hình vẫn an toàn, nằm trong kiểm soát”. Một câu trả lời “ngây thơ”, nếu không muốn nói và vô trách nhiệm. Chuyện 21 lô đất ven biển Đà Nẵng bị người Trung Quốc “thâu tóm” bị phát hiện mới đây chỉ là phần nổi của một tảng băng nguy hiểm mà thôi. Hãy nhìn những vụ án liên quan đến người Trung Quốc được triệt phá trong thời gian qua đi: 3 người Trung Quốc đánh cắp dữ liệu thẻ ATM của hàng trăm khách hàng tại Nghệ An bị công an bắt giữ; Đến việc hàng trăm người Trung Quốc với các thiết bị máy tính viễn thông vận hành hệ thống đánh bạc lên đến 12.000 tỉ đồng bị phát hiện tại TP Hải Phòng hồi tháng 7 vừa qua; Hay thuê trẻ vị thành niên để quay phim đen trên mạng vừa bị công an phát hiện… đây là chiến thuật “xâm lăng mềm” của Trung Quốc cả đấy. Một cách thôn tính đất đai hết sức nhẹ nhàng và đúng luật.
Đừng xem thường những cửa hàng chỉ phục vụ dành riêng cho người Trung, cũng đừng xem nhẹ câu chuyện xứ người qua bên ta gom đất để xây nhà hàng, khách sạn, xây dựng các công trình quanh một số khu vực nhạy cảm. Bởi hệ lụy lớn nhất không thể không chỉ là người Trung Quốc vào cư trú mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, chính trị đất nước. Việc người Trung Quốc bơm tiền để gom đất là có ý đồ, có chiến lược hẳn hoi. Thời gian qua Trung Quốc liên tục gây hấn ngoài Bãi Tư chính, xâm chiếm chủ quyền của Việt Nam và hiện tại gã phương Bắc này luôn tìm mọi thủ đoạn để đạt được âm mưu thôn tính đó.
Dư luận thực sự nóng lên khi ông Tăng Hà Vinh, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn nói rằng: “Tất cả các trường hợp mua đất trên đều đúng quy định của pháp luật”. Đúng luật kiểu gì mà người Trung Quốc vào “núp bóng”, “thâu tóm” đất, dòm ngó những vị trí sát biển, chứ không màng giữa phố hay chỗ nào khác? Phải đặt câu hỏi là việc tập thể, cá nhân gom hàng chục lô đất có bất thường hay không chứ? Nếu cho là không bất thường thì có lẽ vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng của địa phương là hết sức mờ nhạt, nếu không muốn nói là tắc trách.
Chuyện người Trung Quốc “thâu tóm” đất ven biển này bung ra cho thấy, chính quyền địa phương quá buông lỏng quản lý. Bảo rằng “sẽ làm rõ” chuyện đất đai trên, xem ra là việc sau cùng của một quy trình quản lý gần như chẳng quản lý gì. Bởi nếu cơ quan chức năng thật sự có trách nhiệm, quan tâm đến vấn đề người Trung Quốc tại Việt Nam, sẽ không chờ đến bây giờ Thủ tướng phải ra chỉ đạo yêu cầu UBND TP Đà Nẵng xử lý phản ánh “21 lô đất ven biển Đà Nẵng bị người Trung Quốc đứng tên” mới vào cuộc điều tra, làm rõ. Sau công văn của người đứng đầu Chính phủ, rồi đây những người có trách nhiệm sẽ phải trả lời vì sao những khu đất nhạy cảm lại để cho người Trung Quốc thâu tóm? Bao năm qua cơ quan quản lý đất đai của địa phương đã làm gì, để rồi bây giờ tanh bành ra như vậy? Thực tế còn bao nhiêu khu đất nhạy cảm mà người Trung Quốc nhờ người Việt Nam đứng tên mua trên đất nước chúng ta? Việc Thủ tướng ra công văn không chỉ là yêu cầu địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, làm rõ vụ việc mà hơn hết đưa ra giải pháp để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, chứ không phải đá quả bóng trách nhiệm khi bộ này, ngành kia, cục nó nói không quản lý khi vụ việc xảy ra. Bởi không riêng gì Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác như Nha Trang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… ra đường là gặp người Trung Quốc, mọc lên không ít nhà hàng, khách sạn của họ. Đừng để đến lúc nào đó, họ cười khẩy nói đất này, khu nọ là của họ, bởi ngoài Biển Đông, Trung Quốc đã trơ tráo nói Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi Tư Chính là của họ rồi đấy.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 có yêu cầu rõ “Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”. Rõ ràng không phải nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài mang cái gì vào thì ta cũng đều chấp nhận cái nấy và điều quan trọng là “chiếu hoa” chỉ trải dựa trên việc lựa chọn. Không thể vì thành tích, thu ngân sách, vì tăng trưởng trong ngắn hạn hay vì lý do này, lý do kia mà quên đi an ninh quốc phòng, và lớn hơn là chủ quyền lãnh thổ. Suy cho cùng, phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng chủ quyền quốc gia là trên hết.
Thế Khoa