+
Aa
-
like
comment

2020 và 2008 – một thế giới trong khủng hoảng, hai thái độ ứng phó

05/05/2020 17:59

Không như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thế giới đang đối diện với đại dịch Covid-19 trong tình cảnh không có nhân tố lãnh đạo hay sự phối hợp ứng phó thống nhất.

2020 va 2008 - mot the gioi trong khung hoang, hai thai do ung pho hinh anh 2 virus_corona.jpeg
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từ tháng 9/2019 đã cảnh báo mâu thuẫn Mỹ – Trung gia tăng chia rẽ toàn cầu. Ảnh: Reuters.

AP so sánh khi thị trường tài chính thế giới sụp đổ vào năm 2008, châm ngòi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, lãnh đạo những cường quốc lớn đã cùng nhau bắt tay khởi động quá trình khôi phục nên kinh tế toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm đó cho ra đời hội nghị thượng đỉnh G20 – nhóm quốc gia giàu có nhất thế giới nắm giữ gần 80% nền kinh tế toàn cầu.

Hơn một thập kỷ sau, trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến chưa từng có tiền lệ của các lãnh đạo G20 ngày 26/3, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đề nghị các nhà lãnh đạo G20 thông qua một kế hoạch “thời chiến” và một lần nữa điều phối nỗ lực toàn cầu để chặn đứng đại dịch.

Lần này, đáp lại lời kêu gọi chỉ là sự thờ ơ.

Gần 2 tuần sau đó, cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cùng 164 tổng thống, thủ tướng đương nhiệm lẫn đã về hưu, nhiều nhà khoa học và chính khách quốc tế gửi thêm một tâm thư gửi đến những nhà lãnh đạo toàn cầu. Họ kêu gọi các nước lớn khẩn trương hợp tác và thống nhất biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng y tế – kinh tế toàn cầu đang ngày một nghiêm trọng.

Một lần nữa, những nước lớn không phản hồi.

“Thân ai nấy lo”

Trước các phóng viên ngày 30/4, ông Guterres đã không giấu được bức xúc khi cho rằng thay vì hình ảnh “lãnh đạo mạnh mẽ” cùng ứng phó đại dịch, mỗi nước đang tự theo đuổi những chiến lược khác nhau, gia tăng rủi ro virus không biến mất mà sẽ bùng phát trở lại sau một giai đoạn lây lan.

“Rõ ràng chúng ta đang thiếu sự lãnh đạo. Có thể thấy cộng đồng quốc tế bị chia rẽ giữa lúc chúng ta cần đoàn kết hơn bao giờ hết”, ông nhấn mạnh chìa khóa cho thách thức hiện nay là khả năng lãnh đạo kết hợp với sức mạnh.

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều hình mẫu đáng ngưỡng mộ về khả năng lãnh đạo, nhưng thường thì họ không đi cùng với sức mạnh. Còn những nơi cho thấy quyền lực, chúng ta đôi khi không thể tìm ra sự lãnh đạo cần thiết. Tôi hy vọng điều này sẽ sớm kết thúc”, ông cho biết.

2020 va 2008 - mot the gioi trong khung hoang, hai thai do ung pho hinh anh 1 Syria_1.jpg
Liên Hợp Quốc cảnh báo các nước nghèo cần sự hỗ trợ khẩn cấp khi đỉnh dịch còn cách hiện nay từ 3-6 tháng.

Thế kỷ 21 đang chứng kiến những rạn nứt ngày càng lớn trong đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Tổng thư ký Guterres tháng 9/2019 từng cảnh báo nguy cơ thế giới chia rẽ bởi đối đầu Mỹ – Trung, giữa thời đại chủ nghĩa dân túy và tư tưởng bài ngoại đang trỗi dậy, chủ nghĩa khủng bố lan rộng, bất bình đẳng “bùng nổ” và cuộc khủng hoảng khí hậu âm ỉ và bế tắc. Ông nhận định chủ nghĩa đa phương, nền tảng thành lập Liên Hợp Quốc 75 năm trước sau Thế chiến II, đang bị xói mòn nghiêm trọng. Đại dịch Covid-19 khiến lời cảnh báo gần nửa năm trước thêm thuyết phục.

Mâu thuẫn Mỹ – Trung cản trở nỗ lực quốc tế

Christoph Heusgen, Đại sứ Đức tại Liên Hợp Quốc, gọi cuộc khủng hoảng hiện nay là “thách thức lớn nhất nền văn minh nhân loại từng đối diện kể từ sau Thế chiến II”. Sự thất bại hiện rõ tại Hội đồng Bảo an, khi cơ quan được xem là quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc gần như bất lực trước đại dịch Covid-19.

Cho đến nay, Hội đồng Bảo an vẫn chưa thông qua được bất kỳ nghị quyết nào để thực thi tuyên bố ngừng bắn toàn thế giới mà ông Guterres đưa ra vào tháng 3.

Nguyên nhân cũng là sự giằng co giữa Bắc Kinh và Washington liên quan đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sau thời gian khen ngợi cách Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ứng phó dịch bệnh, Tổng thống Donald Trump gần đây chuyển sang cáo buộc Bắc Kinh không nhanh chóng cung cấp thông tin cho thế giới về bùng phát lây nhiễm. Ông “đóng băng” toàn bộ tài trợ cho WHO, cáo buộc cơ quan của Liên Hợp Quốc thiên vị Trung Quốc.

Nhiều nỗ lực quốc tế khác cũng đang “chôn chân tại trận”. Từ giữa tháng 3, Tổng thư ký Guterres đã báo động về những mối đe dọa mang quy mô toàn cầu của đại dịch, đặc biệt đối với nhóm quốc gia đang phát triển. Ông kêu gọi xây dựng một quỹ 2 tỷ USD để hỗ trợ những nước bị xung đột giằng xé và các quốc gia yếu thế.

Từ ngày 25/3 đến nay, quỹ mới vận động được một nửa chỉ tiêu đặt ra. David Beasley, lãnh đạo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc, ước tính một “đại nạn đói” có thể đẩy 265 triệu người trên toàn thế giới “đến bờ vực chết đói vào cuối năm 2020” nếu không có sự can thiệp.

“Rõ ràng chúng ta đang đối diện cuộc khủng hoảng lãnh đạo quốc tế”, Robert Malley, chủ tịch và CEO tổ chức tư vấn chính sách International Crisis Group, đánh giá.

Ông chưa thể dự đoán quốc gia hay tổ chức nào sẽ tình nguyện lấp vào khoảng trống lãnh đạo toàn cầu, đặc biệt khi cường quốc chỉ muốn tập trung vào bản thân mình. Sự hào phóng trở nên xa xỉ với những nước giàu khi bản thân họ cũng đang chìm trong khủng hoảng.

Tại cuộc họp ngày 9/4, Đại sứ Heusgen nhắc nhở các nước về cuộc khủng hoảng năm 2008, khi những nền kinh tế G20 thể hiện được “cả khả năng lãnh đạo lẫn sức mạnh” để đương đầu thách thức toàn cầu.

“Giờ chúng ta không có được điều đó. Chúng ta không liên kết được sự lãnh đạo và sức mạnh cùng nhau”, ông nhận định.

Thanh Danh/ ZFN

Bài mới
Đọc nhiều