+
Aa
-
like
comment

2020 – năm Việt Nam mở toang cửa với thế giới bên ngoài

16/12/2020 06:09

Năm nay ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam như là điểm sáng trên toàn thế giới nhờ các FTA được ký kết và thông qua, đánh giá thắng lợi của tiến trình hội nhập quốc tế kiên định và uyển chuyển của đất nước.

Sừng sững cột mốc EVFTA, EVIPA

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti chỉnh lại chiếc cà vạt đỏ, tươi cười giơ tay chào các nhà báo tại trụ sở của phái đoàn ở tòa nhà Lotte cao bậc nhất tại Hà Nội. Ông vừa rời phòng họp của Quốc hội Việt Nam, nơi trước đó ít phút, ngày 8/6/2020 hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam EU được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối.

Bắt đầu buổi họp báo về sự kiện lịch sử đó, Đại sứ nói: “Tôi cảm thấy rất may mắn khi Việt Nam và EU đang ở giai đoạn quan hệ tốt đẹp nhất trong lịch sử tính đến thời điểm này”.

Hiệp định EVFTA đi vào thực thi từ ngày 1/8 giúp đưa thuế nhập khẩu về 0% ngay lập tức với 71% hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam, và với 100% hàng hóa trong lộ trình 7 năm tới. Ngân hàng Thế giới ước tính, EVFTA sẽ làm tăng thêm 2,4% tăng trưởng GDP của Việt Nam; xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 12% và giúp 800.000 người được thoát nghèo.

2020 năm mở toang cửa với thế giới bên ngoài
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Kể từ khi Việt Nam và EU thỏa thuận khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA vào tháng 10 cho tới khi EVFTA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào đầu năm và bởi Quốc hội Việt Nam vào giữa năm nay, quá trình đàm phán kéo dài gần 10 năm với rất nhiều thăng trầm cảm xúc.

Lễ ký kết hiệp định EVFTA và EVIPA diễn ra ngày 30/6 năm ngoái tại Hà Nội đúng dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20) và thăm chính thức Nhật Bản. Trong lịch trình dày đặc, ông đã từ Osaka bay về Hà Nội để chứng kiến, phát biểu tại lễ ký kết và ngay sau đó, bay trở lại Nhật Bản trong ngày.

Thủ tướng nói: “Hai hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam. Từ đây, người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác ĐôngTây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á-Âu và toàn cầu”.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 6/2019, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã có chuyến công du châu Âu để gặp gỡ Cao ủy phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmström và hàng loạt bộ trưởng của các quốc gia thành viên EU như Romania, Italy và Tây Ban Nha. Có những vấn đề rất tồn tại, nan giải được nêu ra trong các cuộc gặp song phương như điều kiện để “chốt” hai hiệp định.

Bộ trưởng Tuấn Anh, người từng xuất phát từ Bộ Ngoại giao, đã giúp hóa giải mọi vấn đề gai góc đó, dẫn đến lễ ký kết trên. “EU có cơ sở để đặt niềm tin vào các cam kết của Việt Nam thể hiện trong hiệp định”, ông cam kết.

Thế giới mở rộng toang cửa đón Việt Nam

EVFTA đã giúp tạo khung khổ chung để Việt Nam và và Vương quốc Anh kết thúc đàm phán hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam Anh (UKVFTA) hôm 11/12. Hiệp định này được khởi phát sau Brexit và thể hiện Việt Nam-Anh chia sẻ cam kết chung đối với thương mại toàn cầu, lưu chuyển tự do dòng vốn và đầu tư.

FTA song phương này mang tới một sự tiếp nối quan trọng đối với mối quan hệ thương mại năng động và phát triển nhanh chóng của hai bên.

2020 năm mở toang cửa với thế giới bên ngoài
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và Anh. Điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại song phương.

Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan. Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Anh, con số tương ứng sẽ là 36 triệu bảng.

Năm 2019, các doanh nghiệp Anh đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 600 triệu bảng sang Việt Nam; các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang Anh với trị giá khoảng 4,6 tỷ bảng. Phó tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam VASEP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, xuất khẩu thủy sản sang Anh sẽ tăng trưởng đều 15-20%/năm sau khi UKVFTA có hiệu lực từ giá trị 280-300 triệu USD mỗi năm hiện nay.

Ngày 15/11, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên, hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP đã chính thức được ký kết.

RCEP với 15 nước, quy mô GDP tới gần 27.000 tỉ USD, có thể trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, được kỳ vọng thúc đẩy chuỗi giá trị và kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng Tuấn Anh nói, RCEP là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

“Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp của Việt Nam có thêm cơ hội thị trường”, ông kỳ vọng.

Có thể nói, năm 2020 với đại dịch Covid-19 tràn lan, tác động xấu lên toàn cầu, làm các nền kinh tế đóng cửa, nhu cầu sụt giảm, lại là một năm thắng lợi trong việc mở cửa và hội nhập của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực, trong đó đáng kể nhất là 2 FTA thế hệ mới với các cam kết cải cách bên trong sâu rộng là CPTPP và EVFTA. Ba FTAs khác đang trong quá trình triển khai.

Hàng hóa Việt Nam có mặt khắp mọi nơi

Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA.

2020 năm mở toang cửa với thế giới bên ngoài
Lễ ký biên bản kết thúc đàm phán hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Anh

Ông nói: “Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc… “.

Nhờ các FTA mở rộng cửa mà hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi khắp 5 châu rất thuận lợi. Theo Bộ Công thương, xuất khẩu 11 tháng ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8%). Cán cân thương mại sau 11 tháng năm 2020 đã xuất siêu kỷ lục gần 20,16 tỷ đô la, cao hơn nhiều so với con số 10,76 tỷ đô la của cùng kỳ năm 2019.

Ước tính cả năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục đạt trên 500 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 4-5% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam là một trong những quốc gia đảm bảo mức tăng trưởng về xuất khẩu trong một số lĩnh vực rất ấn tượng dù thương mại toàn cầu đang bị xáo trộn và gián đoạn.

Việc hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 đã tạo thêm dư địa cho hoạt động xuất, nhập khẩu; bên cạnh đó một số thị trường xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt như Trung Quốc, Mỹ. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, sau rất nhiều năm là nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Mỹ, đến tháng 6/2020, Trung Quốc đã phải nhường vị trí này lại cho Việt Nam.

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Việt Nam chiếm trên 20% thị phần hàng may mặc vào Hoa Kỳ, mặc dù xét về tổng giá trị, xuất khẩu may mặc trong nửa đầu 2020 vẫn chưa đạt mức của năm 2019.

Đối với thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần dệt may và da giày. Tuy nhiên, EVFTA được dự báo sẽ giúp xuất khẩu giày tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điểm sáng toàn cầu

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu tháng 10 dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 9,2% trong năm nay.

Trước đó, vào tháng 8, WTO đưa ra mức dự báo u ám hơn là thương mại hàng hóa sẽ giảm từ 13-32% trong năm nay do Covid-19. Đại dịch đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia; làm đứt gãy các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam chính là điểm sáng trên toàn thế giới. Kết quả đó là một thắng lợi của tiến trình hội nhập quốc tế kiên định và uyển chuyển. Việt Nam đã mở toang cửa và ngược lại, các thành viên của 13 FTAs cũng đã mở toang cửa cho Việt Nam.

Tuy nhiên, những cam kết cải cách bên trong, sau đường biên như là sức ép hội nhập từ các FTA mới là động lực đáng kể để cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường, tiên tiến và hội nhập.

EVFTA có hiệu lực đã có tác động rất kịp thời, giúp các doanh nghiệp tìm được đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Trong 4 tháng sau khi EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt khoảng 14,66 tỷ USD, tăng 2,05% so với cùng kỳ.

Trong 11 tháng đầu năm, đã có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%, gồm: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ.

Tư Hoàng Lan Anh/VNN

Bài mới
Đọc nhiều