200 tài xế vi phạm nồng độ cồn ở TP HCM
Trong ngày đầu mở cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, Phòng cảnh sát giao thông TP HCM cho biết đã xử phạt hành chính 200 tài xế vi phạm.
Tại ngã tư Bình Thái đêm 15/3, Đội CSGT Rạch Chiếc cùng cảnh sát cơ động lập chốt để dừng xe, đo nồng độ cồn các tài xế. Thấy người đàn ông tay lái loạng choạng, một chiến sĩ đã ra hiệu lệnh kiểm tra nhưng chủ xe không hợp tác. Mất hơn 30 phút, ông ta mới thừa nhận đã nhậu từ trưa và chịu thổi vào ống thở với kết quả 0.667mg/l khí thở. Ngoài bị giam xe 7 ngày, ông này bị phạt 4-5 triệu đồng và tước bằng lái 16-18 tháng.
Cách đó 9 km, tại vòng xoay Hàng Xanh, gần chục người chạy xe máy đã ngà say cũng bị cảnh sát xử phạt. Vội nôn ói vì đã “quá chén”, nam nhân viên IT, 23 tuổi cho biết, do lần đầu họp mặt bạn bè sau khoảng thời gian quán nhậu đóng cửa vì dịch nên “đã uống bia không kiểm soát”. “Xe máy bị giam 7 ngày sẽ gây bất tiện khi tôi đi làm. Nhưng tôi sẽ rút kinh nghiệm lần sau”, nam thanh niên nói.
Theo lãnh đạo một đội CSGT, nhiều người say xỉn thường bất hợp tác, gây khó dễ cho lực lượng kiểm tra như: không thổi máy đo cồn hoặc thổi không đúng cách, dùng điện thoại quay phim, chửi bới… “Những trường hợp không chấp hành sẽ được xử phạt ở mức vi phạm cao nhất để răn đe”, cảnh sát nói.
Nghị định 100/2019 quy định phạt 2-8 triệu đồng, tước bằng lái 10-24 đối tháng với người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn. Người chạy ôtô có cồn sẽ bị phạt 6-40 triệu đồng cùng khoảng thời gian tước bằng lái như người đi xe máy.
Cùng với TP HCM, cao điểm xử lý nồng độ cồn được triển khai trên cả nước đến hết năm nay. Trong ngày đầu tiên, CSGT trên toàn quốc ra quân và phát hiện, xử phạt hơn 600 tài xế vi phạm nồng độ cồn (riêng các tuyến cao tốc gần 90 người).
Theo Cục CSGT, trong năm 2020, lực lượng chức năng trên toàn quốc xử phạt trên 185.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 1,42% so với năm 2019. Hai tháng đầu năm này, 45.400 trường hợp vi phạm cồn bị xử phạt.
Đình Văn