20 năm đòi ‘thành quả lao động’ từ 15.300m2 bị thu hồi, bồi thường 2.000 đồng/m2
20 năm qua, bà Lê Thị Hiểu mòn mỏi đi đòi thành quả lao động từ phần đất hơn 15.300m2 mà huyện thu hồi của bà để làm trụ sở cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, UBND huyện cho rằng vụ việc của bà đã hết thời hạn, thời hiệu khiếu nại nên không giải quyết.
Bà Lê Thị Hiếu nay đã 70 tuổi, ngụ thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Thu hồi đất cho doanh nghiệp thuê
Theo trình bày của bà Hiểu, năm 1982 hơn 15.300m2 đất của gia đình bà bị UBND huyện Thanh Bình thu hồi để xây dựng các công trình cơ bản. Nhưng mãi đến năm 1998, UBND huyện mới có quyết định chi trả thành quả lao động.
Theo đó, bà được chi trả 2.000 đồng/m2, tổng số tiền được nhận là hơn 30 triệu đồng. Thế nhưng bà chỉ mới nhận tiền hai lần vào các năm 1999 và 2001, tương đương diện tích 5.200m2, tức còn hơn 10.000m2 đất chưa được chi trả.
Năm 1986, phần đất thu hồi của bà Hiểu được huyện xây dựng: Hạt quản lý đường bộ, Chi cục Thi hành án, Bảo hiểm xã hội, Chi cục Thuế, Điện lực.
Nhiều thửa đất còn lại hiện bỏ trống do quá trình sử dụng một số cơ quan đập bỏ trụ sở, di dời đi nơi khác. Và một trong những thửa đất trống đó, huyện đã cho một doanh nghiệp thuê thời hạn 50 năm.
Bà Hiểu cho rằng thu hồi đất của gia đình bà để làm trụ sở cơ quan nhưng sau đó lại cho doanh nghiệp thuê là sai với mục đích sử dụng, nên bà yêu cầu được trả lại phần đất này.
Ngoài ra, bà Hiểu yêu cầu được chi trả thành quả lao động của 10.000m2 đất còn lại (có tính trượt giá từ năm 1982 đến nay).
Hết hay còn thời hiệu?
Trao đổi với PV, đại diện UBND huyện Thanh Bình cho biết nguyên nhân huyện dừng chi trả thành quả lao động là do năm 2007 UBND huyện có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương và được UBND tỉnh có văn bản (số 242) trả lời là việc chi trả không còn phù hợp với pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, các ngành chuyên môn huyện cũng cho rằng thời hiệu khiếu nại được tính là vào năm 1982, khi đất bà Hiểu bị thu hồi, tức lúc bà bị xâm phạm quyền và lợi ích.
Tuy nhiên, theo luật sư Trương Xuân Tám (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), thời hiệu khiếu nại theo điều 9 Luật khiếu nại năm 2011 là thời hiệu tính từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trong khi đó, thời điểm năm 1982 chưa có quy định nào về thời hiệu khiếu nại. Đồng thời năm 1998, 2001, UBND huyện Thanh Bình đã thực hiện chi trả tiền bồi thường cho gia đình bà Hiểu nên không thể nói thời điểm năm 1982 gia đình bà Hiểu bị xâm phạm quyền và lợi ích.
Ngoài ra, theo luật sư Tám, văn bản số 242 của UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ là một văn bản hướng dẫn nội bộ, không được xem là cơ sở pháp lý để UBND huyện không thực hiện việc chi trả cho bà Hiểu.
Đồng thời, gia đình bà Hiểu cũng không được biết văn bản này nên không thể áp dụng thời hiệu khiếu nại.
Đủ cơ sở để bồi thường
Luật sư Tám cũng phân tích thêm: việc thực hiện chi trả bồi thường thành quả lao động trên đất khi Nhà nước thu hồi đất của dân phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm thu hồi đất.
Cụ thể, năm 1982, thời điểm này Nhà nước chưa công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân cho nên chưa có chế định bồi thường/hỗ trợ tái định cư mà mới chỉ có chế định bồi thường thành quả lao động trên đất.
Theo điểm c tiểu mục 3 mục V, quyết định số 201-CP ngày 1-7-1980 của Chính phủ: “Nếu việc thu hồi không phải là do lỗi của người sử dụng đất hoặc bị trưng dụng đất thì giải quyết như sau: trường hợp người có đất bị thu hồi hoặc bị trưng dụng cần phải có đất để sử dụng thì được cấp đất khác.
Nếu trên khoảnh đất bị thu hồi hoặc bị trưng dụng có nhà cửa, công trình xây dựng khác hoặc trồng cây lâu năm hoặc trồng cây ngắn ngày chưa kịp thu hoạch đã phải phá bỏ thì được bồi thường thích đáng”.
Mặc dù quyết định số 201-CP chưa quy định cụ thể về phương thức bồi thường nhưng nếu căn cứ quy định này thì UBND huyện Thanh Bình phải bồi thường cho toàn bộ diện tích hơn 15.300m2 đã thu hồi của gia đình bà Hiểu.
“Bà Hiểu có quyền khởi kiện thông báo không giải quyết khiếu nại của UBND huyện, vì văn bản này có nội dung như một quyết định hành chính.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết, tòa án cũng có quyền kiến nghị các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản liên quan vụ việc nếu thấy có dấu hiệu sai phạm”, luật sư Trương Xuân Tám cho biết.
Đi bán máu lấy tiền chữa bệnh cho cha
Bà Hiểu cho biết: “Sau khi bị thu hồi đất, nhà tôi nghèo lắm, cha mẹ lại bệnh. Có thời điểm tôi phải đi bán máu để có tiền chữa bệnh cho cha.
Vậy mà lần nào tôi vào UBND huyện để đòi số tiền mình đáng ra được nhận thì chỉ toàn lời hứa hẹn. Bây giờ thì họ lại nói không giải quyết vì hết thời hạn khiếu nại”.
NGỌC TÀI/TTO